21h tối.
Thu tạm dừng công việc và lôi điện thoại ra giường nằm và bật sẵn app VTV. Chỉ một lát nữa thôi sẽ chiếu tập tiếp theo của “Về nhà đi con". Dù công việc khá bận rộn, thế nhưng, cô gái 23 tuổi không muốn bỏ lỡ một tập phim nào.
Cũng vẫn là 21h tối.
Chị Hoa đã làm xong xuôi hết việc nhà. Con trai đang học bài, chồng thì đọc báo, mẹ chồng đang thu dọn nốt mấy món đồ linh tinh trong nhà. Càng đến gần giờ chiếu phim, cả gia đình càng cố rút ngắn thời gian làm việc vặt lại, để đến khi có tiếng nhạc hiệu quen thuộc, tất cả đều đã tìm cho mình một chỗ trước TV. Cùng xem “Về nhà đi con" đã trở thành thói quen của cả nhà chị trong suốt 2 tháng nay.
Cũng giống như chị Hoa hay Thu, kể từ khi “Về nhà đi con” lên sóng, bộ phim đã làm được một việc “vô tiền khoáng hậu", đó là trở thành bộ phim truyền hình quốc dân, cục nam châm thu hút mọi thế hệ dán mắt trước màn hình vô tuyến/ điện thoại vào lúc 21h mỗi tối. “Về nhà đi con" trở nên phổ biến và đại chúng đến mức, ai nói rằng mình chưa từng nghe tới bộ phim này, hẳn đang ở nước ngoài và có một circle bạn bè hoàn toàn không nói tiếng Việt. Một ông lão cũng có thể bàn luận với bạn về “Về nhà đi con", một đứa trẻ cũng có thể cùng nói về tình tiết bộ phim ấy, thậm chí bạn có thể không thuộc tên dàn diễn viên bằng sếp mình. Và đã rất lâu rồi, người ta mới cùng nhắc đến một bộ phim, cùng xem một bộ phim, và cùng đón chờ từng tập của một bộ phim ra mắt từng ngày như vậy.
Nhưng không phải kể từ “Về nhà đi con", người ta mới dành tình cảm trở lại với phim truyền hình Việt Nam. Dù là cái tên rực rỡ nhất trong làn sóng phim truyền hình Việt chiếu giờ vàng VTV, nhưng nó không phải bộ phim đầu tiên có công đưa người xem quay về trước màn hình vô tuyến vào mỗi 9h tối. Trước “Về nhà đi con", chúng ta đã có “Cả một đời ân oán", “Gạo nếp gạo tẻ", “Tuổi thanh xuân" hay năm ngoái là “Quỳnh búp bê"... tất cả đều không tạo nên những cơn sốt quá lớn, nhưng lại là những yếu tố khiến người xem luôn có cái để chờ đợi và nhớ đến.
Sức mạnh và tầm ảnh hưởng của những bộ phim truyền hình VTV không chỉ đến từ tỉ suất người xem, nó còn được cộng hưởng với mạng xã hội để tạo thành một làn sóng mang tầm đại chúng. Không hề nói ngoa khi cho rằng: Chỉ cần lên Facebook vào mỗi giờ chiếu phim, bạn cũng có thể update mọi tình tiết bộ phim theo tất cả mọi góc nhìn bi hài hước của cư dân mạng. Và đúng là nhờ vào MXH mà cơn sốt xem phim truyền hình Việt Nam mới được thổi bùng lên mạnh mẽ như hiện tại.
Sau mỗi tập phim, thậm chí, còn chưa kịp đến khi credit kết thúc xuất hiện, mọi nội dung có thể chế cháo, chỉnh sửa… đã được cư dân mạng truyền tay nhau với một tốc độ chóng mặt. Vừa xem phim, vừa chế ảnh, chế clip, vừa update tình tiết - mỗi giờ chiếu phim là tổng hoà của từng đấy hoạt động của cư dân mạng. Bạn thậm chí chẳng cần phải xem phim cũng có thể hiểu được diễn biến, bởi cư dân mạng gần như update theo nội dung phim từng phút. Mỗi câu thoại đều có thể là thứ viral tiếp theo trên MXH, và là nguyên liệu vô giá cho mọi bộ óc nhào nặn. “Gia đình là thứ tồn tại duy nhất - những thứ khác có hay không, không quan trọng", hay gần đây nhất là “Thanh xuân như một chén trà... “, có thể tự tin mà nói rằng, thậm chí những câu nói trong các bộ phim điện ảnh tiền tỷ hot nhất phòng vé - cũng chưa chắc tạo được cơn sốt và độ phổ biến như thế tới cư dân mạng.
Nếu phải nói về cái tên thật sự kéo khán giả trở lại với truyền hình, thì đó là ở thời điểm cách đây 2 năm trước.
“Người phán xử" và “Sống chung với mẹ chồng" - hai bộ phim ra mắt cùng một lúc, và cùng tạo một hiệu ứng tựa như một cú nổ tới tất cả những người yêu phim Việt Nam (hoặc thậm chí là không).
Trước 2 bộ phim là gì? Là chuỗi ngày dài khán giả thờ ơ với phim truyền hình Việt. Là nhắc đến phim truyền hình với sự hoài nghi, thậm chí là lạnh nhạt. Thậm chí, người ta còn không biết hôm nay TV chiếu bộ phim gì, và hoàn toàn mất khái niệm về diễn viên, về những nội dung đang chiếu. Phim truyền hình trong bối cảnh hiện nay đang trở thành một điều gì đó xa lạ, và việc để cả nhà cùng nhau ngồi trước màn hình TV để cùng xem một bộ phim với sự hào hứng - là một điều chỉ có từ hồi… xa lắm.
Nhưng “Người phán xử" và “Sống chung với mẹ chồng" xuất hiện và thay đổi tất cả. Chưa bao giờ, khán giả lại trở nên hào hứng đến như thế về phim truyền hình Việt Nam. Tình cảm của khán giả tăng dần theo từng tập phim, và tất cả tạo thành một cơn sốt bùng nổ thật sự trong suốt thời gian phim chiếu. Chưa bao giờ, khán giả được theo dõi phim truyền hình một cách chất lượng và thú vị đến như thế. “Người phán xử" là motive phản anh hùng, thâm nhập vào đời sống của giới xã hội đen - một đề tài quá hấp dẫn và mới mẻ trên sóng truyền hình Việt Nam. Còn “Sống chung với mẹ chồng" lại đẩy những mâu thuẫn đời thường của mẹ chồng - nàng dâu lên tận cùng, và ai cũng có thể nhìn thấy một phần câu chuyện của mình ở trong đấy.
Phần còn lại, không phải là lịch sử. Nhưng là tất cả những gì chúng ta thấy, chúng ta yêu mến thêm, chúng ta dành thêm tình cảm cho những bộ phim tiếp nối được ra mắt, được đo ni đóng giày cho từng đối tượng độc giả, những lớp diễn viên mới xuất hiện. Để rồi cuối cùng được bùng nổ và khán giả phải thật sự thừa nhận với một sự tự hào - khi “Về nhà đi con" dần thuyết phục họ qua những tập phim của mình.
Dường như, các nhà làm phim đã tìm ra một công thức lý tưởng cho từng bộ phim của mình. Họ thật sự hiểu khán giả và nắm được điều gì sẽ khiến khán giả “đã". Ngay cả những kịch bản không mang màu sắc đời thường, gia đình như Quỳnh Búp bê, “Người phán xử" hay “Mê cung" khi không hề xa rời thực tế. Nếu kể câu chuyện về một gia đình xã hội đen ở một vùng rừng núi ở Việt Nam, đó chắc chắn sẽ là câu chuyện về gia đình ông trùm Phan Quân. Cách hành xử, cách ăn mặc, cách những gã đầu gấu trò chuyện và mâu thuẫn - tất cả đều mang dáng dấp thật của giới xã hội đen Việt Nam mà chúng ta được khắc hoạ qua báo chí.
Không quá khó để nhận ra, bên cạnh việc mang đến sự gần gũi và phong phú trong lựa chọn cho khán giả, thì điều khiến cho chất lượng sản phẩm của Vũ trụ phim ảnh VTV ngày càng được nâng cao, đó là tập trung phát triển song song cả về nội dung lẫn diễn xuất của diễn viên.
Trước nhất, đó là về nội dung của các bộ phim truyền hình. Tất cả mọi người đều tìm thấy một bộ phim mình có thể yêu thích và phù hợp với mình. Bạn thích phim trinh thám, hình sự? Xin mời đến với “Quỳnh búp bê", “Người phán xử”, “Mê cung". Phim tình cảm đôi lứa với trai xinh gái đẹp là sở trường của bạn? “Cả một đời ân oán", “Ghét thì yêu thôi". Bà bạn, cô dì chú bác của bạn, đứa bạn cùng lớp bạn… cần một bộ phim gia đình hài hước? “Về nhà đi con" chắc chắn là dành cho họ.
Việc đẩy mạnh về thể loại và những câu chuyện trải dài trong các tầng lớp xã hội là một, nhưng đội ngũ biên kịch rất khéo trong việc khai thác triệt để những tình huống đời thường, và cả những câu chuyện về góc khuất xã hội, phát triển chúng một cách hài hoà với mạch phim để tạo thành điểm nhấn cho chính những tập phim của mình.
Và cũng chưa bao giờ, khán giả được nhìn thấy hàng loạt những nhân vật với phong cách và câu chuyện đa dạng đến như thế trên sóng truyền hình. Đó có thể là những “cô gái ngành", với đúng phong thái, cách ăn mặc và lối cư xử của “gái ngành" ngoài đời. Hoặc lần đầu tiên người ta thấy một tên giết người hàng loạt biến thái, bệnh hoạn được xây dựng theo đúng những tiêu chuẩn của một phim trinh thám thượng thặng. Một ông trùm uy quyền mang dáng dấp của “Bố già”, với những suy nghĩ và tính cách thuần Việt Nam. Hay đơn giản là một bà mẹ chồng yêu con trai quá độ, một câu chuyện mà chúng ta có thể gặp ở bất cứ đâu trong cuộc sống này.
Bên cạnh chuyện phát triển nội dung, đội ngũ biên kịch còn khiến khán giả thích thú vì những câu thoại trong phim. Các nhân vật của phim truyền hình thời gian gần đây được sử dụng khẩu ngữ một cách linh hoạt. Điều đó khiến cho lời thoại của họ trở nên có vần điệu, dễ đi vào tiềm thức khán giả và đặc biệt dễ chế lại dưới mọi hình thức. Chỉ nhặt ngay trong loạt phim thời gian gần đây, chắc chắn chúng ta đã có hẳn một “rổ” lời thoại.
Chính ekip biên kịch của các bộ phim truyền hình chia sẻ rằng, thực ra lời thoại hiện tại là do họ cóp nhặt từ cuộc sống, sau những lần like dạo trên facebook, đọc được bình luận thú vị là liền ghi chép lại để khi cần sẽ dùng. Có lẽ vì vậy mà hơi thở cuộc sống trở nên mượt mà hơn trong các phân cảnh của phim.
Không chỉ có lời thoại, phong cách sống ngoài đời của diễn viên cũng sử dụng như một chất liệu được ekip khai thác triệt để. Ở Về Nhà Đi Con, ngay lần đầu tiên khi Quang Anh và Bảo Hân xuất hiện, biên kịch và đạo diễn đã nhìn ra được đây chính là nhân tố mà họ đang cần: “Một người con trai tính như con gái, một người con gái tính như con trai". Chính Bảo Hân cũng tâm sự với ekip Về Nhà Đi Con rằng: “Cho em uống rượu cũng được, đánh nhau cũng được, nhưng đừng cho em mặc váy”. Thật sự Bảo Hân đã có vai diễn như vậy trong phim. Câu chuyện diễn viên hợp vai hay không đã lỗi thời, bản thân diễn viên có sống đúng với vai diễn họ đảm nhận hay không mới là vấn đề. Thật may mắn vì truyền hình Việt đã có tiền lệ từ “tomboiloichoi".
Xét ngay trong những lời thoại từng gây sốt, khán giả cũng nhanh chóng nhận ra vấn đề của cuộc sống. Dù là một tay xã hội đen, thì “Gia đình là thứ tồn tại duy nhất, những thứ khác có hay không, không quan trọng” (Phan Quân – Người Phán Xử). Với những người phụ nữ, họ luôn cho rằng “Đời người phụ nữ có ba tình địch lớn: máy tính, bóng đá và mẹ chồng”, “Mấy bà mẹ chồng đều có mẫu chung là super soi” (Trang - Sống Chung Với Mẹ Chồng) mà không nhận ra mẹ chồng cũng có những nỗi khổ của mẹ chồng. Rồi với đám trai mới lớn, họ luôn rỉ tai nhau “Với con gái nếu càng xán vào chúng nó càng chảnh, cứ phải chó cảnh lên thì mới được yêu” (Đạt “hách nôi” – Chạy Trốn Thanh Xuân). Có khi nào nhờ câu thoại này, mà bản thân phái nữ sẽ nhận ra khi đến với tình yêu thì nên có thái độ sao cho phù hợp không nhỉ? Gần đây nhất phải kể đến câu thoại “Thanh xuân như một chén trà, ăn thêm miếng bánh hết bà thanh xuân” (Tomboyloichoi Ánh Dương – Về Nhà Đi Con). Nghe vừa vui, nhưng cũng không thiếu sự xót xa khi thanh xuân trôi qua quá nhanh.
-----------------------
Thành công của vũ trụ VTV không thể không nhắc đến chất lượng đỉnh cao của dàn diễn viên.
Có thể nói, VTV đang sở hữu một dàn diễn viên đang vào độ chín nhất với tài năng và kinh nghiệm dày dặn. Ai cũng từng rùng mình khi xem phân cảnh NSND Hoàng Dũng lạnh lùng, đầy quyền lực bình tĩnh nói chuyện với con trai Phan Hải. Và dù đôi mắt long lên sòng sọc của Phan Hải - Việt Anh thi thoảng hơi ám ảnh và xuất hiện quá nhiều, nhưng nó cũng đã tạo nên cả một thương hiệu trong suốt khoảng thời gian “Người phán xử" được chiếu. Hay ai cũng thấy tê tái khi Bảo Thanh oà khóc sau những áp lực và đổ vỡ trong “Về nhà đi con”, Thu Quỳnh thể hiện cả một My Sói đầy mưu mô và sự ti tiện, nhưng cũng chỉ sau đó ít lâu, cô khiến khán giả phải thổn thức vì một chị Huệ nhẫn nhịn, đau buồn và bất lực trong một cuộc hôn nhân không lối thoát.
Thu Quỳnh đã từng chia sẻ rằng, cô nhập vai tới mức khi tham gia dự án Quỳnh Búp Bê, bản thân cô thấy mình như xấu tính hơn. Và từ sự cong cớn, cay nghiệt của My Sói, Thu Quỳnh nhanh chóng “mềm nhũn" và bánh bèo hẳn ra nhờ chị Huệ.
Khi nhìn lại những vai diễn của mình, dù được tung hô, dù bị chỉ trích thì ít nhiều các diễn viên đều có những kỉ niệm nhất định. Người thì thấy tạm hài lòng vì mình được thay đổi như Thu Quỳnh, người lại muốn được một lần nữa đóng những phân đoạn trong phim để làm tốt hơn như Bảo Thanh, nhưng cũng có người cảm thấy chẳng ưng ý bất cứ vai diễn nào trong suốt vài chục năm làm nghề như NSƯT Trung Anh.
Ở mỗi độ tuổi, các diễn viên lại có những suy nghĩ khác nhau và thấu đáo về nghiệp diễn. Họ cống hiến, lăn xả với nhân vật dù cho nhiều lúc đã muốn dừng lại để bản thân thoát được vai cũ. Nam diễn viên Đỗ Duy Nam trong buổi ra mắt phim Những Nhân Viên Gương Mẫu đã chia sẻ rằng sau Thịnh Ngựa của Mê Cung, anh muốn rời màn ảnh một thời gian để nghỉ ngơi, dành thời gian cho gia đình, nhưng rồi vai Nam của bộ phim mới khiến anh hào hứng quá mức, anh đã gật đầu đồng ý ngay khi đọc kịch bản.
Có một điểm đáng lưu ý ở phim truyền hình hiện tại, đó là việc song song với quá trình chiếu phim, các ekip còn nhanh chóng tạo ra những group, những fanpage để đẩy mạnh truyền thông, đồng thời để khán giả được đóng góp ý kiến của mình về các bộ phim. Ở giai đoạn đầu, Sống Chung Với Mẹ Chồng chỉ nhận được hơn 1600 likes cho fanpage. Sang đến Người Phán Xử, con số ấy đã tăng lên chóng mặt và chạm ngưỡng 481k likes. Và đáng nói nhất chính là con số kỉ lục của bộ phim truyền hình quốc dân Về Nhà Đi Con. Lượt tương tác với khán giả đạt mức hơn 663k likes page, có những đoạn phim ngắn có đến cả triệu lượt xem, group bàn luận về phim có gần 30k thành viên.
Chính nhờ những cuộc trò chuyện của khán giả mà thời gian chờ phim đã phần nào được rút ngắn, mạch phim cũng không quá ngắt quãng. Khán giả liên tục đưa ra quan điểm, cách nhìn nhận của mình về vấn đề được đề cập trong phim khiến các nhà biên kịch có thể sẽ thu thập thêm nhiều hướng khai thác mới. Để rồi sau đó, khán giả sẽ trải qua cảm giác vô cùng thú vị khi đón nhận bộ phim mới, khi thấy được ý kiến của mình trên màn ảnh.
Chưa bao giờ người Việt lại hào hứng đón chờ bộ phim truyền hình tiếp theo đến như thế.
Sự tin tưởng của khán giả tăng dần sau từng bộ phim, và cho đến bây giờ, họ thật sự dành tình yêu, sự cảm mến và ủng hộ hoàn toàn cho những bộ phim sắp ra mắt. Những kịch bản, dàn diễn viên sẽ xuất hiện - được khán giả truyền tay nhau bằng sự thích thú, mong đợi - một điều chưa từng có tiền lệ trước đây.
Chúng ta hoàn toàn có quyền mong chờ một nền phim truyền hình hay - chứ không còn là chỉ những bộ phim nhỏ lẻ loé sáng. Mà thật ra chúng ta không cần mong chờ điều đó, chúng ta đã có nền tảng để điều đó xảy ra. Khi mà chất lượng của những bộ phim gần đây càng ngày càng đồng đều, và sự chuyên nghiệp trong sản xuất phim lẫn vận hành truyền thông - ngày càng tăng.
Điều tuyệt vời nhất của làn sóng vũ trụ VTV là gì? Đó là xây dựng lại thói quen cùng xem phim truyền hình vào buổi tối. Trong suốt nhiều năm, hình ảnh đó tưởng như đã vĩnh viễn biến mất theo sự phát triển của những loại hình giải trí khác. Thế nhưng, chúng ta đang dần thấy lại cảnh người ta cùng nhau chờ đến giờ phim chiếu, cùng xem, cùng bàn luận, cùng khóc cười với nhân vật. Với nhiều gia đình, giờ chiếu phim đã trở thành một phần của đời sống sinh hoạt, không phải mỗi người một chiếc smartphone, tự đeo tai nghe nữa, mà cả gia đình sẽ cùng quây quần để ngóng phim từ một chiếc TV chung. Để rồi hết phim này, họ sẽ cùng nhau ngồi bên chiếc TV xem một bộ phim mới, và cùng có những kỷ niệm đẹp giống như cách mà chúng ta đã từng có bên gia đình của mình và bên chiếc TV…
Trí thức trẻ