Quản lý khối tài sản 1500 tỷ đồng ở SSI, nữ giám đốc kinh doanh tiết lộ: Môi giới chứng khoán là nghề vô cùng công bằng

20/10/2022 15:23 PM | Kinh doanh

Theo chị Thu Dung, không có sự bất công về bình đẳng giới ở trong nghề môi giới chứng khoán. Đây là một ngành nghề vô cùng công bằng.

Quản lý khối tài sản 1500 tỷ ở SSI, giám đốc kinh doanh SSI tiết lộ: Môi giới chứng khoán là nghề vô cùng công bằng

Trên thị trường chứng khoán, nhân viên môi giới đóng vai trò quan trọng trong trung gian hỗ trợ khách hàng trong các giao dịch. Họ là những người đại diện để bảo vệ các quyền lợi cho khách hàng, họ có thể là các tổ chức hoặc cá nhân.

Trong các bộ phim về đầu tư tài chính, hình ảnh môi giới chứng khoán thường gắn với nam giới. Liệu đây có phải nghề dành cho nữ giới và nữ broker trên thị trường chứng khoán Việt Nam liệu có lép vế so với cánh mày râu?

Em học ngành chứng khoán và em rất muốn theo nghề chứng khoán cụ thể là một môi giới. Em yêu thích việc kết nối, chia sẻ với mọi người nhưng em lại hơi yếu tâm lý. Chị có thể tư vấn em cách nào để kiên định không ? ”, một bạn nữ đặt câu hỏi cho chị Nguyễn Thị Thu Dung- Giám đốc kinh doanh Hội sở, CTCP chứng khoán SSI trong talkshow Bí mật đồng tiền số 43 với chủ đề Đại hội phái “mạnh” trên thị trường chứng khoán . Chị Dung hiện đang đồng hành cùng tập khách hàng lớn với tổng giá trị ròng khoảng 1.500 tỷ đồng tại SSI.

bmdt43.png

Theo vị giám đốc kinh doanh của SSI, tính cách thích quan hệ, chia sẻ và giao tiếp với mọi người là 2 yếu tốt luôn tồn tại trong ngành nghề về môi giới. Điều này cho thấy bạn nữ này bước đầu phù hợp với nghề broker.

Điều tôi luôn thích ở nghề môi giới là chúng ta sẽ giỏi lên mỗi ngày. Chúng ta đều phải nâng cao kiến thức. Bên cạnh đấy chúng ta được giao lưu với tất cả khách hàng. Ít nhất họ là những người có tư duy đầu tư và nhiều hơn nữa những người đầu tư trên thị trường thực sự rất giỏi, chúng ta có thể học hỏi từ họ. Ngoài ra chúng ta có thể mở rộng các mối quan hệ. Việc bạn đang có những thế mạnh như vậy thì nó phù hợp với ngành nghề về tài chính ”, chị Thu Dung nhận xét.

Nữ broker này cũng đưa ra lời khuyên cụ thể để hiện thực hóa suy nghĩ của mình, đầu tiên bạn trẻ này có thể mở một tài khoản chứng khoán. Theo chị việc bỏ tiền vào đầu tư sẽ giúp cô đưa những kiến thức mình đã có đi vào trong thực tế. Sau đó bạn trẻ này có thể đến những công ty chứng khoán đề nghị được vào những vị trí như học việc, thực tập, thử việc để có thể làm tốt nhất, học hỏi những kiến thức từ đồng nghiệp, khách hàng của mình.

Thực sự tôi chưa bao giờ thấy sự bất công về bình đẳng giới ở trong nghề môi giới chứng khoán cả. Đây là một ngành nghề vô cùng công bằng. Nếu như xét nó trên lĩnh vực ngành nghề thì đó là một lĩnh vực làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít. Có nghĩ rằng chúng ta hưởng theo chính năng lực.

Ở trong môi trường chứng khoán thực tế như tôi thấy ở Mỹ lượng môi giới nam nhiều hơn nữ nhưng ở thị trường Việt Nam thì hầu như là một sự ngang bằng. Thậm chí nữ có phần nhiều hơn so với nam. Tất cả mọi người đều công nhận sự hiện diện của giới nữ ở thời điểm hiện tại cả trên chính trường, thương trường và thị trường chứng khoán. Tôi chưa nhìn thấy sự bất công nào trên thị trường chứng khoán hay trong ngành nghề này, mà vô cùng công bằng. Thậm chí phái nữ nhiều lúc còn được giúp đỡ nhiều hơn nữa ”, chị Thu Dung chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm của chị Dung, Kinh tế trưởng công ty chứng khoán SSI Phạm Lưu Hưng cho rằng quan điểm về sự bất bình đẳng có lẽ do ảnh hưởng bởi các bộ phim về tài chính, đầu tư. Trong phim ảnh, nhân vật chính thường là nam và họ làm hết các vị trí trong khi đó rất hiếm thấy nữ giới xuất hiện. Thực tế tại những công ty như SSI các vị trí lãnh đạo đa phần là nữ, nam rất ít.

Tôi thấy nếu mà nói bất bình đẳng thì bất bình đẳng giới nam trong giới nam thì đúng hơn”, ông Hưng hài hước chia sẻ.

Mộc An

Cùng chuyên mục
XEM