Phụ huynh "nhao nhao" vì Chủ tịch FPT Software cho con rút khỏi trường Amsterdam

17/08/2016 15:55 PM | Sống

Một số vị phụ huynh không đồng tình và băn khoăn khi ông Hoàng Nam Tiến cho con chuyển trường Hà Nội - Amsterdam, nhưng điều thú vị là cũng không ít bậc làm cha mẹ ngưỡng mộ vì quyết định này.

Đúng thời điểm sắp bước vào năm học mới, trên Facebook đang xôn xao với câu chuyện Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến cho con rút khỏi trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam nổi tiếng. Giống như ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ về câu chuyện này trong chương trình Chào buổi tối của VTC14 phát sóng vào tối ngày 14/8 vừa qua, cũng có không ít ý kiến trái chiều với quyết định chuyển trường này.

Một vị phụ huynh từng học qua trường Ams viết trên Facebook: "Theo cá nhân em và nhiều thế hệ học sinh đã từng học ở đây thì thấy là học trường Ams không hề nặng nề như anh Tiến tả. Thậm chí thời gian tham gia ngoại khoá hay các hoạt động khác còn rất nhiều, không phải tự nhiên mà học sinh trường Ams vẫn được đánh giá là năng động nhất trong số các trường cấp 3 ở Hà Nội".

Tương tự như vậy một phụ huynh khác viết tâm thư khẳng định vẫn rất cần thiết phải phấn đấu theo học các trường điểm: "Là phụ huynh chúng tôi, các con còn nhỏ xong cũng đều biết những trường top như chuyên Sư phạm, chuyên Khoa học Tự nhiên, chuyên ngữ, Ams, Chu, Phan, Việt Đức, Trần Phú, Minh Khai, Nguyễn Huệ... vẫn là niềm mơ ước của rất nhiều người. Học dốt trong trường chuyên còn hơn ngôi sao ở dân lập. Tôi không nghĩ sự khắt khe và yêu cầu cao của trường chuyên gây hại cho các cháu, đó chỉ là những thử thách rất phọt phẹt mà các cháu cần vượt qua. Chúng tôi không bắt con sống bằng ước mơ của chúng tôi nhưng hãy chấp nhận bước cùng những thử thách đó nếu có cơ hội, nhất là khi chúng tôi và con cái chúng tôi không dư dả về vật chất cũng như đảm bảo được công việc cho con cái sau này".

Đỡ gay gắt hơn nhưng vị phụ huynh lấy tên Tuan A. Phung cũng băn khoăn đặt câu hỏi: "Xin phép hỏi kinh nghiệm của bác Hoàng Nam Tiến - một người tôi chưa hân hạnh quen biết - vì chủ đề này rất cần thiết với gần như tất cả các phụ huynh... Một bộ phận không nhỏ, nói cách khác là đa phần, trẻ con chưa có tính tự giác và cần được rèn luyện để có kỹ năng tập trung và chăm chỉ, học/chơi đâu ra đó và làm việc hiệu quả. Việc này tôi nghĩ, ngay cả khi tính tự giác của bố mẹ không cao, cũng là kỹ năng rất nên đặt mục tiêu giúp con rèn luyện tốt hơn bố mẹ.

Vậy theo các bác nếu cho đi học các trường theo trường phái tự do (học ít môn, phát triển "personality" và thể chất...) và để cho trẻ con tự làm những gì mình thích mà chẳng may bọn trẻ thích chơi điện tử và đọc truyện tranh hơn học, có cách gì đảm bảo phát triển kỹ năng này một cách hệ thống cho trẻ con mà bố mẹ không phải tự biến mình thành hung thần hay quản ngục".

Tuy vậy, Chủ tịch FSoft cũng giải thích lại trên Facebook là không phải "chê" trường Ams mà chỉ vì nhìn nhận cốt lõi là cần phải "để con sống với ước mơ của con". Điều thú vị là trên Facebook vẫn luôn có đông đảo các bậc phụ huynh đã thể hiện sự đồng tình với quan điểm giáo dục từ gia đình rất tân tiến này.

Một vị phụ huynh là CEO công ty sách nhận định: "Ngưỡng mộ người anh, người thầy Hoàng Nam Tiến về quan điểm về cách dạy con, coi con là bạn, mong muốn con có được nhiều cơ hội thể hiện mình, trải nghiệm nhiều điều thú vị. Những quyết định đúng đắn, khác người của ba con anh Tiến phần nào đi ngược với mong muốn của nhiều người, xu thế của xã hội nhưng sẽ giúp cho các con em sẽ thành công hơn, thích nghi tốt, trở thành những con người Việt Nam xuất xắc trong cuộc sống hiện đại ngày nay".

Hay đơn giản gần gũi hơn, một người chia sẻ: "Em có xem bộ phim cậu con trai hỏi bố Tại sao con nhất quyết cứ là phải đến trường đi học? Có thể cho gia sư đến dạy học cho con? Bố trả lời: vì đi học bố mới gặp được 4 người bạn thân bây giờ. Bố mong con cũng vậy".

Nhìn chung sức ép học hành nặng nề trong giáo dục luôn đúng là vẫn luôn là đề tài tranh cãi nhưng hy vọng sau câu chuyện này mỗi vị phụ huynh đều có thể nhìn lại và tự rút ra một phương pháp động viên các con đúng đắn nhất.

Như một vị phụ huynh đã rút ra: "Mình đóng góp thêm là bằng hết khả năng của mình tạo điều kiện cho con tiếp xúc với mọi cơ hội, mọi cái mới trong điều kiện con có thể sắp xếp được thời gian mà không bị gò ép để con có thể xác định được đâu là ước mơ của mình. Là một người bạn của con thì có thể dựa vào kiến thức, kinh nghiệm của mình để đưa ra được những lời khuyên (không gò ép, bắt buộc) cho con trong việc định hướng tương lai, trong đó con là người quyết định cuối cùng".

Theo Anh Hào

Cùng chuyên mục
XEM