Cổ phiếu ESOP - động lực tăng trưởng của Masan và Vinamilk?
Trong khi kế hoạch ESOP của Vinamilk bị cổ đông SCIC phủ quyết
thì đều đặn những năm gần đây, mỗi năm Masan Consumer đều phát hành vài chục tỷ
đồng mệnh giá cho nhân viên.
Thậm chí Masan Group, công ty mẹ của Masan Consumer, chuẩn bị
phát hành lượng cổ phiếu ESOP tương ứng 200 tỷ đồng mệnh giá. Cổ phiếu
Vinamilk, Masan Consumer hay Masan Group đều có thị giá gấp 10 lần mệnh giá; điều
đó đồng nghĩa với việc khi bỏ ra 1 đồng, người mua cổ phiếu ESOP sẽ nhận được
lượng một giá trị hơn 10 đồng.
Đối với những người mua cổ phiếu ESOP của Vinamilk cách đây
3 năm, giá trị mà họ nhận được thậm chí gấp 30 lần giá mua. Cổ phiếu ESOP thường
bị hạn chế chuyển nhượng một thời gian, tức sau một thời gian nhất định người
mua mới thực sự sở hữu cổ phiếu. Trong thời gian đó, lãnh đạo và nhân viên càng có động
lực để đưa công ty phát triển hơn nữa, đồng nghĩa với giá trị cổ phiếu tăng
lên.
Trường hợp của Vinamilk thể hiện rất rõ điều này. Từ khi lên
sàn đến nay, giá trị của Vinamilk tăng gấp 10 lần. Cũng nhờ cổ phiếu ESOP mà Tổng
giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên hiện sở hữu lượng cổ phiếu trị giá gần 300 tỷ đồng.
Các thành viên ban điều hành Vinamilk cũng đều là những triệu phú đô la.
Không phải quá bận tâm về vấn đề tiền bạc và những đóng góp
cho công ty được đền đáp xứng đáng, ban lãnh đạo càng có động lực để cống hiến
cho công ty, đó chính là ý nghĩa của cổ phiếu ESOP.
Chèo lái những doanh nghiệp bluechips như vậy đều là những
nhân vật tài năng. Vì vậy, kết quả đền đáp phải tương xứng với giá trị của họ,
bên cạnh lương thưởng còn cần có những gắn kết khác. Trong thời buổi các doanh
nghiệp lớn “khát” nhân lực cao cấp thì việc giữ chân người tài rất quan trọng.
Chính Masan đã thu hút được rất nhiều nhân sự cấp cao từ các tập đoàn đa quốc gia.
Mỗi năm Vinamilk hay Masan đều lãi vài nghìn tỷ đồng, vậy nên thưởng cho những con người đã làm nên lợi nhuận đôi ba trăm tỷ cũng không phải là lớn, nhất là đây không phải doanh nghiệp bỏ tiền ra cho, mà là các cổ đông san sẻ lợi ích của mình cho đội ngũ cán bộ nhân viên.
Sau 7 năm lên sàn, giá trị cuả Vinamilk đã tăng lên chục lần,
trở thành một “viên kim cương” đắt giá trong danh mục của SCIC. Hơn nữa viên
kim cương này còn mang về vài nghìn tỷ cổ tức trong các năm qua.
Với tỷ lệ sở hữu 45% và các cổ đông còn lại khá phân mảnh,
vì vậy nếu như có phát hành cổ phiếu ESOP làm tỷ lệ sở hữu của SCIC giảm đi một
chút thì cũng không có ai có thể “đe dọa” được ảnh hưởng của SCIC đối với
Vinamilk.
Khả Hãn