Khi lợi nhuận ngược chiều với doanh thu

02/11/2012 10:08 AM | Quản trị

Doanh thu vẫn đạt, lợi nhuận bị bào mòn.

Kết thúc năm tài chính vào tháng 10.2012, tổng doanh thu của công ty Hữu Liên Á Châu đạt 5.430 tỉ đồng, tăng 20,6% so với năm trước. Trong khi đó, lợi nhuận thuần về kinh doanh chỉ đạt 10 tỉ đồng, giảm 44% so với năm tài chính 2011.

Đạt doanh thu

Ở công ty chế biến thực phẩm Sài Gòn Food, doanh thu bán hàng nội địa mười tháng đạt gần 100 tỉ đồng, tăng 15% so với năm ngoái nhưng lợi nhuận năm nay chỉ đạt vài chục triệu đồng.

Tương tự, sau khi loại trừ yếu tố tăng giá, doanh số của công ty may Thắng Lợi mười tháng tăng trưởng 60%, một con số được coi là “trong mơ” đối với doanh nghệp ngành may mặc, song lợi nhuận chỉ bằng 1/3 năm trước. Nếu so với năm ngoái (theo báo cáo thường niên của công ty) lợi nhuận năm 2011 đạt 13 tỉ đồng, thì lợi nhuận năm 2012 chỉ khoảng 4 tỉ đồng.

Số liệu báo cáo quý 3 của các công ty niêm yết trên sàn cũng cho thấy hiện tượng doanh thu tăng, lợi nhuận giảm không phải là cá biệt. Như công ty cổ phần địa ốc Hoàng Quân (HQC) có doanh thu thuần quý 3 tăng bảy lần so với cùng kỳ, song lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 1 tỉ đồng, giảm 80% so cùng kỳ. 

Hay doanh thu thuần của công ty cổ phần Solavina (SVN) trong quý 3 đạt 7,4 tỉ đồng, tăng 230% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế giảm hơn 90%, chỉ đạt 8 triệu đồng. Còn ở tập đoàn Đại Dương (OGC), báo cáo tài chính công ty mẹ quý 3 và chín tháng đầu năm 2012 cho thấy, luỹ kế lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp giảm 25% so cùng kỳ, dù doanh thu thuần chín tháng tăng hơn 10%.

Lợi nhuận bị bào mòn

Từ số liệu của công ty địa ốc Hoàng Quân, Solavina hay OGC, có thể thấy nguyên nhân lợi nhuận giảm là do chi phí tài chính tăng. Chẳng hạn ở SVN, chi phí tài chính chín tháng tăng 110%. Hay ở OGC, chi phí tài chính tăng 8,7%, chi phí quản lý tăng hơn 60%...

Với đơn vị sản xuất như Sài Gòn Food, theo bà Lê Thị Thanh Lâm, phó tổng giám đốc công ty Sài Gòn Food, lãi đã bị các yếu tố đầu vào liên tục tăng giá “nuốt” mất. Theo tính toán của bà Lâm, giá nguyên liệu tăng hơn 15%, lương công nhân tăng 10%, chi phí vận chuyển – điện – nước… tăng 10%, chưa kể các khoản đầu tư công ty phải bỏ ra để tăng mạng lưới phân phối, tiếp thị trưng bày… 

Tương tự, ông Phạm Trần Ái Trung, giám đốc tài chính của Hữu Liên Á Châu cho biết, ba lý do khiến lợi nhuận giảm là cạnh tranh bởi nhiều doanh nghiệp phía Bắc nhập thép Trung Quốc với giá mỗi tấn rẻ hơn từ 2 – 3 triệu đồng, giá nguyên liệu biến động mạnh trong sáu tháng đầu năm, và chi phí vận chuyển trong năm qua tăng đến 10%, mà muốn bán được hàng phải cạnh tranh bằng giá tốt hơn đối thủ khác nên khó tăng giá bán.

“Muốn bán được hàng trong bối cảnh hiện nay, phải chấp nhận giảm giá mạnh cho đại lý cũng như người tiêu dùng”, ông Ngô Đức Hoà, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc công ty may Thắng Lợi nói. Để tạo vòng quay nhanh cho hàng sản xuất ra, Thắng Lợi áp dụng chính sách: huề vốn cũng bán, tăng chiết khấu cho kênh bán hàng, áp dụng rộng rãi mức giảm giá đến 50% khi bán trên mạng hoặc liên tục tổ chức khuyến mãi ở siêu thị...

Về những lý do khiến trên các báo cáo doanh nghiệp thể hiện doanh số tăng nhưng lợi nhuận lại giảm, TS Lê Đạt Chí, trưởng bộ môn tài chính – doanh nghiệp trường đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng cần chú ý vài điểm quan trọng. Thứ nhất, trong tình hình hiện nay, nhiều doanh nghiệp giảm giá bán khuyến mãi chấp nhận lỗ, vì vậy bán được hàng, doanh số tăng song lợi nhuận sẽ giảm. 

Thứ hai, cần xem lại kết cấu chi phí như thế nào, thông thường nếu tốc độ tăng trưởng chi phí cao hơn tăng trưởng doanh thu sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận. Đọc báo cáo kinh doanh, cũng phải chú ý tới cách doanh nghiệp chọn phân bổ các loại chi phí như quản lý, chi phí bán hàng, chi phí tài chính… Chẳng hạn, có thể kỳ trước họ không phân bổ, đến kỳ sau có doanh số họ mới phân bổ, gây ảnh hưởng lợi nhuận. 

Thứ ba, một số kỹ thuật bút toán cơ bản được áp dụng để làm doanh số tăng (trên thực tế không có). Thí dụ, doanh nghiệp yêu cầu bạn hàng lấy hàng giúp họ, không thanh toán tiền mà chỉ giao nhận chứng từ thôi. Sau đó doanh nghiệp chọn thời điểm sẽ mua lại với giá đã xuất. Như vậy trên báo cáo có doanh số hoặc doanh số tăng nhưng thực chất không có lợi nhuận. Những doanh nghiệp có hàng tồn kho nhiều cũng sử dụng cách này để làm đẹp báo cáo.

Theo Bích Thủy - Vĩnh Bình
Sài Gòn Tiếp thị

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM