Phú Quốc chính thức là thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam
Tối 8/1/2021, tại Khu đô thị mới An Thới, nam đảo Phú Quốc, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang đã long trọng tổ chức lễ công bố Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thành lập Thành phố Phú Quốc và các phường thuộc Thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Nghị quyết được ban hành ngày 09/12/2020 và có hiệu lực thi hành từ 01/01/2021. Theo đó, thành lập thành phố Phú Quốc trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số 179.480 người của huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao Nghị quyết thành lập thành phố Phú Quốc cho Lãnh đạo địa phương
Đồng thời, thành lập phường Dương Đông trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số 60.415 người của thị trấn Dương Đông; thành lập phường An Thới trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số 4.610 người của xã Hòn Thơm và toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số 37.485 người của thị trấn An Thới.
Như vậy, thành phố Phú Quốc có 09 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 02 phường: An Thới, Dương Đông và 07 xã: Bãi Thơm, Cửa Cạn, Cửa Dương, Dương Tơ, Gành Dầu, Hàm Ninh, Thổ Châu.
Màn pháo hoa chúc mừng Phú Quốc trở thành thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam
Tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình bày tỏ sự tin tưởng rằng, thành phố Phú Quốc sẽ có nhiều cơ hội để tiếp tục phát triển nhanh hơn nữa, tận dụng tối đa cơ hội mà cuộc cách mạng lần thứ 4 mang lại, phát triển thành phố thông minh, xanh, sạch, đẹp, là nơi mọi người đều mong muốn được đến và tận hưởng, từng bước trở thành trung tâm thương mại và dịch vụ cao cấp, trung tâm khoa học công nghệ của quốc gia và Khu vực Đông Nam Á; Trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp, đủ sức cạnh tranh với các điểm du lịch lớn nổi tiếng của các nước trong khu vực và quốc tế; trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực và là một trong những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội chung của cả nước và của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
"Nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã có mặt tại Phú Quốc, đầu tư xây dựng nhiều công trình với quy mô lớn, trang bị hiện đại, đạt tiêu chuẩn, tầm cỡ khu vực và quốc tế. Ngày nay, Phú Quốc đã phát triển với dáng dấp và hình hài của một đô thị hiện đại, thông minh, năng động được nhiều du khách trong nước và quốc tế biết đến" Phó Thủ tướng khẳng định.
Theo định hướng đề ra, Phú Quốc sẽ trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế. Việc thành lập thành phố biển đảo Phú Quốc sẽ tạo sức hấp dẫn mới, thu hút mạnh nguồn lực đầu tư, khơi dậy tiềm năng du lịch, giúp đảo Ngọc bứt phá, sớm đạt được mục tiêu to lớn này.
Đồng thời, việc thành lập thành phố Phú Quốc sẽ có tác động mạnh đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo ra nhiều việc làm; thu hút lực lượng lao động chất lượng cao, đội ngũ chuyên gia về đảo Ngọc; phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại, đưa Phú Quốc trở thành thành phố đáng sống top đầu Việt Nam.
Sau khi trở thành thành phố, cùng với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, dân số Phú Quốc sẽ gia tăng nhanh chóng. Do đó, bên cạnh việc phát triển hạ tầng du lịch, hạ tầng xã hội, công tác phát triển đô thị ở Phú Quốc sẽ được quan tâm đặc biệt, trọng tâm là đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở đồng bộ, bố trí các khu dân cư, khu đô thị mới hiện đại, tiện nghi, đầy đủ tiện ích.
Tiết mục nghệ thuật tôn vinh vẻ đẹp đảo Ngọc Phú Quốc
Hai đô thị lớn là Dương Đông và An Thới sẽ là nơi thu hút lượng lớn dân cư từ đất liền ra đảo. Trong đó, An Thới là khu vực mới phát triển, quỹ đất còn rộng, được định hướng phát triển thành đô thị cảng quốc tế, là đầu mối kỹ thuật, thương mại, du lịch của Phú Quốc, sẽ là khu vực trọng yếu để phát triển các khu dân cư mới cũng như đón lượng khách du lịch tăng trưởng không ngừng.
Năm 2020, ngay khi làn sóng Covid-19 lắng xuống, du lịch Phú Quốc đã nhộn nhịp trở lại. Tháng 11/2020, lượng khách đến Phú Quốc tăng 28% so với tháng 10. Tháng 12/2020, trung bình mỗi ngày có 60-70 chuyến bay hạ và cất cánh đến Phú Quốc. Vào những ngày nghỉ cuối tuần tăng lên 80-90 chuyến/ngày và dịp Tết dương lịch vừa qua, khách du lịch đến Phú Quốc tăng đột biến.
Từ chỗ "trắng khách sạn" tiêu chuẩn từ 3 sao, hiện Phú Quốc có hơn 22.000 phòng lưu trú, trong đó hơn một nửa đạt tiêu chuẩn 3-5 sao, nhiều khách sạn đẳng cấp được vận hành bởi các tập đoàn danh tiếng quốc tế như Marriott, Accor Hotel, New World, Rosewood, InterContinental...
Du lịch bứt tốc không chỉ khiến đảo Ngọc "lột xác", tiếng tăm vươn xa trên thế giới, mà còn đem về doanh thu lớn cho ngân sách địa phương, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống cho người dân. Theo thống kê, giai đoạn 2010-2019, lượt du khách và doanh thu từ du lịch của Phú Quốc tăng trung bình 20-30%. Ngành du lịch - dịch vụ đóng góp 70% trong cơ cấu GDP của Phú Quốc, mang lại công ăn việc làm cho khoảng 70% dân số trên đảo.
Với tốc độ phát triển nhanh, mạnh trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là du lịch trong giai đoạn vừa qua, việc Phú Quốc trở thành thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam đã ghi một dấu ấn mới mang tính bước ngoặt trong lịch sử phát triển của đảo Ngọc. "Chiếc áo cơ chế mới" thành phố biển đảo cũng sẽ là bệ phóng để đảo Ngọc tăng tốc, bứt phá, sớm trở thành "Singapore mới của Châu Á" như kỳ vọng.