Chuyển công ty từ khách sạn 5 sao về nhà cấp 4

03/12/2012 17:51 PM | Quản trị

Thay vì móc "hầu bao" trả hàng trăm triệu đồng tiền thuê văn phòng mỗi tháng, nhiều doanh nghiệp tại Hà Nội phải “lai hồi cối thổ”, chuyển trụ sở về nhà riêng...


Nhiều đại diện doanh nghiệp chia sẻ, việc chuyển trụ sở về nơi rẻ hơn để cân bằng lại nguồn tài chính là điều không thể làm khác trong bối cảnh hiện nay.

Nằm trên đường Quang Trung, trụ sở của một tổng công ty xây dựng cũng là nơi lý tưởng của nhiều văn phòng của các doanh nghiệp hoạt động. Tại đây, ngoài các phòng giao dịch của ngân hàng thì còn là nơi giao dịch hoặc văn phòng đại diện của nhiều công ty.

Cách đây hai tháng, lãnh đạo một công ty chuyên kinh doanh về nội thất đã phải thanh lý hợp đồng với chủ đầu tư tòa nhà này để dời văn phòng về nhà riêng trên đường Ngọc Khánh. “Mỗi năm chúng tôi chi trả hơn 1 tỷ đồng tiền thuê, việc cắt giảm được nguồn chi này khi đưa trụ sở về nhà riêng là cách tiết kiệm hợp lý trong điều kiện hiện nay”, đại diện của doanh nghiệp này, tiết lộ.

Ông Nguyễn Văn Lý, giám đốc công ty chuyên về bất động sản trên đường Kim Mã, nói rằng, thời điểm sốt nóng nhà đất, tiền thuê văn phòng của doanh nghiệp không phải là “gánh nặng” như hiện nay. Bắt đầu từ tháng 12, công ty của ông Lý chuyển hẳn về khu nhà mái bằng nằm trên đường Cầu Diễn. Dù văn phòng là nhà cấp bốn, nhưng đây là khu đất dự án đã được Hà Nội duyệt quy hoạch 1/500 cho doanh nghiệp của ông Lý nên hàng tháng sẽ không mất tiền thuê.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ngược lại với xu hướng chung. Trong tình trạng khó khăn như vậy, nhưng nhiều doanh nghiệp, tổng công ty vẫn có thể thu xếp được tài chính để thanh toán tiền thuê văn phòng ở những khu vực sang trọng. Trong gần một năm nay, toàn bộ ban lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của Tổng công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Việt Nam đều ngồi trên tầng 36, tòa nhà Keangnam trên đường Phạm Hùng. Tuy không tiết lộ kinh phí phải trả hàng tháng, nhưng nhiều nguồn tin cho biết kinh phí mà tổng công ty này phải trả cho chủ nhà lên đến nhiều tỷ đồng.

Là đơn vị “đứng tên” nhiều dự án bất động sản đình đám tại Việt Nam, tuy nhiên, Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) vẫn đang chấp nhận việc bỏ ra hàng trăm tỷ để thuê văn phòng. Theo đó, số tiền mà PVC thuê văn phòng hoạt động tại ba địa điểm được công bố lên đến 112 tỷ đồng. Riêng trụ sở văn phòng CEO tại đường Phạm Hùng, PVC phải trả hơn 86,6 tỷ đồng cho 10 năm thuê nhà.

Có vẻ như riêng chuyện văn phòng cũng thể hiện hai tích cách nhà nước và dân doanh khác biệt. Trái ngược với hai ví dụ kể trên, một số giám đốc công ty cổ phần đã phải “tháo chạy” bằng cách thanh lý hợp đồng thuê văn phòng tại những tòa nhà sang trọng,chấp nhận nộp phạt.

Nằm trên tầng cao của tòa nhà “5 sao” Charmvit, đây là địa chỉ giao dịch và nơi làm việc của hơn 50 cán bộ công nhân viên của một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Lãnh đạo công ty này cho hay, để duy trì hoạt động ở khu văn phòng này, mỗi tháng công ty phải bỏ ra gần 500 triệu tiền thuê mặt bằng. “Trong khi chúng tôi phải cắt giảm nhân sự thì chi phí cho thuê nhà như thế là quá lớn”, đại diện doanh nghiệp này cho biết. Lựa chọn của công ty này giờ đây là tu sửa lại nhà cấp bốn trên mảnh đất dự án của mình tại Mai Dịch, và, “chẳng có gì phải ngại, khó khăn chung mà!”.

Theo Trưởng phòng nghiên cứu Công ty TNHH Savills Việt Nam Đỗ Thu Hằng, kinh tế suy thoái kéo dài là trở ngại lớn cho sự phục hồi của doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu thuê văn phòng. Theo đó, một số doanh nghiệp đã cắt giảm diện tích thuê hoặc chuyển sang thuê văn phòng hạng thấp hơn. Số khác chuyển đến những tòa nhà cùng hạng, nhưng ở khu vực ngoại thành, để cắt giảm chi phí. Một trong những thách thức của các chủ đầu tư trong lĩnh vực này là tìm cách lấp đầy vị trí còn “trống” tại các tòa nhà đã hoạt động…

Theo Pháp luật Việt Nam

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM