Cắt cáp - Chiêu cạnh tranh 'xấu xí' trong nội bộ ngành công nghệ Việt Nam
Cắt cáp viễn thông - một hành động được xem là rất xấu và có thể quy vào tội hình sự, thế nhưng, thời gian gần đây, tình trạng các doanh nghiệp có hạ tầng cáp bị cắt lại thường xuyên xảy ra.
Nội dung nổi bật:
- Cách thức thực hiện của kẻ phá hoại rất tinh vi và có nghề, vì cả 3 điểm nói trên, đối tượng chỉ cắt phần cáp thông tin và giữ nguyên phần cáp chịu lực, không cắt đứt vỏ bên ngoài mà gập cho gãy lõi cáp bên trong, gây khó khăn cho việc truy tìm điểm bị cắt.
- Đối tượng cắt cáp chính là các đối thủ cạnh tranh trong cùng lĩnh vực dịch vụ, nhằm phá hoại hạ tầng gây suy hao, mất tín hiệu, khiến khách hàng bức xúc với chất lượng dịch vụ, sau đó, đối thủ cạnh tranh nhảy vào mời chào để khách hàng chuyển sang dùng dịch vụ của mình.
Tại cuộc họp mới đây, đầu tháng 11, giữa các doanh nghiệp có hạ tầng mạng với Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, một đại diện của FPT Telecom tỏ ra lo lắng vì thời gian gần đây, cứ mỗi lần FPT Telecom đặt chân đến miền đất mới là bị… cắt cáp và “chuyện bị cắt cáp” trở thành vấn để nổi cộm nhất của doanh nghiệp này trong thời gian qua.
“Đặt chân đến tỉnh mới là… bị cắt”
Theo FPT, trong tháng 10/2013, tuyến cáp mới thi công của FPT Telecom kéo dài gần 10 km tại khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh), cung cấp dịch vụ cho Công ty TNHH Flexcom Vina (Hàn Quốc) đã liên tục bị cắt, phá.
Khoảng gần 9h ngày 16/10/2013, FPT Telecom phát hiện đường cáp cung cấp dịch vụ cho Công ty TNHH Flexcom Vina tại khu công nghiệp Yên Phong của doanh nghiệp bị cắt phá.
Đến 13h cùng ngày, FPT Telecom Bắc Ninh sau khi đã hoàn thành việc hàn nối lại đoạn cáp bị phá hoại nhưng khách hàng vẫn không thể kết nối được dịch vụ, rà soát kiểm tra mới phát hiện thêm một điểm nữa bị cắt cách điểm trước khoảng 1,3km.
Chưa dừng lại, đến ngày 23/10, FPT Telecom Bắc Ninh lại phát hiện một điểm cáp tiếp theo bị cắt đứt.
Vị đại diện FPT Telecom kể, trước đây, FPT Telecom Bắc Ninh có thuê đường cáp của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), chi nhánh Bắc Ninh, để cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Nhưng sau đó VNPT Bắc Ninh đã đơn phương chấm dứt hợp đồng với lý do “là để nâng cấp hạ tầng tại khu công nghiệp này nhưng những khách hàng còn lại của VNPT Bắc Ninh thì vẫn được duy trì hợp đồng”.
FPT Telecom chi nhánh Bắc Ninh liền tự kéo cáp mới tại khu công nghiệp Yên Phong, nhưng sau đó… bị cắt cáp liên tục, trong suốt 3 tuần cuối tháng 10 vừa qua.
“Cách thức thực hiện của kẻ phá hoại rất tinh vi và có nghề, vì cả 3 điểm nói trên, đối tượng chỉ cắt phần cáp thông tin và giữ nguyên phần cáp chịu lực, không cắt đứt vỏ bên ngoài mà gập cho gãy lõi cáp bên trong, gây khó khăn cho việc truy tìm điểm bị cắt”, công ty bị hại này cho biết.
Hiện FPT Telecom Bắc Ninh đã báo Công an huyện Yên Phong (Bắc Ninh) toàn bộ vụ việc để cơ quan chức năng điều tra tìm ra thủ phạm.
Tất nhiên, trường hợp này, chỉ khi tìm ra thủ phạm mới có thể “kết tội” có phải đối thủ của mình phá hoại hay không. Nhưng, giả thuyết là trường hợp kẻ trộm thông thường hay người dân nào đó cắt trộm cáp để bán gần như không thể xảy ra.
Không chỉ với địa bàn Bắc Ninh, FPT Telecom cho biết, “việc bị cắt cáp đã trở thành vấn đề nổi cộm của FPT Telecom trong suốt thời gian qua”, vì, cứ các chi nhánh tỉnh mới mà FPT đặt chân đến như Lạng Sơn, Lào Cai, Bạc Liêu… là y rằng bị phá hoại cáp.
Ai cắt cáp?
Một trường hợp khác khá cụ thể, cũng liên quan đến Công ty Cổ phần Viễn thông FPT - chi nhánh Tp.HCM. Cuối tháng 8/2013, cáp của FPT tại khu công nghệ cao Tp.HCM bị cắt. Bốn ngày sau, đội tuần tra của FPT đã “bắt sống” nhân viên của Tập đoàn Công nghệ CMC - chi nhánh Tp.HCM trèo lên cắt cáp.
Khi đó, trả lời báo chí, bà Lê Bích Loan, Phó trưởng ban Quản lý khu công nghệ cao Tp.HCM cho biết, cả FPT và CMC đều sai. FPT sai khi không có giấy phép đầu tư cung cấp dịch vụ ở trong khu công nghệ cao còn tự ý treo cáp tùm lum. Còn CMC sai là đã tự ý cắt cáp của FPT mà không có thông báo hay giải thích cho người ta hiểu.
Tại khu công nghiệp này, được biết CMC trước đó đã được lựa chọn làm đơn vị triển khai ngầm hóa hạ tầng cáp viễn thông vào năm 2010. Công ty này đã cho các doanh nghiệp khác sử dụng miễn phí, nhưng đến đầu năm 2013, CMC bắt đầu thu phí. Trong khi VNPT, Viettel... đều đồng ý thuê hệ thống ngầm của CMC, thì riêng FPT chưa đạt được thỏa thuận.
Ngoài ra, một loạt các trường hợp cắt cáp khác phải kể đển như, trong tháng 6 và tháng 8/2013, Công ty CMC Telecom (thuộc Tập đoàn Công nghệ CMC) trong quá trình kiểm tra hàng loạt khách hàng bị mất kết nối, đã phát hiện ra nhiều điểm trên hệ thống cáp của mình bị cắt.
Công ty Truyền hình Cáp Việt Nam - VTVcab (Đài Truyền hình Việt Nam), trong tháng 7 và tháng 8/2013, cũng đã phát hiện ra rất nhiều điểm cáp của mình trên địa bàn Hà Nội bị cắt sau khi khách hàng phản ánh tivi bị nhiễu, mất tín hiệu.
Thậm chí có khách hàng của VTVcab còn nhận được điện thoại mời gọi dùng dịch vụ truyền hình cáp của nhà cung cấp khác (người gọi không nói cụ thể tên nhà cung cấp) và nói “nên chuyển sang dùng dịch vụ của họ, bởi sắp tới VTVcab sẽ… phá sản, không tiếp tục phục vụ khán giả nữa”.
Ngay sau lời mới trào trên, tivi của khách hàng này bị mất tín hiệu đường truyền.
Các vụ cắt cáp trên, đối tượng dùng kìm bấm các sợi cáp quang làm gãy core cáp làm khách hàng mất kết nối. Doanh nghiệp nhận định đây là hành vi cố tình phá hoại hạ tầng và hoạt động kinh doanh của công ty, vì phương thức hành động rất tinh vi: thủ phạm thường nhằm vào tủ cáp đặt ở khu vực vắng và không cắt đứt hẳn mà chủ yếu nhắm vào cáp truyền thông tin, còn phần chịu lực vẫn để nguyên.
Thủ đoạn phá hoại khá tinh vi của đối tượng là chỉ bẻ gãy lõi đồng phía trong, vỏ dây ngoài vẫn còn nguyên nhằm gây khó cho việc phát hiện và khắc phục.
Nhiều doanh nghiệp bị cắt cáp cho rằng, đối tượng cắt cáp chính là các đối thủ cạnh tranh trong cùng lĩnh vực dịch vụ, nhằm phá hoại hạ tầng của doanh nghiệp gây suy hao, mất tín hiệu, khiến khách hàng bức xúc với chất lượng dịch vụ, sau đó, đối thủ cạnh tranh nhảy vào mời chào để khách hàng chuyển sang dùng dịch vụ của mình.
Hành động trên, theo các doanh nghiệp, không những gây thiệt hại về kinh tế mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và chất lượng dịch vụ của công ty khi nhiều khách hàng chấm dứt hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông của đơn vị.
Trong các “mối quan hệ” bị cắt cáp nói trên, có thể thấy, không chỉ một doanh nghiệp bị cắt cáp mà nhiều doanh nghiệp bị cắt, và không chỉ một doanh nghiệp đi cắt mà cũng là số nhiều doanh nghiệp đã đi cắt cáp đối thủ cạnh tranh của mình.
Tại buổi họp về doanh nghiệp có hạ tầng mạng nói trên, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông cho rằng, những trường hợp cắt cáp là thuộc diện phá hoại. Những hành vi cắt cáp, hiện nay, nếu đến mức độ phức tạp thì có thể liệt kê vào tội hình sự và người thực hiện hành vi đó sẽ bị điều tra, xử lý theo qui định hiện hành của pháp luật.
Hành vi cắt cáp tinh vi và có nghề như trên là rất khó phát hiện và điều tra xem ai là đối tượng dù rằng, đó là nhiệm vụ và nghiệp vụ của cơ quan điều tra. Thực tế cũng rất ít trường hợp cắt cáp bị điều tra ra và đem ra xét xử.
Theo Mạnh Chung
Theo VnEconomy
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!