Christiano Ronaldo - "Cổ phiếu" siêu lợi nhuận của giới đầu tư
Cùng giai đoạn 2003-2009, chỉ số VN-Index chỉ tăng gấp đôi còn Ronaldo tăng tận gấp sáu.
18 năm sau ngày treo găng, cựu thủ môn Ray Ranson của Manchester City đang hái ra tiền nhờ bóng đá. Với cương vị CEO của R2 Asset Management, Ranson đang tích cực đánh cược vào giá trị chuyển nhượng cầu thủ.
Ranson nói các vụ đầu tư của ông thường lời gấp rưỡi chỉ sau hai năm.
Đầu tư vào quyền chuyển nhượng cầu thủ
Phí chuyển nhượng đã có ở Anh từ thế kỷ 19, nhưng đầu tư theo loại phí này thì gần đây mới xuất hiện. Khởi đầu ở Arghentina cuối những năm 1990, tới nay có ít nhất 11 quỹ đang đầu tư vào hàng trăm cầu thủ, bao gồm của siêu sao Real Madrid Chritiano Ronaldo.
Đầu tư vào quyền chuyển nhượng cầu thủ là khi một nhà đầu tư trả tiền cho CLB để được chia phần khi CLB đó bán một cầu thủ nhất định. Ví dụ như khi người viết trả 1 tỷ cho Hà Nội T&T để "mua một nửa Công Vinh", nếu T&T bán Công Vinh cho bầu Kiên với giá 10 tỷ, người viết được chia 5 tỷ. Ngược lại, nếu Công Vinh thất nghiệp chẳng ai mua, người viết mất không 1 tỷ cho T&T. |
Theo lời luật sư Julio Senn chuyên tư vấn mua “phần vốn góp cầu thủ”, 8 trong số đó có số vốn lên tới hơn 500 triệu USD.
Ranson nói đầu tư vào quyền chuyển nhượng là có lợi cho bóng đá, vì nó giúp các đội bóng thiếu tiền mặt có nguồn tài chính dự phòng.Nhiều câu lạc bộ khó có nguồn thu và không vay nổi ngân hàng, nên phải bán quyền chuyển nhượng lấy tiền mặt.
Câu lạc bộ có được tiền luôn nhưng vài năm sau khi bán cầu thủ, họ sẽ phải chia phí cho nhà đầu tư.
“Nếu bây giờ cầu thủ đáng giá 2 triệu, nếu bán anh ta được 3 triệu là tôi lời gấp rưỡi rồi,” Ranson nói.
Thường thì mỗi vụ Ranson trả 1 triệu euro để mua 50% phí chuyển nhượng sau này của một cầu thủ. Quỹ của ông hiện đang đầu tư khoảng 75 triệu USD vào 20 cầu thủ trên khắp Chau Âu.
Các quan chức bóng đá lại nghĩ khác. CEO Giải Ngoại hạng Anh Richard Scudamore nói xu thế này đe dọa sự trong sạch của bóng đá do nhà đầu tư có thể tác động vào việc bán cầu thủ.
Thậm chí người đại diện của cầu thủ còn mua cả phần hùn trong cầu thủ mà mình đại diện.
Nước Anh cấm ngặt, FIFA thoải mái
Năm 2007, cuộc điều tra đội West Ham United hé lộ scandal CLB này đã bán sách quyền kiểm soát tiền đạo Carlos Tevez cho nhà đầu tư. Một năm sau, Giải Ngoại hạng Anh cấm mua bán quyền chuyển nhượng cầu thủ nên Ranson không thể hành nghề trên chính quê hương.
“Đầu tư thế là phi đạo đức, là không coi bóng đá là thể thao”, Tổng thư ký Theo Van Seggelen của Liên đoàn Cầu thủ chuyên nghiệp quốc tế nói. “Chẳng ở đâu có cái chuyện giới đầu tư mua được “một mẩu” của người nọ người kia.”
“Chỉ trong bóng đá mới có cái chuyện giới đầu tư mua được “một mẩu” của người nọ người kia.” |
FIFA lại cho phép dạng đầu tư này với điều kiện nhà đầu tư không được tác động tới việc cầu thủ đi hay ở. CEO Scudamore rất khó chịu với quyết định này của FIFA.
“Không đời nào tôi tin người có lợi ích tài chính với một cầu thủ lại không tác động gì tới tương lai cầu thủ này”, Scudamore nói.
Việc “chia chác” còn bí mật đến nỗi ngay cả cầu thủ cũng chẳng biết mình bị bán. Ông trùm siêu thị người Brazil Delcir Sonda từng bỏ 2,8 triệu USD để mua tiền đạo Neymar da Silva Santos.
Baniyas Sports Club (do Phó Thủ tướng UAE Sheikh Saif bin Zayed Al Nahyan làm Chủ tịch) cùng tập đoàn Qatar Ghanim Bin Saad Al Saad & Sons Group Holdings đang đầu tư vào các cầu thủ Nam Mỹ thông qua quỹ Global Seven đặt tại Bermuda. Em trai Sheikh Saif sở hữu Manchester City.
“15 năm nay tôi chẳng mất giọt mồ hôi nào,” Ranson nói.
Nhà đầu tư như Ranson chỉ kiếm được tiền nếu cầu thủ sang CLB khác khi vẫn còn hạn hợp đồng. Nếu không, họ sẽ mất sạch tiền đầu tư.
Đó là lý do vì sao hợp đồng với Ranson luôn có điểm khuyến khích CLB đem bán cầu thủ. Ví dụ như khoản đầu tư của Ranson tự động chuyển sang một cầu thủ khác nếu hợp đồng với cầu thủ này hết hạn hoặc CLB bi phạt nếu không chuyển nhượng trước khi hết hợp đồng.
Dù cho có gây áp lực, nhưng Ranson lại cố biện hộ ông không tác động gì tới việc chuyển nhượng. “Tôi không bắt các CLB bán được”.
Ngỗng vàng Ronaldo
Giá trị của Christiano Ronaldo đã tăng vọt trong suốt thập kỷ qua. Năm 2002, công ty quản lý tài sản First Portuguese đã trả 3,1 triệu euro để mua “một mẩu” của Ronaldo và 5 đồng độitrong CLB Sporting Clube de Portugal.
First Portuguese không tiết lộ "một mẩu" này là bao nhiêu phần trăm, cũng không chịu công khai từ bấy đến nay họ đã thu được bao nhiêu lợi nhuận. Nhưng hãy cân nhắc những con số sau.
Năm sau Ronaldo tới Manchester United với giá 15 triệu euro. Cùng với MU, Ronaldo giành chức vô địch Champions League năm 2008 và được bầu là Cầu thủ xuất sắc nhất năm của FIFA.
Mùa giải ấy, Ronaldo ghi tới 42 bàn.
Nhờ thành tích năm 2008, Ronaldo kiếm bộn tiền cho MU. Năm 2009, Real Madrid mua lại cầu thủ này với giá 94 triệu euro (2.400 tỷ VNĐ), biến anh này thành cầu thủ đắt giá nhất mọi thời đại.
Traffic Sports là một trong những nhà đầu tư tích cực nhất trong phân khúc mua bán quyền chuyển nhượng cầu thủ. Quỹ thứ hai ra đời năm 2008 của công ty này huy động được 50 triệu USD và thu lời tới 62% sau khi bán 21 cầu thủ đầu tiên.
Khoản đầu tư 6,8 triệu USD của Traffic vào tiền đạo 19 tuổi người Brazil Keirrison de Souza Carneiro năm 2008 là một trong những vụ thắng lớn nhất.
Một năm sau đó, Keirrison ghi 12 bàn, giúp Coritiba thăng hạng cao nhất Brazil. Năm 2009, Barcelona mua Keirrison với giá 19,3 triệu USD.
Vụ ấy Traffic Sports kiếm được lợi nhuận 114% chỉ sau 8 tháng đầu tư.
Theo Minh Tuấn
CafeF/Bloomberg