Sếp tốt, sếp xấu - Giống nhau cả?
Lãnh đạo giỏi nhất và kém nhất có điểm giống nhau đến ngạc nhiên.
Người lãnh đạo giỏi nhất và kém nhất có điểm giống nhau một cách đáng ngạc nhiên, và những nỗ lực nhằm loại người kém ra khỏi vị trí lãnh đạo lại cũng đồng thời ngăn chúng ta có được người giỏi nhất.
Bạn có thích một ông sếp hay nói dối ? Thường xuyên làm bẽ mặt nhân viên ? Ông ta dường như bị ám ảnh về những chi tiết nhỏ nhặt trong kinh doanh. Không ai muốn một người như thế. Ông ta chắc chắn là một thảm hoạ.
Nhưng người đang được miêu tả ở đây chính là Steve Jobs, người đã đưa Apple trở thành một công ty có giá trị nhất trong lịch sử. Chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư nào cũng mơ một kết quả như vậy. Nhưng liệu họ có sẵn lòng lựa chọn người điều hành như vậy ?
Đây chỉ là một ví dụ nhỏ về một hiện tượng lớn mà không phải ai cũng nhận ra.
Người lãnh đạo giỏi nhất và kém nhất lại thường giống nhau một cách đáng ngạc nhiên, và những nỗ lực của chúng ta nhằm loại người kém ra khỏi vị trí lãnh đạo lại cũng đồng thời ngăn chúng ta có được người giỏi nhất. Với cả người lãnh đạo giỏi và dở, nếu mọi người phải chọn, họ sẽ chọn một người mà họ có thể biết được, hoặc đoán được những xu hướng, quyết định của người đó trong tương lai.
Cựu tổng thống Mỹ Abraham Lincoln đã được đảng Cộng hoà chọn lựa vào năm 1860 bởi vì ông được coi là người có tư tưởng ôn hoà, thận trọng nhất khi đó trong đảng Cộng hoà (tức là ít chống lại chế độ nô lệ nhất). Ông được cho rằng dễ chấp nhận hơn so với đối thủ chính của mình khi đó trong đảng Cộng hoà là William Henry Seward, một nhà chính trị tài năng có tư tưởng khá cực đoan.
Thế nhưng khi cuộc khủng hoảng nổ ra, đáng lẽ để miền Nam nước Mỹ ly khai trong hoà bình, chính Lincoln, chứ không phải Seward đã đẩy đất nước vào cuộc nội chiến tàn khốc. Mặc dù hoàn cảnh hai tình thế rất khác nhau để so sánh, nhưng khi Steve Jobs trở lại với Apple, ông đã thay thế toàn bộ hội đồng giám đốc và loại bỏ tới 70% sản phẩm của hãng. Đây là sự thay đổi về chiến lược cực đoan đến mức mà hội đồng giám đốc cho chính tay ông lựa chọn cũng không bao giờ bỏ phiếu ủng hộ.
Tất nhiên, giờ đây khi chúng ta biết rõ những câu chuyện đã diễn ra thế nào và kết quả của những quyết định đó ra sao, chúng ta cho rằng Lincoln và Jobs là những thiên tài xuất chúng. Thế nhưng khi đó, chắc họ chỉ nhận được những lời nguyền rủa.
Hãy thử nghĩ như thế này: khi một nhà lãnh đạo dũng cảm đưa một quan điểm trái ngược hoàn toàn, bất chấp quan điểm của các chuyên gia, và dẫn dắt công ty (hay đất nước) đến với thành công, chúng ta sẽ nói đó là một thiên tài có tầm nhìn xuất chúng. Người lãnh đạo đó biết đâu là điều đúng đắn, cần cho công ty, cần cho đất nước, trong khi không ai nhìn ra.
Tuy nhiên, phần lớn câu chuyện diễn ra theo hướng, nếu tất cả các chuyên gia đều phản đối một ai đó, thì có nghĩa là các chuyên gia đúng, chính vì thế mà chúng ta mới gọi họ là chuyên gia. Và chẳng có một cách chắc chắn nào để nói trước rằng, khi nào các chuyên gia đúng và khi nào thì họ sai. Nếu biết trước được điều đó, thì ai cũng có thể thành công.
Vì thế, những nhà lãnh đạo giỏi nhất là người làm những điều mà không ai dám làm, và thành công khi họ đúng mang đến cho họ vinh quang chói lọi. Và những nhà lãnh đạo tồi nhất cũng làm những điều mà không ai làm, chỉ có điều kết quả là họ sai, họ thất bại và hứng chịu sự phê phán. Đây chính là một trong hai điểm giống nhau mấu chốt giữa người lãnh đạo giỏi và dở.
Điểm giống nhau thứ hai là cách đạt đến quyền lực. Các nhà lãnh đạo không bao giờ được chọn ngẫu nhiên. Ai cũng muốn làm lãnh đạo, vì thế mọi tổ chức, từ một công ty cho đến một đất nước đều có một quá trình để chọn ra lãnh đạo giữa các ứng cử viên. Một nhà lãnh đạo tồi sẽ làm tiêu tan một công ty, một đất nước vì thế có rất nhiều nỗ lực được bỏ ra để chọn lựa đúng nhà lãnh đạo.
Và rồi, theo một cách nào đó, cả những người giỏi nhất và dở nhất đều đã lọt qua những vòng tuyển lựa gắt gao, được chọn vào vị trí người đứng đầu một tổ chức, mặc dù sau đó họ sẵn sàng làm những điều mà ngay chính những người bầu chọn ra họ cũng phản đối.
Thông thường, quá trình phấn đấu này không quá dài. Đối với vị trí người đứng đầu đất nước, ông ấy hoặc bà ấy có thể chỉ trải qua một thời gian ngắn trong các cơ quan chính trị cao cấp trước khi được bầu chọn, như Lincoln, người chỉ có hai năm trong Quốc hội. Nếu là một CEO, ông ta hoặc bà ta có thể là nhà sáng lập, có thể được thuê từ công ty ngoài, được thừa kế công việc, hoặc theo một cách nào khác để trở thành lãnh đạo mà không bộc lộ những gì họ sẽ làm.
Vì vậy, nhìn chung những người lãnh đạo dở thường là những người đã không được đánh giá kỹ lưỡng trước khi được trao cho quyền lực. Đôi khi những người này thực ra là kém cỏi, thiếu năng lực. Đôi khi họ mắc những sai lầm đơn giản mà những người khác sẽ né tránh được. Nhưng những người lãnh đạo giỏi cũng vậy, họ có những quyết định bất thường, đi ngược lại với quan điểm chung, bởi vì những người chọn lựa họ đã không đánh giá kỹ họ, đã không nhận ra điều đó ở họ. Nếu bị biết trước, họ đã không được chọn làm lãnh đạo.
Vì thế, hai đánh giá trái ngược nhau về những nhà lãnh đạo thường chỉ là hai mặt của một đồng xu.
Theo Hoàng Yến
Vnmedia/CNBC