Làm việc ra sao khi xung quanh toàn người thông minh hơn mình?

19/07/2014 08:02 AM | Quản trị

Những nhân viên thông minh và kỹ năng thành thạo đòi hỏi ít sự quản lý hơn. Đồng thời họ cũng là người dạy cho đồng nghiệp những điều mới, củng cố những điểm yếu cho bạn.

Nhà tuyển dụng thường có xu hướng tuyển dụng những người thông minh hơn bạn. Không có bí mật nào xung quanh lựa chọn khôn ngoan này. Rõ ràng, những nhân viên thông minh và kỹ năng thành thạo đòi hỏi ít sự quản lý hơn. Đồng thời họ cũng là người dạy cho đồng nghiệp những điều mới, củng cố những điểm yếu cho bạn. 

Tuy nhiên có một vấn đề là mọi người đều có cái tôi và cảm giác bất an khi bao quanh là những người thông minh hơn mình, thậm chí có cảm giác tồi tệ. Ít người cảm thấy thoải mái và thừa nhận điều này, nhưng chính nó cũng là lý do thường xuyên khiến mọi người không nghe theo những lời khuyên sáng suốt. Thậm chí nhiều người còn cảm thấy sự tự tin bị xói mòn khi họ tồn tại giữa những thiên tài.

Sau đây là loạt kinh nghiệm được tạp chí Inc rút ra trong chủ đề thảo luận trên mạng Quora về cách để đối phó với những cảm xúc nghi ngờ bản thân, tự tin khi làm việc trong một đội ngũ thông minh hơn mình.

Hiểu thế mạnh của bạn

Nếu bạn đã được tuyển dụng (hoặc làm chủ một doanh nghiệp), rõ ràng bạn phải có điều gì đó đóng góp cho đội ngũ của mình. Hãy tập trung vào những thế mạnh mà bạn có, thay vì những kỹ năng hay kiến thức mà bạn thiếu.

Andy Johns, một cựu nhân viên Facebook đưa ra một lời khuyên như sau: “Hãy xem xét bạn là một thành viên của đội bóng. Có những ngôi sao, tiền vệ xuất sắc hơn bạn, nhanh nhẹn hơn bạn vậy thì hãy làm tốt điều mà bạn đang có lợi thế là một hậu vệ hay trung vệ hoặc thủ môn. Điều quan trọng của mỗi người là tập trung vào kỹ năng, kinh nghiệm của mình trong trận đấu để đạt được màn trình diễn tốt nhất.”

Đừng ngại hỏi

Khi bao quanh là những người thông minh, phản ứng đầu tiên của bạn có thể là che giấu sự hiểu biết của mình, nhưng đó lại là con đường hoàn toàn sai lầm, Doug Edwards, giám đốc quảng cáo thương hiệu đầu tiên của Google từ năm 1999 cho biết. Nếu bạn không đặt ra những câu hỏi, bạn sẽ không bao giờ học được điều gì.

Điều này tốt hơn việc tạo ra một ấn tượng rằng bạn biết điều gì đó trong khi thực ra là không. Tôi thường yêu cầu các kỹ sư giải thích mọi thứ với tôi để tôi có thế hiểu được”, Edwards nhớ lại. Một thành viên Quora ủng hộ với điều này và cho rằng “Câu hỏi ngu ngốc nhất chính là không hỏi gì”.

Muốn thành công, hãy tự hỏi 6 điều sau mỗi ngày


Nhẫn nại

Để cảm thấy thoải mái trong một đội ngũ toàn ngôi sao không phải là điều gì đó xảy ra ngay lập tức. Thoải mái để hiểu, và học hỏi từ họ, những đồng nghiệp thực sự thông minh có thể là một quá trình dài, vì vậy đừng kỳ vọng rằng 1 tuần sau bạn thức dậy và cảm thấy hoàn toàn thoải mái.

Một thành viên Qoura có tên Jay Wacker đến từ đại học University of California cho biết, “Nó có thể mất vài năm để trở thành 1 trong những người đứng đầu.”

Hình dung ra những tình huống thay thế

Cựu nhân viên LinkedIn và hiện là nhân viên Google, Leo Polovets, người có kinh nghiệp làm việc trong những môi trường đầy thiên tài, đưa một nguyên tắc đơn giản nhưng đầy sức mạnh để duy trì thái độ của bạn.

“Tôi đã điều chỉnh mình như thế nào? Tôi đã xem xét một tình huống thay thế cho việc hợp tác với những người thông minh và ít điểm hấp dẫn. Với tôi, làm việc với những người kém thông minh hay ít kinh nghiệm hơn đồng nghĩa với việc bạn học hỏi được ít hơn, nhận được ít hơn và bực bội nhiều hơn so với làm việc với những người thông minh và nhiều kinh nghiệm. Làm việc trong một đội ngũ xuất sắc sẽ giúp bạn tiến xa hơn trong trò chơi của bạn.”

Ghi nhớ những điều bạn có thể kiểm soát

Có một điều chắc chắn là bạn không thể kiểm soát việc bạn là người thông minh nhất trong phòng nhưng bạn hoàn toàn có thể kiểm soát bạn là người chuẩn bị tốt nhất. Thành viên Farhan Thawar, trưởng bộ phận kỹ sư tại XtremeLadb cũng cho rằng “Bạn không thể trở nên thông minh hơn. Nhưng bạn luôn luôn có thể làm việc chăm chỉ hơn bất kỳ ai khác. Vì vậy một sự điều chỉnh để làm việc chăm chỉ hơn trong nhiệm vụ của mình cho đến khi bạn cảm thấy hài lòng là điều nên làm”. 

Cây bút Christina Bonnington của tạp chí Wired cho rằng “Yếu tố di truyền không có bất kỳ ý nghĩa gì. Thái độ làm việc mới là tất cả.”

Đọc nhiều hơn

Điều này có vẻ là đơn giản, nhưng nó lại là một trong những lời khuyên phổ biến nhất. Thành viên Charles Martin lấy ví dụ, khi nhớ lại “Cách đây vài năm, tôi có cơ hội làm việc trong một nhóm tại quỹ phòng vệ rất nổi tiếng và thành công và xung quanh toàn là cựu giáo sư đến từ MIT. Điều đầu tiên tôi làm là đọc những luận án của các giám đốc quản lý, chính vì vậy tôi có thể hiểu những gì đang diễn ra trong đầu họ và học cách suy nghĩ của họ. Điều này còn khiến việc làm việc với những con người xuất sắc trở nên dễ dàng hơn với tư cách là đồng nghiệp.”

Ngoài ra, đọc nhiều khiến vốn tích lũy của bạn trở nên đa dạng. Bạn có thể không thành chuyên gia nhưng bạn có thể đóng góp những mảnh ghép quan trọng trong vốn kiến thức tay trái của mình. 

Đừng cạnh tranh

Bạn cạnh tranh, so sánh càng nhiều, bạn càng học hỏi và tiếp thu được càng ít. “Đừng bắt đầu từ việc cạnh tranh. Ngày mà bạn sẽ chấp nhận sự thật rằng luôn luôn tồn tại những con người thông minh hơn mình, việc học hỏi sẽ trở nên dễ dàng hơn”, một thành viên có tên Rajay Chamria cho biết. Đừng cạnh tranh, hãy chiêm ngưỡng, tôn trọng và học hỏi họ một cách khiêm nhường.


Kim Thủy

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM