Tin đồn và phản ứng
Kimberly-Clark đã phản ứng ra sao với tin đồn băng vệ sinh dạng ống Kotex Tampon gây nguy hiểm cho người dùng?
Gần đây, trên mạng internet, rất nhiều tin đồn gây sốc được lan truyền rộng rãi, như: ăn cá bị bệnh ung thư, sữa bột Trung Quốc chứa chất gây ung thư..., rồi mới nhất là thông tin sử dụng băng vệ sinh Kotex, nhẹ thì ung thư, nặng sẽ tử vong đã gây hoang mang cho không ít nhiều chị em phụ nữ.
Sự việc bắt đầu từ ngày 4/9, Tập đoàn Kimberly-Clark tại Mỹ thông tin khuyến cáo người tiêu dùng về một số lô hàng bị lỗi của dòng sản phẩm băng vệ sinh dạng ống Kotex Natural Balance Security Tampons. Các sản phẩm đang nghi ngờ là bị mất cắp, phân phối trái phép tại Mỹ và có thể gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng.
Theo Cục Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA), hơn 1.400 sản phẩm băng vệ sinh bị thu hồi đã dùng nguyên liệu có nhiễm loại vi khuẩn Enterobacter sakazakii, chúng có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người sử dụng.
Sau 10 ngày tin đồn lan truyền, ngày 14/9, Kimberly-Clark Việt Nam chính thức phát đi bản thông báo chính thức về vụ việc. Theo đó, Kimberly-Clark Việt Nam khẳng định, dòng sản phẩm băng vệ sinh dạng ống Kotex Luxe Tampon hiện đang được phân phối tại Việt Nam hoàn toàn an toàn cho người sử dụng. Các sản phẩm Kotex Natural Balance Security Tampons bị lỗi không được phân phối tại Việt Nam.
Tuy đã chứng minh được sản phẩm tại Việt Nam an toàn nhưng theo các chuyên gia, Kimberly-Clark Việt Nam nói riêng và các nhãn hàng trong nước nói chung còn phản ứng khá chậm trước tin đồn.
Chẳng hạn, khi tin đồn tại Mỹ lan truyền, ngoài việc phát đi thông báo cải chính trên, tính đến nay Kimberly-Clark Việt Nam hoàn toàn im lặng ngay cả khi nhận các câu hỏi từ báo giới hay khách hàng về những vấn đề liên quan đến sản phẩm trên.
Nhiều người đặt giả thiết, lô hàng lỗi trên nhập lậu về Việt Nam thì sẽ như thế nào? Như vậy, nếu sản phẩm thực sự an toàn và khẳng định các dữ kiện trên chỉ là sự cố thì sự im lặng này của Kimberly-Clark Việt Nam sẽ mang những thông điệp rất bất lợi cho việc kinh doanh vì người tiêu dùng còn quá nhiều câu hỏi chưa được giải đáp.
Điều này cũng được TS. Alan Phan, Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa, đưa ra cách đây không lâu khi ví dụ năm 1982, món hàng bán chạy nhất của Hãng dược Johnson and Johnson là Tylenol bị đồn là bị bọn khủng bố bơm thuốc độc (chỉ vài chai thuốc trị giá chưa đến 10USD).
Trong vài giờ đồng hồ, vị CEO xác nhận tin đồn, thu hồi tất cả hàng trên thị trường, xin lỗi công chúng và công ty phải chịu lỗ hơn 170 triệu USD cho sự cố này. Bất cứ một công ty nào ở Âu Mỹ, lớn hay nhỏ, công cộng hay tư hữu, đều phản ứng rất nhanh lẹ trước những tin đồn ảnh hưởng đến sản phẩm, khách hàng, hoạt động hay ban quản lý của công ty.