Quà Tết bình dân lên ngôi
Thị trường quà Tết mang tính mùa vụ cao nên doanh nghiệp tham gia có thể thắng lớn mà cũng có thể lỗ nặng
Mùa Tết 2024, các doanh nghiệp (DN) dự đoán người tiêu dùng tiếp tục dịch chuyển nhu cầu mua sắm từ phân khúc trung bình khá xuống phân khúc thấp hơn nên đã chủ động nguồn cung hàng hóa ở phân khúc bình dân. Chẳng hạn, hệ thống Co.opmart, Co.opXtra đẩy mạnh các giỏ quà hàng nhãn riêng để làm lợi thế cạnh tranh.
Chưa tới 100.000 đồng
Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Phòng Phát triển hàng nhãn riêng Co.op, cho biết điểm nhấn của giỏ quà Tết Co.op năm nay là mức giá rất mềm, chỉ từ 99.000 - 249.000 đồng. Trong đó, giỏ quà ưu đãi giá 99.000 đồng được thiết kế đẹp hơn, có lợi hơn cho người tiêu dùng.
"Thống kê những năm trước, giỏ quà 199.000 đồng bán chạy nhất. Năm nay, những giỏ quà gồm sản phẩm thiết yếu gồm đường, bột ngọt, hạt nêm, nước tương, nước mắm, bánh tráng, bún, lạp xưởng… được tính toán khoa học để có giá tốt nhất. Phần bao bì cũng được đầu tư chỉn chu hơn để nâng giá trị giỏ quà" - ông Hoàng Anh cho hay.
Ông Lê Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại Dịch vụ Lê Gia, nhận xét năm nay quà Tết thiết thực được nhiều DN có đông công nhân lựa chọn. "Nước mắm, dầu ăn, đường, bột ngọt là những mặt hàng được chọn nhiều nhất cho các phần quà có giá từ 120.000 - 150.000 đồng/suất.
Cá biệt, có DN đặt phần quà có giá 99.000 đồng gồm 1 chai nước mắm truyền thống 0,5 lít, 1 chai dầu ăn 1 lít và 300 gram bột ngọt. Dù giá thấp nhưng yêu cầu những đơn hàng này sản phẩm đều phải bảo đảm về pháp lý, có thương hiệu" - ông Lê Anh nói.
Là đơn vị chuyên cung cấp các sản phẩm thủy sản sinh thái có nguồn gốc từ những người nông dân giữ rừng, Công ty CP Anfoods (Bến Tre, thương hiệu Người giữ rừng) lần đầu tung giỏ quà Tết dưới 100.000 đồng gồm 6 hộp muối tôm thật bên cạnh các giỏ quà truyền thống như: tôm khô, tôm sấy giá hơn 1 triệu đồng.
Chị Trịnh Thị Ngọc Hiện, Giám đốc công ty, cho biết do món quà lạ, có ý nghĩa, giá phải chăng nên có nhiều tổ chức, cá nhân đặt mua. "Chúng tôi đã dự trù 1.000 suất quà này và đang tiếp tục sản xuất thêm để đáp ứng nhu cầu thị trường. Còn phân khúc quà tặng đặc sản cao cấp vẫn chưa khởi động, thị trường chậm hơn mọi năm thấy rõ" - chị Hiện nhận xét.
Dự đoán thị trường Tết, bao gồm mảng quà tặng, sẽ chậm, Công ty TNHH Công nghệ và Thương mại UFO (FoodMap) đã chuẩn bị và chào hàng giỏ quà Tết từ rất sớm. Anh Phạm Ngọc Anh Tùng, nhà sáng lập FoodMap, cho biết kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp đến mức chi trả của khách hàng lẻ lẫn DN.
"Đa số khách hàng bị giảm ngân sách nhưng vẫn có nhu cầu biếu, tặng. Vì vậy, chúng tôi thiết kế những set quà giá hợp lý hơn, từ 250.000 - 450.000 đồng/phần đồng thời giảm tỉ suất lợi nhuận để bán được số nhiều. Nhờ vậy mà mới cuối tháng 10 âm lịch, đơn hàng quà tặng Tết đã cao hơn Tết 2023" - Anh Tùng chia sẻ.
Hệ thống Emart dự kiến cũng giảm phân khúc giỏ quà cao cấp, tăng giỏ quà bình dân với 20/30 mẫu giỏ quà Tết có giá từ 300.000 đồng đến dưới 1 triệu đồng (Tết 2023 là 15/30).
Tung kích cầu, chống tồn kho
Trong khi đó, hệ thống siêu thị MM Mega Market năm nay chỉ tung ra thị trường 16 mẫu giỏ quà Tết, giảm đến 50% số mẫu so với Tết năm ngoái và tập trung vào giỏ quà thực phẩm khô, trái cây… giá từ 300.000 - 700.000 đồng/suất thay cho các giỏ quà giá trên 1 triệu đồng như mọi năm.
"Siêu thị đã giới thiệu các mẫu giỏ quà này đến nhóm khách hàng chuyên nghiệp tại một sự kiện vào giữa tháng 11-2023. Để kích cầu, chúng tôi không chỉ bán các giỏ quà Tết với giá bình ổn mà còn giảm giá thêm lên đến 11% cho những đơn hàng đặt sớm. Đã có một số DN, cơ quan đặt hàng sớm để được hưởng ưu đãi" - ông Đinh Quang Khôi, Phó Giám đốc Marketing MM Mega Market, cho biết.
Chị Võ Thị Minh Nga, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Dinh dưỡng Bh.nong food (Quảng Nam), cho hay rút kinh nghiệm Tết năm ngoái, nhiều DN "bể" vì chỉ tập trung đầu tư quà Tết ở phân khúc cao cấp có giá hơn 500.000 đồng/phần, nay DN chuyển hướng sang các phần quà ở phân khúc từ 200.000 - 300.000 đồng.
"Chúng tôi vẫn giữ chất lượng sản phẩm, phần quà ít tiền hơn do số lượng sản phẩm ít hơn, trọng lượng nhỏ hơn và bao bì ít tiền hơn. Trên bao bì chúng tôi không in chữ "Xuân", "Tết" hay năm để có thể sử dụng làm quà tặng vào nhiều dịp khác nhau" - chị Nga nêu giải pháp.
Ngoài ra, DN cũng không sản xuất nhiều để dự trữ mà vừa sản xuất vừa bán hàng để tránh hàng tồn cũng như bảo đảm hàng mới cho người tiêu dùng. Thường mùa Tết, một số mặt hàng mùa vụ sẽ tăng giá nhưng Bh.nong food lại điều chỉnh giảm giá từ 10%-15% từ tháng 10 và giữ giá này trong và sau Tết.
"Khi mới khởi nghiệp, nhiều DN tập trung phân khúc cao cấp nhưng hiện nay kinh tế khó khăn, DN phải cơ cấu lại sản xuất, giảm giá bán nhằm giữ thị phần. Ưu tiên của DN hiện tại là tồn tại, giữ công ăn việc làm cho người lao động, chờ thị trường phục hồi" - chị Nga nhìn nhận.
Ông Võ Thanh Lộc, Giám đốc marketing hệ thống cửa hàng Farmers Market (TP HCM) chuyên quà tặng cao cấp, cho biết vẫn giữ phân khúc theo định vị của DN với các giỏ quà từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng nên dự trù sản lượng sẽ giảm 30% so với năm ngoái. "Dự báo Tết này bán hàng khó khăn nên DN lên kế hoạch tránh tồn kho từ đầu bằng cách không trữ hàng mà chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng, cần hàng bao nhiêu nhập về bấy nhiêu" - ông Lộc thông tin.
Cũng theo ông Lộc, năm nay hàng hóa không phong phú bằng các năm, do nhiều nhà nhập khẩu không nhập sản phẩm mới thăm dò thị trường mà ưu tiên những sản phẩm bán chạy để tránh "ôm hàng". Thuận lợi của năm nay là chi phí vật tư bao bì cho quà Tết rẻ hơn năm ngoái. Các DN đặt hàng bao bì theo thiết kế riêng, số lượng lớn thì chi phí sẽ khá mềm.
Không tiếc tiền cho phần bao bì
Với đặc điểm của thị trường quà tặng, phần hình thức rất quan trọng nên không ít DN vẫn không tiếc tiền cho bao bì dù chi phí quà bên trong bị cắt giảm. "Phần ruột bị cắt giảm nên phần vỏ phải coi sao cho được.
Các phần quà càng cao cấp thì chi phí hộp càng cao, có thể chiếm 25%-40% giá trị suất quà" - đại diện một đơn vị chuyên cung cấp giải pháp quà tặng cho hay. Theo tìm hiểu, giá của mỗi hộp đựng cao cấp từ 50.000 - 200.000 đồng tùy chất liệu, thiết kế.