Phong Vũ "Bắc tiến" mang theo tham vọng thống trị mảng bán lẻ máy tính bằng dịch vụ

12/04/2018 19:55 PM | Kinh doanh

Cuộc chiến thị trường phần cứng tại Miền Bắc đang ngày càng trở nên sôi động, với sự tham gia của một Phong Vũ hết sức mạnh mẽ sau khi kết hợp với Tekshop

Vài năm trở về trước, nếu như nhắc đến mảng kinh doanh thiết bị máy tính, thì câu nói “Bắc Trần Anh, Nam Phong Vũ” có lẽ hết sức quen thuộc đối với rất nhiều người dân Việt Nam. Đây có thể coi là hai thương hiệu đi đầu trong lĩnh vực phần cứng máy tính và thiết bị văn phòng tại mảnh đất hình chữ S, với quy mô lớn cùng tuổi đời lên tới hàng chục năm. Ở thời kỳ mà mảng kinh doanh phần cứng vẫn còn sôi động, đây là những cái tên mà hầu hết mọi người đều nghĩ đến khi có ý định sắm cho mình một dàn máy tính.

Thế nhưng, với sự lên ngôi của điện thoại thông minh và các thiết bị di động khác, mảng kinh doanh phần cứng máy tính cũng dần thoái trào. Phong Vũ đối phó với tình trạng này bằng việc tấn công vào mảng khách hàng doanh nghiệp, còn Trần Anh thì chuyển hướng kinh doanh và mở rộng quy mô sang cả điện máy và thiết bị di động.

Và nếu như Trần Anh sau một thời gian dài bất chấp doanh thu để mở rộng thị trường ra khắp cả nước, để rồi phải bán mình cho Thế giới Di động, thì Phong Vũ vẫn quyết tâm bám trụ với mảng kinh doanh phần cứng máy tính, thông qua việc sáp nhập với TekShop diễn ra vào hồi đầu năm nay. Quả thực, trong thời kỳ mà mảng kinh doanh thiết bị máy tính và thiết bị văn phòng đang gặp khó, thì việc mở rộng qua mảng gaming gear trở thành nước đi hết sức có lợi cho Phong Vũ để tiếp tục đứng vững trên thị trường.

Sáp nhập Tekshop, Phong Vũ như hổ mọc thêm cánh

Tekshop là một cái tên tuy còn rất mới, nhưng đã có tiếng vang lớn trong thị trường gaming gear nhờ vào việc sở hữu chiến lược kinh doanh vô cùng bài bản và đứng đắn, cộng với việc tập trung chủ lực vào mảng thương mại điện tử - vốn là mảng kinh doanh vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Ban điều hành của Teko Việt Nam - đơn vị chủ quản của Tekshop - là ông Mai Thanh Bình, Founder của Vietnam Esport (hay còn là Garena Việt Nam) và ông Nguyễn Khánh Trình, CEO của CleverAds, đối tác lớn nhất của Google tại Việt Nam. Đây là hai doanh nhân có nhiều kinh nghiệm trong phát triển hoạt động kinh doanh tại Việt Nam suốt 10 năm qua, với mạng lưới trải dọc Bắc - Trung - Nam cũng như khu vực Đông Nam Á. Chính bởi vậy, Phong Vũ nhờ vào kinh nghiệm hàng chục năm trong việc quản lý và kinh doanh hệ thống các cửa hàng bán lẻ, kết hợp với nguồn lực mạnh mẽ cũng khả năng Marketing và sự nổi tiếng nhờ các hoạt động thương mại điện tử của Tekshop đã khiến Phong Vũ giống như hổ mọc thêm cánh, trở thành một thế lực mạnh mẽ có đủ sức mạnh để “càn quét” thị trường máy tính tại Việt Nam.

Phong Vũ Bắc tiến mang theo tham vọng thống trị mảng bán lẻ máy tính bằng dịch vụ - Ảnh 1.

Phong Vũ số 1 Thái Hà tấp nập ngày đầu khai trương

Chỉ ít lâu sau khi sáp nhập với Tekshop, Phong Vũ liền mở rộng thị trường ra khu vực miền Trung và miền Bắc, thông qua việc mở 2 showroom tại 2A Trần Đại Nghĩa, Hà Nội và 29 Nguyễn Lương Bằng, Đà Nẵng. Và ngày 09/04 vừa qua, Phong Vũ tiếp tục khai trương một showroom cực lớn tại vị trí vô cùng đắc địa tại địa chỉ số 1 Thái Hà - vị trí của Parkson trước đây. Việc Phong Vũ khai trương một showroom cực lớn như vậy trên con phố được mệnh danh là phố IT Thái Hà, giống như một lời tuyên chiến tới các ông lớn khác trong thị trường bán lẻ tại Hà Nội như An Phát PC hay Hà Nội Computer - cũng như hàng loạt cửa hàng máy tính khác đặt trên con phố này.

Bên cạnh đó, vị trí đặt Showroom của Phong Vũ cũng thể hiện rất rõ tham vọng của hãng này khi mở rộng hoạt động ra khu vực Hà Nội, khi mà Showroom Trần Đại Nghĩa nằm rất gần với bộ ba trường Đại Học là Bách Khoa - Kinh tế quốc dân - Xây dựng. Đây vốn là một mảnh đất hết sức màu mỡ của mảng kinh doanh phần cứng máy tính cũng như của các hàng net, nhờ vào đặc điểm của Bách Khoa và Xây dựng là rất đông sinh viên nam. Những con phố kinh doanh IT như Tạ Quang Bửu hay Lê Thanh Nghị phát triển rất mạnh trong quá khứ cũng là nhờ đặc điểm này.

Và chắc chắn, với mục tiêu phát triển đầy tham vọng mà Phong Vũ đang hướng tới là làm bá chủ thị trường bán lẻ tại một thị trường lớn như Hà Nội, thì hai showroom lớn tại Trần Đại Nghĩa và Thái Hà chỉ là những bước mở đầu. Vẫn còn rất nhiều khu vực tiềm năng khác mà Phong Vũ đang nhắm tới, như khu vực Hà Đông hay Long Biên - với đặc điểm của các đô thị trẻ đang trên đà, nhiều chung cư, trong khi vẫn chưa có nhiều đối thủ đặt chân đến.

Mặc dù mảng thị trường phần cứng máy tính phổ thông cũng như văn phòng có dấu hiệu ảm đạm, nhưng mảng gaming cũng như máy tính kinh doanh phòng net lại là một thị trường màu mỡ đang trên đà phát triển, cũng là miếng bánh lớn mà rất nhiều nhà bán lẻ muốn có phần. Theo dự báo, doanh thu từ thị trường game của Việt Nam sẽ đạt mức 600 triệu USD vào năm 2020, với tốc độ tăng trưởng thuộc hàng top của khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh việc cố gắng "đè bẹp" các đối thủ cạnh tranh khác như An Phát hay HNC thông qua việc đặt các cửa hàng có quy mô lớn và vị thế đắc địa, con bài mà Phong Vũ sử dụng để làm lợi thế cạnh tranh chủ đạo chính là mảng dịch vụ chăm sóc khách hàng. Khi mà các chính sách về giá bán và các chương trình khuyến mại sẽ chỉ đến một giới hạn nhất định mà thôi, thì yếu tố xác định sự sống chết của các nhà bán lẻ chính là ở các dịch vụ sau bán hàng như sửa chữa, bảo hành, chăm sóc khách hàng, v...v...

Phong Vũ Bắc tiến mang theo tham vọng thống trị mảng bán lẻ máy tính bằng dịch vụ - Ảnh 2.

Dịch vụ bảo hành tận nhà của Phong Vũ, với các gói dịch vụ 6 tháng, 1 năm dành cho những tỉnh thành mà có chi nhánh của cửa hàng hoạt động.

Bên cạnh đó, mảng dịch vụ Online của Phong Vũ cũng có lợi thế hơn hẳn các nhà bán lẻ khác, nhờ vào việc sở hữu đội ngũ của Tekshop - vốn đã có tiếng từ mảng hoạt động thương mại điện tử. Kết hợp với các dịch vụ ship máy cũng như ráp máy tại nhà, tư vấn online, sửa chữa bảo dưỡng tận nhà, có thể thấy mục tiêu và tham vọng của Phong Vũ trong mảng dịch vụ chăm sóc khách hàng là vô cùng to lớn.

Mảng thị trường phòng máy chơi game cũng là một mảnh đất màu mỡ mà nhiều nhà phân phối nhắm tới, và Phong Vũ cũng không phải ngoại lệ. Nếu như Mai Hoàng đóng vai trò giúp CSM của Vinagame mở rộng thị phần tại các phòng máy trên cả nước, thì Phong Vũ, sau khi sáp nhập với Tekshop và trở thành đối tác của Teko Việt Nam, sẽ đóng vai trò cung cấp phần cứng cho các phòng máy sử dụng phần mềm Gcafe. Đây cũng là một trong những lý do mà Teko tham gia vào thương vụ Phong Vũ trước đây: họ cần một nhà bán lẻ có đủ kinh nghiệm và sức ảnh hưởng để mở rộng hệ sinh thái Gcafe cho mình. Vậy nên, chắc chắn lợi thế của Phong Vũ so với các nhà phân phối khác cho những phòng máy muốn sử dụng phần mềm quản lý Gcafe sẽ là rất lớn.

Với sự tham gia của một cái tên "tuy mới mà chẳng mới" như Phong Vũ tại thị trường bán lẻ phần cứng máy tính tại Hà Nội, trong thời gian tới cuộc chiến thị phần tại thủ đô chắc chắn sẽ càng trở nên sôi động hơn. Các nhà bán lẻ khác tại Hà Nội sẽ làm gì để có thể cạnh tranh với đối thủ mới này? Chắc chắn chỉ ít lâu nữa, chúng ta sẽ có được câu trả lời cho câu hỏi này.

Theo Koroe

Từ khóa:  phong vũ
Cùng chuyên mục
XEM