Qua thời “hứng là nhảy việc”, dân văn phòng trẻ chấp nhận mức lương thấp hơn tưởng tượng để thoát cảnh thất nghiệp cuối năm
Rất nhiều dân văn phòng gặp tình cảnh buộc phải chấp nhận lương thấp vì sợ thất nghiệp cuối năm.
Trong tình trạng “đóng băng tuyển dụng” hiện nay, rất nhiều dân văn phòng lâm vào tình cảnh khốn khó vì không thể tìm được một công việc như mong muốn. Càng về cuối năm, càng nhiều bài xin ý kiến có nên thử một công việc trái ngành, hạ thấp mức lương, chấp nhận vị trí thấp hơn so với kinh nghiệm… trên các hội nhóm tìm kiếm việc làm, tư vấn nghề nghiệp, review công ty. Nếu như trước đó, tình trạng dân văn phòng trẻ dễ dàng bỏ việc khiến các doanh nghiệp đau đầu thì giờ đây, dân văn phòng lại đang dễ dàng thoả hiệp để thoát khỏi cảnh thất nghiệp.
Chấp nhận lương thấp, hạ cấp bậc để thoát nạn thất nghiệp
Anh Minh Hiền (25 tuổi, thiết kế đồ hoạ tại TPHCM) tâm sự anh bị vào danh sách cắt giảm nhân sự hồi tháng 6 năm nay. Trong 5 tháng qua, anh đã gửi hơn 20 email xin việc, chỉ được gọi đi phỏng vấn khoảng chừng 4-5 nơi, nhưng không thể có việc làm vì mức lương họ đưa ra rất thấp.
“Phải chi trả rất nhiều phí sinh hoạt như tiền thuê nhà, điện nước, ăn uống… mình đành nhờ ba mẹ ở quê chu cấp thêm. Hiện tại đã cuối năm rồi, nếu vẫn còn thất nghiệp chắc mình sẽ không có Tết, vì vậy mình vừa nhận offer của một công ty với yêu cầu khá kỳ lạ - phải chịu trách nhiệm thiết kế hình ảnh truyền thông thêm cho 5 công ty kinh doanh khác nhưng có chung một bộ phận quản lý với công ty mình ứng tuyển, và mức lương chỉ bằng ⅔ lương ở công ty mình từng làm trước đó."
Đồng cảnh ngộ, anh Hoàng Luân - 25 tuổi, vốn là trợ lý giám đốc tại một công ty ở TPHCM, giờ lại phải chuyển lên thành phố Bảo Lộc làm một công việc trái ngành. “Thời điểm nghỉ việc, mình nhận ra công việc trợ lý giám đốc không phát triển được về mặt chuyên môn và phải làm ngoài giờ. Tuy nhiên sau đó mình lại khá vật vã để kiếm một công việc phù hợp, không đủ tiền tiết kiệm cầm cự lâu nên mình theo người quen giới thiệu, lên Bảo Lộc làm một công việc văn phòng với mức ‘lương tỉnh’ tạm thời đợi qua Tết thị trường việc làm ở TP.HCM rộng mở hơn.”
Bên cạnh nhóm nhân viên văn phòng nằm trong đợt sa thải vì tình hình khó khăn của công ty, một số dân công sở trẻ đang phải hối hận vì nhảy việc mà không tính toán kĩ càng. Trong khi anh Minh Đạt (26 tuổi, TP.HCM) gặp áp lực khi phải ở nhà thì chị Bích Huệ (25 tuổi, TP.HCM) cũng đang làm tư vấn viên với mức lương cứng bằng thời điểm còn là thực tập sinh.
“Đây không phải là lần đầu tiên mình nhảy việc. Vì vốn bản thân đang thử rất nhiều lĩnh vực khác nhau để tìm ra công việc mà bản thân yêu thích, mình sẽ làm khoảng 6-8 tháng và xin nghỉ việc nếu tính chất công việc không hợp và bản thân không còn hứng thú, đam mê. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên mình gặp khó khăn khi tìm kiếm công việc tiếp theo khi khá tự tin bản thân là người đa nhiệm.” - Anh Minh Đạt bày tỏ.
Có phải là quyết định khôn ngoan?
Thời điểm cuối năm, phần lớn tâm lý của dân văn phòng là cố làm nốt 1-2 tháng cuối cùng để nhận lương thưởng tháng 13, vì vậy các công ty cũng không gặp trường hợp bỗng nhiên bị hụt nhân sự khi guồng việc cuối năm dồn nhiều.
Hiểu được điều này, anh Minh Hiền cho biết đi làm với tiêu chí “miễn là có việc” là quyết định đúng đắn, đợi “mùa nhảy việc” sẽ là thời cơ cho mình.
Chị Phương Thanh (30 tuổi, Giám đốc Kinh doanh tại một tập đoàn ở TP.HCM), người có hơn 6 năm kinh nghiệm làm quản lý truyền thông ở các công ty, vừa trải qua đợt thất nghiệp dài, chia sẻ: “Theo mình, người lao động cần có sự hiểu biết và đánh giá về thị trường mà mình đang hoạt động. Suy thoái kinh tế đang là thực trạng chung và việc các doanh nghiệp kinh doanh khó khăn ảnh hưởng nhiều đến ngân sách tuyển dụng nhân sự. Với tình trạng tuyển dụng như hiện nay, để đảm bảo cuộc sống, chúng ta cần kiên nhẫn và chấp nhận một công việc với mức lương tạm đáp ứng với nhu cầu mà không đòi hỏi quá cao. Việc chấp nhận mức lương thấp hơn so với trước đây ở thời điểm hiện tại có thể nói là một quyết định thức thời và an toàn nhất cho phía người lao động.”
Chị Thanh cũng nói thêm, với những trường hợp ngoại lệ như năng lực người lao động tốt mà mức lương được đề xuất lại quá thấp thì nên có sự cân nhắc, tuỳ thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện kinh tế của người lao động.
Ngược lại, anh Minh Đạt bày tỏ quan điểm rằng: “Cá nhân mình thấy nếu phải hạ thấp mức lương mà bản thân vốn xứng đáng được nhận thì chẳng khác nào phá bỏ niêm yết ‘giá thành năng lực’ của mình. Sau khi công ty tuyển nhân sự khác vào vị trí của mình, họ sẽ căn cứ mức lương đó mà thoả thuận, vậy thì thiệt thòi cho người lao động lắm. Và không loại trừ, mình có thể gặp trường hợp tương tự ở công ty khác.”