Bay mất hàng chục tỷ, đôi khi chỉ vì ... đen

06/08/2013 08:00 AM | Quản trị

Với những khúc quanh khó ngờ, luật pháp đôi khi cũng nhiều phần ... may rủi. Tự vệ thế nào?

“Chính sách thuế thay đổi tùy hứng như vậy, chúng tôi lấy đâu ra tiền nộp thuế bây giờ? Lợi nhuận từ cách đây mấy năm đã đem chia cổ tức hết rồi, giờ biết lấy cái gì ra nộp?”, ông Nguyễn Quốc Chưởng, Phó Phòng Kế toán Công ty cổ phần Sông Đà 909 (S99) bức xúc. “Có nhất thiết phải đẩy doanh nghiệp vào cảnh phá sản như thế không?”

Cục thuế Hà Nội đang đòi S99 nộp thêm 2,8 tỷ thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho năm 2009, và nếu khiếu nại bất thành, công ty sẽ còn mất tiếp 4 tỷ tiền thuế cho năm 2010, tức là còn nhiều hơn tổng lợi nhuận sau thuế của S99 suốt 10 quý gần đây.

Câu chuyện S99 không chỉ về thuế má hay luật pháp, mà đó còn là bài học sinh tồn cho doanh nghiệp trước những khúc quanh bất ngờ của một hệ thống luật pháp còn trong giai đoạn sơ khai.

Bộ Tài chính bảo gì, chúng tôi làm đúng như thế

Giống như hàng trăm doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trong giai đoạn 2004-2006, S99 được hưởng hai năm giảm 50% thuế TNDN kể từ khi niêm yết. Nhờ nhanh nhẹn hoàn tất mọi thủ tục để chào sàn khi chỉ còn ba phiên giao dịch nữa là khép lại năm 2006, đáng ra S99 sẽ được kết hợp ưu đãi giảm 50% thuế do niêm yết với ưu đãi giảm 50% thuế do thành lập mới để có hai năm miễn thuế 2007-2008 (sau này Bộ Tài chính có công văn "chấp nhận" cách làm đó, nhưng chỉ cho trường hợp này).

"S99 tính toán cực sáng suốt! Chỉ có điều, họ ... quá đen"

Tuy vậy, cuối năm 2006, Bộ Tài chính lại hướng dẫn nếu năm ưu đãi thuế do niêm yết trùng với năm ưu đãi theo Luật thuế TNDN, thì được “hoãn” (Công văn 10997/BTC-CST ngày 8/9/2006 của Bộ Tài chính), hiểu nôm na là thay vì kết hợp như trên, S99 sẽ được giảm thuế 50% trong bốn năm từ 2007 đến 2010.

Với tâm lý đầy hứng khởi khi lợi nhuận ròng năm 2007 tăng gần 600%, làm thế là lợi cho S99 vì cùng là giảm thuế một nửa nhưng càng để lâu càng được giảm nhiều do lợi nhuận mấy năm tiếp theo được kỳ vọng sẽ có bước đột phá.

(S99 đã tính đúng! Họ được giảm thuế 6,8 tỷ nếu làm vậy nhưng chỉ được giảm 6 tỷ nếu chọn kết hợp thành miễn thuế ngay. Chỉ có điều, đây là nước đi quá đen đủi về mặt pháp lý, chi tiết xin xem phần sau.)

Để thực sự chắc chắn, giữa năm 2008, S99 gửi đơn đăng ký hưởng ưu đãi giảm thuế trong hai năm 2009-2010 lên Cục thuế Hà Nội. Cục thuế không phản đối và họ vẫn bảo lưu quan điểm này khi đến thanh tra S99 vào cuối năm 2010. Biên bản thanh tra liệt kê hàng loạt công văn về ưu đãi thuế do niêm yết cổ phiếu lần đầu và kết luận việc giảm thuế “theo đơn vị đăng ký”.

Chẳng ngờ, gần hai năm sau, Cục thuế Hà Nội làm Phụ lục Biên bản thanh tra không công nhận S99 được hưởng ưu đãi thuế do niêm yết, yêu cầu S99 hoàn trả gần 2,8 tỷ đồng tiền thuế và còn phạt hành chính thêm hàng trăm triệu đồng. Cục thuế Hà Nội làm vậy là dựa trên hướng dẫn của Công văn 2924/TCT-PC ngày 19/8/2011 của Tổng cục Thuế, theo đó đến hết năm 2008 mà doanh nghiệp chưa dùng đến ưu đãi thuế kể trên, thì coi như … mất.

Không đồng tình, S99 khiếu nại từ Cục lên Tổng cục nhưng cũng chỉ được miễn phạt hành chính, còn thuế vẫn bị truy thu. Công ty thậm chí còn định ra tòa kiện đòi bãi bỏ Công văn 2924 nhưng không được vì đã quá thời hạn khởi kiện văn bản hành chính.

Giảm, không giảm, giảm, lại không giảm

Sự nguy hiểm của pháp luật

“Chặt chẽ ra mà nói, Chính phủ và Bộ Tài chính giảm thuế 50% cho doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu lần đầu như thế là trái luật, vượt quá thẩm quyền. Chuyện miễn, giảm thuế phải thông qua Ủy ban thường vụ Quốc hội,” một luật sư nói. Cơ sở pháp lý của chính sách này chỉ là một công văn cấp bộ (Công văn 11924/TC-CST ngày 20/10/2004 của Bộ Tài chính), ban hành sau một chỉ đạo chung chung của Chính phủ.

“Ngoài S99, còn nhiều công ty "sập bẫy" tương tự như CII, PGC, BHS. Bên cạnh đó, còn có một số tên tuổi "chưa bị lộ" đơn giản là vì chưa bị cơ quan thuế thanh tra"

Vì thiếu cơ sở pháp lý như thế, nên mọi công văn về ưu đãi thuế do niêm yết cổ phiếu lần đầu khi ấy đều có dòng “trong khi chờ đợi văn bản mới quy định về chính sách ưu đãi thuế đối với tổ chức niêm yết, Bộ Tài chính tạm thời hướng dẫn ...” Nhưng một văn bản như thế chẳng bao giờ ra đời, vì chuyện ưu đãi do niêm yết chỉ mang tính thời điểm, hỗ trợ thị trường vào giai đoạn sơ khai, chẳng nước nào coi ưu đãi ấy là đương nhiên và dài hạn cả. Thực tế, ở Việt Nam, loại ưu đãi thuế này cũng chỉ kéo dài trong có 3 năm từ 2004 đến 2006.

Chữ “tạm thời” cũng lại một lần nữa xuất hiện trong Biên bản thanh tra thuế tại S99 hồi cuối năm 2010 (“đoàn thanh tra tạm thời xác định” và “nếu sau này có công văn hướng dẫn khác thì sẽ áp dụng theo công văn hướng dẫn”). Vì thế, có thể hiểu ý của Cục thuế Hà Nội là “bây giờ Bộ bảo giảm thì anh được giảm, sau này Bộ nói khác là chúng tôi truy thu đấy nhé!”

“Pháp luật mà cứ lập lờ, “hên xui” như thế liệu có ổn không?” nhiều người sẽ đặt câu hỏi. Người có chút hiểu biết hơn về luật sẽ viện ngay đến nguyên tắc “đang hưởng thì tiếp tục hưởng” trong Luật thuế TNDN để bác bỏ cách làm của Bộ Tài chính vì có tính chất “hồi tố”.

Tuy nhiên, nguyên tắc “đang hưởng thì tiếp tục hưởng” trong Luật thuế TNDN chỉ áp dụng đối với những ưu đãi theo chính Luật thuế TNDN hoặc văn bản do chính phủ ban hành, tức ít ra cũng phải là nghị quyết của Chính phủ hoặc quyết định của Thủ tướng. Còn ưu đãi thuế của S99 là dựa trên một công văn do cấp bộ ban hành, vì thế không có chuyện áp dụng nguyên tắc này.

Ngoài S99, còn có một số công ty khác "sập bẫy" tương tự như Đường Biên Hòa (BHS, bị truy thu hơn 22 tỷ), Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Tp.HCM (CII, hơn 12 tỷ) và TCty Gas Petrolimex (PGC, hơn 11 tỷ). Ngoài ra, còn một số công ty không tiện nêu tên khác, "chưa bị lộ" đơn giản là vì chưa bị thanh tra.

Và sách lược sinh tồn

Luật là lĩnh vực của các chuyên gia, không phải của “người có chút hiểu biết”, lại càng không phải của “nhiều người”. Đọc câu chuyện trên, cái đọng lại của mỗi người có thể là “đọc luật đừng bỏ sót từ nào nhé”, “giở báo cáo tài chính ra xem công ty này công ty nọ có bị “dính” như S99 không” hoặc “à, hóa ra phải hiểu chuyện “hồi tố” và “đang hưởng thì tiếp tục hưởng” như vậy”.

...cái lãnh đạo doanh nghiệp cần nhớ, cần làm là phải chịu chi cho mảng pháp lý, để “tự cứu lấy mình trước khi trời cứu”

Người viết thì lại nghĩ, dù ta có nghiên cứu đến mức chuyên gia hàng đầu về thuế, thì liệu ta có nắm được mọi ngóc ngách của Luật Doanh nghiệp, Luật Lao động, Luật Chứng khoán, hay Luật Hình sự không? Và dưới luật còn có nghị định của chính phủ, thông tư của bộ, rồi công văn của tổng cục? Và khi mà nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, liệu ta có am tường được cả luật Mỹ, luật Trung Quốc, luật Châu Âu hay gần hơn là luật Lào, luật Campuchia?

Cũng nên lưu ý một điều, dù pháp luật vô cùng phức tạp và đôi khi mọi chuyện được xử lý ở cấp công văn chứ không phải luật hay nghị định (“Ít khi tôi đọc luật lắm”, một nhà tư vấn thuế từng nói với người viết), nhưng sẽ chẳng có ai đến gõ cửa doanh nghiệp nhắc nhở (miễn phí) “mới có công văn này liên quan đến việc nhà ông đấy” và cũng chẳng có chuyện “ơ tôi biết làm sao được”. Luật không được quyền không biết.

Do đó, cái lãnh đạo doanh nghiệp cần nhớ, cần làm là phải chịu chi cho mảng pháp lý (cả xây dựng đội ngũ nội bộ lẫn mạnh dạn bỏ tiền thuê tư vấn thuế bên ngoài), để “tự cứu lấy mình trước khi trời cứu”.

Về phía cơ quan quản lý, theo người viết được biết, mớ bòng bong của câu chuyện này (liên quan tới hàng trăm công ty niêm yết trong thời kỳ ấy) cũng phải mất mấy năm mới xử lý xong, và chuyện “ưu đãi vượt thẩm quyền” được quyết là “cho rồi thì thôi” với sự gật đầu của những cơ quan có đầy đủ thẩm quyền miễn, giảm thuế. Dù vậy, đây cũng là bài học mà tất cả (dù có “thẩm quyền” hay không) tuyệt đối không thể quên, để quan trọng nhất là không tạo ra những mớ bùng nhùng pháp lý trong tương lai, làm lãng phí thời gian và chi phí của doanh nghiệp.

Trở lại câu chuyện của S99, truy thu thuế là chuyện rất đáng buồn, nhưng tiếc thay lại đúng luật. Điều đáng tiếc hơn là nếu S99 cứ kết hợp luôn hai lần giảm 50% thuế thành một lần miễn thuế trong hai năm 2007-2008 thì có lẽ đã chẳng có chuyện gì xảy ra (Làm vậy đúng theo luật áp dụng thì vẫn sai, nhưng sau này Bộ Tài chính lại có công văn "chấp nhận" cách làm đó. Vậy ở trên mới bảo là S99 “đen”)

Sự thể đã đến nước này, chỉ còn một khe cửa hẹp cho S99 là xin chuyển hai năm giảm thuế do niêm yết lần đầu từ 2009-2010 về 2007-2008 (thành hai năm miễn thuế) và xin hoàn số thuế nộp thừa. Dù vậy, khe cửa hẹp này có lọt qua được không, e là phụ thuộc vào sự thông cảm của cơ quan thuế nhiều hơn vào những chứng lý rõ ràng trong luật.

Minh Tuấn

tuannm

Cùng chuyên mục
XEM