Đề nghị bỏ tội danh đánh bạc: “Có tiền thì đánh”
Góp ý hoàn thiện dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, chiều 25/8, một số vị đại biểu đã đề nghị bỏ tội danh đánh bạc.
Bỏ những tội danh nào, bổ sung tội phạm mới gì cũng là nội dung được tập trung bàn thảo tại hội nghị.
“Xổ số cũng là đánh bạc”
Vị đại biểu đầu tiên lên tiếng đề nghị bỏ tội danh đánh bạc là ông Phạm Xuân Thường (Thái Bình).
Lý do đầu tiên được ông Thường nêu ra là do xử lý tội này rất yếu, trong khi chỗ nào cũng thấy có, từ cơ quan nhà nước đến đền chùa miếu mạo. Nhưng chỉ bắt được một số vụ, tính giáo dục không hiệu quả.
“Xổ số cũng là đánh bạc, tại sao không tổ chức cho dân chơi cho hợp lý và quản lý được?”, ông Thường đặt vấn đề.
Vẫn theo đại biểu này thì chính vì xử lý không nghiêm nên hiệu quả không tốt. Có vụ đầu tư rất nhiều công sức mới bắt được nhưng xử án treo hết, kể cả kẻ đứng đầu cũng án treo, nên có ý kiến của dân cho là đang thích bắt đánh bạc, ông Thường phát biểu.
“Nên bỏ tội đánh bạc vì để thì mất nhiều hơn được”, đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) đồng tình.
“Nên bỏ tội đánh bạc, đánh bạc có từ lâu đời rồi, người ta tự nguyện, có tiền thì đánh, không nên tư duy là sợ đánh bạc dẫn đến tội phạm khác, mà phải quản lý cho chặt thôi”, đại biểu Đỗ Văn Đương (Tp.HCM) góp ý.
Theo đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) thì tội đưa hối lộ không nên đưa vào luật hình sự mà phải xử nghiêm người nhận vì không có người nhận thì làm gì có ai đưa.
Đại biểu Trần Văn Độ cho rằng nên nghiên cứu bỏ tội đầu cơ, vì mua bán thế nào có lãi là quyền của người kinh doanh và phù hợp với kinh tế thị trường. Và quyền tự do kinh doanh đã được hiến định.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, một số vị đại biểu đề nghị cân nhắc bỏ một số tội danh khác. Như tội lây truyền HIV cho người khác, vì HIV đang tiến tới chữa được, trong khi các dịch bệnh khác rất nguy hiểm lại không quy định (ví dụ như Ebola).
Cũng được đề nghị bỏ còn có tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng, tội tổ chức tảo hôn, tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng .
Bổ sung tội bội tín, siết nợ?
Đề nghị bỏ nhiều tội, nhưng các đại biểu cũng đề nghị bổ sung một số tội phạm mới.
Đại biểu Trần Văn Độ đề nghị bổ sung tội siết nợ. Ông Độ phân tích, lâu nay người cho vay tiền rồi không đòi được nếu dùng vũ lực để đòi hoặc bắt cóc để siết nợ thường nhận hình phạt rất nghiêm khắc.
Nhưng trên thực tế việc chiếm dụng vốn xảy ra rất phổ biến, nhiều người có khả năng trả nợ nhưng không trả nên chủ nợ bất đắc dĩ siết nợ thì nếu xử lý cưỡng đoạt thì quá nặng nề.
Bổ sung tội siết nợ, theo đại biểu Độ, là nhằm tránh người có hành vi sử dụng tiền trái phép của người khác lại được bảo vệ.
Cũng liên quan đến vay không chịu trả, bội tín là tội danh mới được đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đề nghị bổ sung. Nên có xử lý bội tín, vay không trả khiến nhân dân điên đầu lắm mà ra tòa dân sự biết bao giờ đòi được nên cần hình sự hóa tội bội tín, ông Thuyền lập luận.
Cũng như một số vị khác, đại biểu Thuyền tỏ ra sốt ruột khi lãng phí, đã nói rất nhiều nhưng vẫn chưa hình sự hóa được.
Tán thành với quan điểm của nhiều vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Tư pháp cho rằng cần thiết bổ sung các tội danh mới, đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, nhất là việc tội phạm hóa các hành vi vi phạm có tính chất phổ biến, đặc trưng và có tính nguy hiểm ngày càng cao trong các lĩnh vực về tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ thông tin, viễn thông,...