Pokemon Go vào đề phỏng vấn học bổng thạc sĩ

31/08/2016 19:02 PM | Kinh doanh

Trò chơi Pokemon Go không chỉ đang thống trị bảng xếp hạng các game hot nhất thế giới, mà còn trở thành chủ đề tình huống trong một buổi phỏng vấn học bổng chương trình Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Việt Nam.

Cách phỏng vấn học bổng “có 1-0-2”

Nhiều câu hỏi tình huống mới lạ, thú vị, gắn với thực tiễn đã được đặt ra trong đợt phỏng vấn vừa qua tại Viện Quản trị Kinh doanh FSB – ĐH FPT: "Bạn chơi thử trò PokemonGo trong một cuộc họp. Từ hôm đó, nhân viên của bạn ngang nhiên chơi Pokemon Go trong giờ làm việc, ngay trước mặt bạn. Thậm chí, có nhân viên khi đang họp và được yêu cầu đưa ra ý kiến vẫn còn cố bắt nốt con Pokemon rồi mới trả lời. Là lãnh đạo, bạn sẽ làm gì trong tình huống này".

Mỗi ứng viên tham gia phỏng vấn đã đưa ra những giải pháp riêng, và một trong những câu trả lời được BGK đánh giá cao là của anh Đức Lưu - Trưởng phòng tài chính, kế toán Medlatec: “PokemonGo là một trò chơi hết sức sáng tạo, dù không chơi nhưng tôi vẫn nghiên cứu về nó. Vấn đề tôi quan tâm là người chơi vận dụng được gì từ trò chơi ấy. Nếu nhân viên đó tìm kiếm được cơ hội kinh doanh từ trò chơi, tôi sẽ khuyến khích họ phát triển, ngược lại sẽ đưa ra lý do hợp lý để họ không lặp lại tình huống này”.

Một tình huống khác khác được nhiều ứng viên cho rằng, cứ như giám khảo “đọc” được câu chuyện thực tế của họ: “Nếu công ty bạn đang điều hành gặp khủng hoảng thị trường liên tiếp trong 2 năm liên tiếp, bạn sẽ làm gì? Thu hẹp sản xuất kinh doanh, sa thải nhân viên đợi thời cơ hay chuyển nhượng cho người khác?”.

Tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, Vũ Văn Việt (1991) trở về chăm lo trang trại của gia đình và… đi tu. Đứng trước giai đoạn khó khăn, thậm chí phải tính đến phương án bán đi, chàng trai trẻ đã có cách xử lý tình huống thông minh cùng với tư duy đậm tính triết lý. Sau sự kiện đó một năm, quy mô trang trại của Việt tăng 3 lần, diện tích nhà xưởng cũng gấp 3, anh còn tham gia mở thêm xưởng cơ khí.

Việt cho biết, anh muốn đi học để được trang bị hệ thống kiến thức quản trị bài bản, được giao lưu với các doanh nhân giỏi, học hỏi cách phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp.

Những điều cần chuẩn bị khi tham gia phỏng vấn MBA

Khi được hỏi: “Bạn đã chuẩn bị những gì khi tham gia phỏng vấn?” đa số các ứng viên đều trả lời sẽ tìm hiểu thông tin về nơi đào tạo và nội dung khóa học mà họ đang muốn xin học bổng. Nhưng một số khác lại cho rằng không phải chuẩn bị gì nhiều, chủ yếu phải tự tin và thể hiện được bản thân mình trước BGK.

Anh Hán Bình Minh là chủ 4 doanh nghiệp, đã từng tốt nghiệp thạc sỹ Marketing Chiến lược liên kết quốc tế cho biết, lý do vẫn lựa chọn theo học ngành QTKD dù đã có bằng thạc sỹ: “Tôi đã có bằng MBA từ nhiều năm trước nhưng chương trình tôi học khá hàn lâm. Tôi muốn cập nhật tri thức mới, muốn học hỏi những kiến thức thực tiễn, kinh nghiệm thực tế của các CEO nổi tiếng. Chính vì thế, tôi chọn chương trình MBA của FSB để theo học”.

Với kinh nghiệm của mình, anh Minh chia sẻ: “Tôi không chuẩn bị gì nhiều cho buổi phỏng vấn mà nghĩ đơn giản, mình cứ là chính mình, thể hiện khả năng và kinh nghiệm. Khi trình bày trước giám khảo, tôi đã “khoe” những điểm mạnh và nổi trội của mình”.

Đại diện BGK, TS Nguyễn Đức Nhật (Chủ nhiệm bộ môn Kinh tế và Quản lý tại FSB) đã đưa ra một số lời khuyên: “Các ứng viên khi tham gia phỏng vấn tốt nhất nên tìm hiểu kỹ về văn hóa nơi mình dự định xin học bổng. Tại FSB, chúng tôi làm việc trong môi trường mở, nơi mọi người được tự do trao đổi, tranh luận và khai phá bản thân. Vì vậy, khi vào phỏng vấn, các bạn phải thật thoải mái, dùng kinh nghiệm của bản thân thể hiện hành động cụ thể trong tương lai. FSB luôn đánh gia cao tính trung thực, đề cao gia đình, tính nhân văn và những đóng góp cho cộng đồng xã hội. Nếu thể hiện được các yếu tố trên, bạn chính là ứng viên chung tôi tìm kiếm”.

Minh Quân

Cùng chuyên mục
XEM