Qatar: Đất nước đói nghèo không có gì ngoài sa mạc, đất đai khô cằn giàu có nhờ dầu mỏ

05/05/2022 08:10 AM | Xã hội

Cuộc xung đột Ukraine đã khiến Châu Âu tìm kiếm những nguồn dầu khí ngoài Nga và để Qatar hưởng lợi.

Tháng 12/2022, mọi con mắt sẽ đổ dồn về Qatar khi nước này đăng cai World Cup 2022, một sự kiện thể thao đáng mong chờ sau 2 năm cả thế giới quằn quại chống đại dịch Covid-19.

Thế nhưng ngay từ thời điểm hiện tại, quốc gia Trung Đông này đã thu hút được sự chú ý của giới truyền thông nhờ đang hưởng lợi lớn trong cuộc xung đột Ukraine. Việc Nga yêu cầu Châu Âu thanh toán bằng đồng Ruble cũng như nguy cơ bị cắt nguồn khí đốt đã khiến các nước Phương Tây tìm đến Trung Đông như một cứu cánh trong thời điểm này.

Qatar: Đất nước đói nghèo không có gì ngoài sa mạc, đất đai khô cằn giàu có nhờ dầu mỏ - Ảnh 1.

Xuất khẩu khí đốt của Qatar bật tăng mạnh

Thời tới cản không nổi

Trên thực tế, những nhà xuất khẩu dầu lớn như Ả Rập Xê Út hay Kuwait cũng hưởng lợi lớn trong cuộc xung đột Ukraine khi giá dầu phi mã còn khách hàng thì chuyển từ dầu Nga sang những nguồn khác. Vậy nhưng do những nước này từ chối nâng sản lượng để hưởng lợi từ giá dầu cao đã khiến Qatar, vốn từng bị các nước Trung Đông tẩy chay, trở thành con cưng trong mắt Mỹ cùng đồng minh Phương Tây.

Hàng tin Bloomberg cho hay trong vài tuần trở lại đây, nhiều quan chức Châu Âu đã bay sang Qatar để vận động hành lang với thông điệp cực kỳ rõ ràng: Chúng tôi cần khí đốt của các bạn càng nhanh càng tốt!

Thậm chí chính quyền Đức đã chỉ thị các doanh nghiệp phải bắt đầu đàm phán hợp đồng khí đốt ngay lập tức sau khi Nga chính thức cắt nguồn cung với Ba Lan và Bulgaria. Xin được nhắc là Nga chiếm tới 55% lượng khí đốt nhập khẩu của Đức trước khi cuộc chiến Ukraine diễn ra và 1/3 trong số đó được dùng cho sản xuất công nghiệp.

Theo các tính toán của hãng tin Bloomberg, tổng kim ngạch xuất khẩu khí đốt của Qatar sẽ vượt 100 tỷ USD trong năm nay, vượt mức đỉnh của năm 2014, qua đó đóng góp thêm vào nguồn quỹ đầu tư quốc gia trị giá 450 tỷ USD của nước này.

Chưa dừng lại ở đó, Qatar cho biết họ kỳ vọng World Cup sẽ đóng góp thêm 20 tỷ USD cho nền kinh tế, nhờ đó đưa quốc gia có thu nhập cao này càng giàu hơn. Trong các năm 2017-2018, Qatar đã từng đứng đầu thế giới về GDP bình quân đầu người và được dự đoán tiếp tục đứng trong top 10 về chỉ số này.

Qatar: Đất nước đói nghèo không có gì ngoài sa mạc, đất đai khô cằn giàu có nhờ dầu mỏ - Ảnh 2.

GDP bình quân đầu người của Qatar tăng trở lại

Nhu cầu của Châu Âu đến với Qatar ngay sau khi nước này thực hiện kế hoạch chi 30 tỷ USD để thúc đẩy xuất khẩu khí đốt thêm 60% vào năm 2027. Trước khi xung đột Ukraine diễn ra, nhiều người còn lo lắng quốc gia này sẽ gặp khó để tìm nguồn hàng mới nhằm gia tăng xuất khẩu khí đốt, nhưng giờ đây mọi chuyện đã trở nên tốt đẹp hơn.

"Đây thực sự là một cơ hội tuyệt vời. Qatar sẽ trở thành một trong những nước xuất khẩu khí đốt quan trọng nhất trên thế giới khi nhu cầu thị trường ngày càng tăng", chuyên gia Karen Young của Viện nghiên cứu MEI tại thủ đô Washington nhận định.

Từ con ghẻ hóa con cưng

Với dân số chưa đến 3 triệu người, câu chuyện được Châu Âu mua dầu khí nhiều hơn quả là điều may mắn. Mặc dù là một trong những nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới nhưng Qatar cũng gặp những thách thức của riêng mình.

Trong hơn 3 năm trước đại dịch, Qatar đã phải chịu sự cô lập từ Ả Rập Xê Út cùng nhiều nước Trung Đông do bị cáo buộc có liên quan đến các tổ chức hồi giáo cực đoan cũng như Iran. Tiếp đó dịch Covid-19 diễn ra khiến nhu cầu khí đốt suy giảm mạnh xuống mức kỷ lục, thế rồi phong trào sử dụng năng lượng xanh bảo vệ môi trường, loại bỏ dầu khí.

Vậy nhưng mọi chuyện đã chấm dứt khi xung đột Ukraine diễn ra bởi Châu Âu đang cần Qatar hơn bao giờ hết. Giá khí đốt tại Châu Âu đã tăng hơn 4 lần trong năm qua và đang ở mức cao kỷ lục do nhu cầu bật tăng trở lại hậu đại dịch cũng như nguồn cung gián đoạn từ Nga.

Qatar: Đất nước đói nghèo không có gì ngoài sa mạc, đất đai khô cằn giàu có nhờ dầu mỏ - Ảnh 3.

Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al Thani cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng trong cuộc họp ngày 31/1/2022

Mới đây, các quan chức Qatar đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng vào cuối tháng 1/2022 nhằm đảm bảo sự bình ổn thị trường năng lượng. Mỹ hiện đang biến Qatar thành một đồng minh thân cận sau khi Ả Rập Xê Út lẫn Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) từ chối nâng sản lượng để hạ giá dầu.

Ngay lập tức, Citigroup dự báo nền kinh tế Qatar sẽ tăng trưởng 4,4% trong năm nay, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2015. GDP bình quân đầu người cũng được cho là sẽ trở lại ngưỡng 80.000 USD, tương đương với các nước giàu như Thụy Sĩ.

Con đường làm giàu

Qatar vốn là một nước nghèo chẳng có gì ngoài sa mạc và đất đai khô cằn. Những mỏ khí đốt của nước này tập trung chủ yếu tại miền Bắc được hãng Shell phát hiện vào năm 1971 nhưng ai muốn khai thác vì tại thời điểm đó, khí đốt không có giá trị cao bằng dầu mỏ. Thêm vào đó, do công nghệ còn thấp nên việc vận chuyển, bảo quản khí đốt quá đắt đỏ so với dầu thô.

Đến thập niên 1990, giá dầu mỏ giảm thê thảm khiến Qatar phải tìm kiếm hướng đi mới và khí đốt trở thành lựa chọn đầy hấp dẫn. Việc nhu cầu khí đốt tăng lên cùng với công nghệ phát triển, khiến chúng dễ dàng vận chuyển hơn khi được nén hóa lỏng ở -161 độ C, đã biến Qatar trở thành một trong những nhà xuất khẩu khí đốt hàng đầu thế giới.

Dẫu vậy tại thời điểm này, Châu Âu chưa phải khách hàng chính của Qatar do cạnh tranh khốc liệt từ nguồn khí đốt Nga. Mạng lưới đường ống khí đốt rộng lớn được xây dựng từ thời Liên Xô cộng với giá thành rẻ đã biến Nga trở thành nhà cung ứng gần như độc quyền tại Châu Âu.

Qatar: Đất nước đói nghèo không có gì ngoài sa mạc, đất đai khô cằn giàu có nhờ dầu mỏ - Ảnh 4.

Giá khí đốt đang cao hơn rất nhiều ngưỡng hòa vốn của Qatar

Vào năm 1997-1998, các quan chức Qatar đã từng sang Đức để chào hàng khí đốt nhưng bị từ chối do nguồn khí đốt của Nga rẻ và tiện hơn. Trớ trêu thay sau cuộc xung đột Ukraine, Châu Âu lại cần khí đốt của Qatar hơn bao giờ hết và quốc gia này thậm chí không kịp khai thác đủ nhu cầu.

Hãng tin Bloomberg cho hay Qatar dù mở hết công suất hiện nay thì cũng chỉ có thể đáp ứng khoảng 40% chỗ trống khí đốt mà Nga để lại. Đó là chưa kể 80% số khí đốt của Qatar đã được các bạn hàng truyền thống tại Châu Á đặt mua. Phần lớn số hợp đồng này được ký kết dài hạn từ trước và Qatar không muốn rũ bỏ những khách hàng lâu năm vì Châu Âu.

Tất nhiên, cầu tăng thì giá cũng tăng. Hãng Morgan Stanley dự báo cuộc xung đột Ukraine sẽ khiến nhu cầu dùng khí đốt trên thế giới tăng 60% từ nay đến năm 2030 do Châu Âu cần tìm một lựa chọn mới cho an ninh năng lượng. Hệ quả là giá khí đốt tại cả Châu Á và Châu Âu có thể lên đến 25 USD/MMBtu trong năm sau, cao gấp 6 lần so với mức giá hòa vốn của Qatar.

Thậm chí Bộ trưởng kinh tế Đức Robert Habek còn phải sang tận thủ đô Doha của Qatar vào giữa tháng 3/2022 để hối thúc xây dựng đề án cảng nhập khẩu khí đốt đầu tiên của Đức sau nhiều năm phụ thuộc vào mạng lưới cung ứng từ phía Đông đến từ Nga.

"Cuộc xung đột Ukraine và sự bất ổn trên thị trường khí đốt tại Châu Âu đã thay đổi toàn bộ cuộc chơi với Qatar", giám đốc phân tích Elan Habib của hãng ICIS thừa nhận.

*Nguồn: Bloomberg

Huyền Băng

Cùng chuyên mục
XEM