Profile siêu xịn của ngựa được đội Kỵ binh cảnh sát cơ động Việt Nam sử dụng: Là ngựa nòi Mông Cổ, thuộc một trong những giống đỉnh nhất thế giới
Những chú ngựa đội kỵ binh Việt Nam sử dụng đúng là có hình thể nhỏ bé, nhưng là "nhỏ mà có võ".
Sáng nay 8/6, Đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công An) đã chính thức ra mắt, thực hiện cuộc diễu hành trước tòa nhà Quốc hội và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc 7h15.
Hình ảnh những chiến sĩ cảnh sát oai vệ trên lưng ngựa khiến nhiều người tròn xoe mắt ngưỡng mộ. Nhưng bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng những chú ngựa đội kỵ binh đang sử dụng khá nhỏ bé, thiếu đi tính mạnh mẽ và khó tỏ ra hữu dụng trong thực chiến.
Đội kỵ binh cảnh sát cơ động Việt Nam
Nếu cũng nghĩ như vậy thì rất tiếc, bạn nhầm rồi, bởi những chú ngựa của đội kỵ binh cảnh sát cơ động Việt Nam có profile không thể chê vào đâu được. Đó là những con ngựa nòi của Mông Cổ - giống loài huyền thoại đã từng đưa Thành Cát Tư Hãn chinh phục cả châu Á.
Cội nguồn của ngựa hiện đại
Nguồn gốc của ngựa Mông Cổ thực ra rất khó để xác định. Trong thế giới loài ngựa, ngựa Mông Cổ có bộ gene rất đa dạng, cho thấy giống loài này có bộ gene từ xa xưa, với rất ít tác động chọn lọc của con người. Một số thậm chí tin rằng ngựa Mông Cổ là cội nguồn của các loài ngựa hiện đại ngày nay, khi bộ gene của chúng được tìm thấy ở nhiều giống khác (giả thuyết này đang được kiểm chứng).
Ngựa Mông Cổ được thuần hóa tại Trung Á vào khoảng 10.000 năm trước, và được con người sử dụng trong ít nhất là 4000 năm. Nhưng có lẽ, thời khắc đỉnh cao nhất trong lịch sử của giống loài này, là khi trở thành nòng cốt chính để Thành Cát Tư Hãn thực hiện cuộc càn quét trên khắp châu Á, và thậm chí còn sang cả châu Âu để hình thành nên đế chế Mông Cổ.
Vào thời kỳ hưng thịnh nhất, đế chế Mông Cổ trải rộng từ Budapest của phương Tây đến tận phía đông của Hàn Quốc. Cả thế giới khi đó sợ hãi vó ngựa của người Mông Cổ. Các chiến binh sở hữu từ 3 - 12 con ngựa, để đảm bảo chiến mã họ cưỡi luôn trong tình trạng tốt, và có thể vượt qua hơn 100km mỗi ngày ở bất kỳ địa hình nào. Ngoài ra, ngựa còn đóng vai trò quan trọng đối với cuộc sống thường ngày của họ, dùng để vận chuyển, phục vụ săn bắn, cung cấp sữa, và cả các phong tục văn hóa tâm linh.
Với việc đế chế Mông Cổ trải rộng ra khắp thế giới, ngựa của họ cũng có mặt, trở thành biểu tượng vì tính bền bỉ, gan dạ, và sức mạnh vô song. Chúng cũng được dùng làm nền tảng lai tạo ra nhiều giống ngựa tại châu Á và châu Âu, đồng thời cải thiện được khả năng của các giống khác nữa. Ngày nay, có thể tìm thấy dấu vết của ngựa Mông Cổ trong các giống không liên quan, như ngựa Iceland, Connemara, hoặc ngựa Hokkaido.
Thấp bé, nhưng bền bỉ
Nhìn bên ngoài, ngựa Mông Cổ có thân hình khá khiêm tốn, không cao, chân dày, đầu lớn và cổ ngắn, đuôi dài và lông dày. Chiều cao của chúng chỉ rơi vào khoảng 14 gang tay mà thôi. So với ngựa phương Tây, chúng bé hơn rất nhiều.
Nhưng bù đắp cho sự nhỏ bé, ngựa Mông Cổ lại cực kỳ bền bỉ với thể lực không chê vào đâu được, có thể phi nước kiệu trên đoạn đường dài mà không cần nghỉ quá nhiều. Móng ngựa cũng rất cứng, không cần phải đóng thêm móng sắt. Đặc biệt, sức sinh tồn của ngựa Mông Cổ thì không chê vào đâu được, khi có thể tự đào tuyết tìm cỏ trong những tháng đông lạnh giá.
Một đặc điểm khác của ngựa Mông Cổ đã được nêu trên, đó là sự gan dạ. Người Mông Cổ tin rằng ngựa của họ không ngại ra chiến trường, có thể tâm ý tương thông với chủ nhân, và nhờ vậy làm nên những bước ngoặt quan trọng khi chiến đấu.
Ở châu Âu, có những giống ngựa có sức khỏe và lực chiến rất hoàn hảo để dùng làm chiến mã trong chiến trường, nhưng rất dễ hoảng sợ khi thấy đao kiếm hay đám đông. Đó là lý do vì sao kỵ binh phương Tây thường phải đeo giáp và bịt mặt để hạn chế tầm nhìn của ngựa, giúp chúng chỉ tập trung vào phía trước (tầm nhìn của ngựa là rất rộng).
Nguồn: Globe Trotting, Wiki