Quần jean “Made in Vietnam” loay hoay tìm hướng chuyển mình

20/05/2019 10:00 AM | Kinh doanh

Việt Nam đang được biết đến là trung tâm denim của thế giới với nhiều nhà máy sản xuất vải denim chất lượng cao và công suất lớn trong khu vực. Tuy vậy, hầu hết các sản phẩm này được làm để phục vụ xuất khẩu chứ không được bán trong nước.

Trong những năm gần đây, Việt Nam nổi lên trên bản đồ công nghiệp thời trang thế giới với vai trò là trung tâm sản xuất, gia công, cung ứng nguyên liệu đầy sôi động. Với phân khúc vải jean, những cái tên như TCE Denim hay Tập đoàn Phong Phú bước đầu đã có được vị thế của mình. Bên cạnh thế mạnh sản xuất, hàng loạt các đơn vị thiết kế, gia công quần jeans để xuất khẩu cũng đang phát triển với chất lượng sản phẩm cao và mẫu mã khá đa dạng.

Quần jean “Made in Vietnam” loay hoay tìm hướng chuyển mình - Ảnh 1.

Khi quần jeans ở thị trường nước ngoài đã có nhiều bước tiến về chất liệu và mẫu mã thì các mẫu quần jeans trong nước vẫn chủ yếu đến từ Trung Quốc vì sự đa dạng mẫu mã và giá thành rẻ tuy chất lượng vẫn còn là một dấu hỏi. Thị trường Việt Nam đã xuất hiện một số thương hiệu trong nước chuyên về quần jeans như V-sixtyfour hướng tới các sản phẩm jeans thời trang cao cấp, GenViet với các dòng sản phẩm bình dân, Messi Jeans chuyên các sản phẩm cho nam hay AAA JEANS chuyên các sản phẩm quần jeans cho nữ. Tuy nhiên, mức độ hiện diện của những thương hiệu này còn khá khiêm tốn.

Đứng trước câu hỏi hướng đi nào cho các thương hiệu quần jeans Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, chị Tạ Thu Quỳnh, CEO Công ty Cổ phần thời trang AAA, đơn vị sở hữu thương hiệu AAA JEANS đã có một số ý kiến chia sẻ.

Theo chị, vì sao Việt Nam là trung tâm denim của thế giới với rất nhiều nhà máy sản xuất vải denim và các đơn vị gia công quần jeans chất lượng nhưng trong nước chưa thực sự có một thương hiệu quần jeans nào thật sự đủ lớn?

Tôi nghĩ đây là bài toán muôn thuở không chỉ xảy ra với ngành jeans nói riêng mà còn của rất nhiều ngành khác. Sản xuất và bán lẻ có sự khác biệt đặc thù khi một bên tập trung vào các đơn hàng lớn, khách hàng lớn, đảm bảo chất lượng sản phẩm và giá thành thấp; trong khi đó, phía còn lại – bán lẻ là tập hợp của nhiều yếu tố. Bạn có sản phẩm tốt thôi chưa đủ mà còn phải đầu tư rất nhiều cho marketing, xây dựng các kênh bán và chăm sóc khách hàng. Trong các yếu tố này, xây dựng kênh bán hàng là khó làm nhất.

Chị nhấn mạnh vào kênh bán hàng, vậy theo chị các thương hiệu quần jeans Việt cần xây dựng kênh bán hàng theo hướng nào?

Đây là một câu hỏi khá rộng và hơi khó trả lời (cười) vì cái này tùy thuộc vào thế mạnh, tiềm lực tài chính và khách hàng mục tiêu của từng thương hiệu chứ không có một công thức chung nào.

Nói đến bán lẻ là nói đến hệ thống các cửa hàng, thường số lượng cửa hàng càng nhiều thì lợi thế cạnh tranh càng lớn, điều này có đúng với ngành jeans không?

Tôi nghĩ đó là con dao hai lưỡi, bởi sở hữu hệ thống các cửa hàng bán lẻ là chắc chắn là một lợi thế không nhỏ. Tuy vậy, nếu xét riêng trong ngành jeans, cá nhân tôi lại cho rằng, đây là gánh nặng nhiều hơn là lợi thế.

Tại sao đây lại là gánh nặng?

Việc này xuất phát chính từ sự thay đổi hành vi mua sắm của khách hàng, họ ngày càng có xu hướng "one-stop shopping" tức mỗi lần đi mua sắm thì sẽ mua rất nhiều thứ, số lần đi mua sắm sẽ ít đi và lượng hàng mua sẽ nhiều lên. Trong bối cảnh này, các cửa hàng chuyên về đồ jeans sẽ không có nhiều lựa chọn cho khách hàng, dẫn tới doanh thu trên mỗi lượt mua sẽ thấp. Vì vậy, nếu có quá nhiều cửa hàng sẽ dẫn tới việc hoạt động không hiệu quả, nhất là với các thương hiệu thời trang non trẻ do chi phí vận hành cao. Bên cạnh đó, thói quen mua sắm online cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động bán lẻ của các cửa hàng.

Chị có thể giải thích rõ hơn về sự ảnh hưởng của mua sắm online tới việc bán lẻ trong ngành quần jeans không?

Với việc mua sắm online thì phản hồi và tin tưởng từ khách hàng là điều quan trọng nhất. Các sản phẩm đã có thương hiệu ít nhiều đã tạo được sự tin tưởng này, do vậy, khách hàng thường yên tâm khi mua online, thay vì tới cửa hàng để mua một vài sản phẩm đơn lẻ.

Điều này vô hình chung ảnh hưởng tới doanh thu tại các cửa hàng bán lẻ. Do vậy thay vì mở hàng loạt các điểm bán lẻ thì các thương hiệu chỉ mở số lượng ít các cửa hàng với quy mô lớn đặt tại các khu trung tâm và bán online cho các khách hàng ở xa hơn.

Chị có thể chia sẻ định hướng sắp tới của AAA JEANS không?

Hiện tại, AAA Jean vẫn sẽ tập trung nguồn lực tối đa vào các sản phẩm thế mạnh. Bên cạnh đó, chúng tôi tập trung phát triển các kênh bán hàng online, vì đây đang là xu thế phát triển và bạn không thể đứng ngoài.

Cảm ơn chị đã chia sẻ và chúc chị thành công!

Ánh Dương

Từ khóa:  kinh doanh
Cùng chuyên mục
XEM