Phóng viên Nhật Bản ngỡ ngàng: "Triều Tiên ngày càng giàu có hơn, tràn ngập tình yêu và tiếng cười"
"Người tài xế giữ chặt đũa, nâng chén trà, mắt không rời khỏi màn hình và nở nụ cười rất tươi khi xem chương trình về chuyến thăm của ông Kim Jong Un," phóng viên Hatsuzawa kể.
Sự khác biệt rõ rệt
Phóng viên Nhật Bản Hatsuzawa Ari - người liên tục tới thăm Triều Tiên từ năm 2011 - cho biết anh đã nhận thấy sự chuyển biến rõ rệt trên đất nước này kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un lên nắm quyền.
Sau nhiều năm trở lại, sự thay đổi trong xã hội ở "quốc gia khép kín" nhanh tới độ khiến anh Ari cảm thấy "choáng ngợp".
Theo lời kể của anh, "làn gió" đổi mới có thể cảm nhận ngay từ sân bay. Anh nhớ lại, hồi năm 2012, hành khách Triều Tiên trên máy bay chủ yếu là những người đàn ông nghiêm nghị, mặc quân phục đã cũ. Tiếp viên người Triều Tiên không biểu lộ nhiều cảm xúc, không cười, vô tình tạo nên bầu không khí im lặng, căng thẳng bao trùm suốt chuyến bay.
Phóng viên Nhật Bản Hatsuzawa Ari
Khi anh định sử dụng máy ảnh, họ nhanh chóng tiếp cận, xua tay và yêu cầu thẳng thắn: "Xin đừng chụp hình".
Nhưng tới tháng 12/2016, mọi chuyện đều khác. Tại Bắc Kinh, khi chuyển tiếp sang chuyến bay của hãng Air Koryo để tới Bình Nhưỡng, anh Ari bắt gặp những phụ nữ Triều Tiên trong bộ đồ hiện đại. Bầu không khí trong máy bay cũng thoải mái hơn rất nhiều.
Các tiếp viên đã cởi mở hơn và thỉnh thoảng trò chuyện trong chuyến bay. Họ cũng không cản anh Hatsuzawa khi anh muốn chụp hình những phụ nữ Triều Tiên - một sự thay đổi mà anh không thể tưởng tượng được 4 năm trước đây.
"Hồi đó, không hành khách nào nói chuyện trên máy bay. Kể cả khi có người nói với nhau, các tiếp viên cũng yêu cầu họ trật tự. Thật khó tin!"
Chuyến thăm Triều Tiên năm 2016 để lại nhiều ấn tượng khó tin và bất ngờ hơn cho phóng viên Hatsuzawa, đặc biệt tại trung tâm của Bình Nhưỡng.
"So với năm 2012, số xe nội địa mới đã tăng gấp 3 lần," anh nói.
Hình ảnh những nữ cảnh sát giao thông tại các ngã tư cũng khiến phóng viên Nhật Bản bất ngờ.
Anh cho biết một nữ cảnh sát Triều Tiên đã mỉm cười để anh chụp hình.
"Trước đây, mỗi khi tôi cố gắng chụp họ, họ sẽ nghiêm mặt lại và một số người còn báo cáo với các sĩ quan khác về hành vi của tôi. Tôi không thể tin nổi một nữ cảnh sát giao thông Triều Tiên lại tạo dáng để tôi chụp. Đây là điều hiếm gặp trong giai đoạn trước đây".
Tuần trước, anh Hatsuzawa đã công bố loạt ảnh chụp được trong quyển sách với tựa đề "Những người hàng xóm", khắc họa cư dân Triều Tiên anh đã gặp khi tới Bình Nhưỡng, Sinuji, Hoeryong và những thành phố lớn khác.
Hình nữ cảnh sát giao thông trong bộ đồng phục trắng, váy xanh là một trong những ảnh anh chọn làm bìa cho phiên bản Hàn Quốc của bộ sưu tập.
Nữ cảnh sát giao thông Triều Tiên. Ảnh: Hatsuzawa Ari
Thay đổi trong giới trẻ
Tại Triều Tiên, văn hóa hẹn hò cũng dần thay đổi khi người trẻ cởi mở hơn trong việc thể hiện tình cảm của mình với đối phương.
Anh Hatsuzawa cho biết, ở Bình Nhưỡng, không khó để bắt gặp cảnh những nam nữ thanh niên ngồi cạnh nhau tại những địa điểm công cộng như nhà hàng. Một số cặp đôi còn chụp ảnh selfie, khoác vai nhau.
"Tôi chưa bao giờ thấy những hình ảnh tương tự trong chuyến thăm trước đây," anh nói.
Kim Young-hee, một người Triều Tiên làm việc tại Ngân hàng Phát triển, chỉ vào nhà lãnh đạo Kim Jong Un và nêu quan điểm: "Ông ấy [Kim Jong Un] xuất hiện cùng phu nhân Ri Sol-ju và đôi lúc còn nắm tay bà ấy. Ở những quốc gia khác, điều đó là bình thường. Nhưng ở Triều Tiên, đó là sự thay đổi lớn lao".
Cô Kim cho biết cách lãnh đạo của ông Kim Jong Un có nhiều khác biệt so với người cha Kim Jong-il.
"Trước đây, hầu như ông Kim Jong-il không bao giờ xuất hiện cùng phu nhân".
Hình ảnh của bà Ri Sol-ju cũng có tác động mạnh mẽ tới giới trẻ Triều Tiên.
"Chuyện này còn gây ảnh hưởng tới văn hóa hẹn hò trong tầng lớp thanh niên. Cách cư xử của bà Ri trước công chúng, thời trang và mọi thứ liên quan đến đệ nhất phu nhân Triều Tiên đều tác động tới giới trẻ. Tại Triều Tiên, làn sóng thay đổi tới từ những nhân vật chính trị hơn là người nổi tiếng trong giới giải trí," cô Kim nhận định.
Cặp đôi người Triều Tiên tại nhà hàng sang trọng. Ảnh: Hatsuzawa Ari
Dẫn các nguồn tin, Hatsuzawa cho biết làn sóng thay đổi ở Triều Tiên khởi đầu từ năm 2013, hai năm sau khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền.
Theo phóng viên Nhật Bản, không như cha và ông nội - những người điều hành đất nước với tư tưởng chính chị nghiêm khắc, ông Kim Jong Un hướng tới đời sống của người dân nhiều hơn.
Kể lại trải nghiệm khi tới thăm thành phố biển Wonsan ở miền đông hồi năm 2012, ông Hatsuzawa cho biết người dân Triều Tiên có vẻ yêu mến ông Kim Jong Un.
"Đó là khoảng 3 ngày trước khi tôi trở về nhà và bốn người chúng tôi - một tài xế và hai hướng dẫn viên Triều Tiên - xem TV trong khi ăn tại nhà hàng ở Wonsan. TV lúc đó chiếu chương trình dài gần 30 phút nói về chuyến thăm của nhà lãnh đạo Kim Jong Un tại một địa điểm. Người tài xế giữ chặt đũa, nâng chén trà, mắt không rời khỏi màn hình, xem chăm chú và nở nụ cười rất tươi. Trước khi xem TV, gương mặt ông có phần đăm chiêu, buồn bã."
Dựa trên những cuộc đối thoại với người dân Triều Tiên, ông Hatsuzawa nhận thấy sự thay đổi trong xã hội là phản ánh rõ nét của chính sách ưu tiên con người từ chính quyền ông Kim Jong Un. Thực tế có thể thấy chính sách này đã gặt hái được nhiều thành tựu khi mức sống của người dân đã cải thiện qua các năm.
"Hàng loạt cấm vận" đã vô tình giúp Triều Tiên phát triển trong một số mặt nhất định.
"Vì có quá nhiều cấm vận, Triều Tiên không thể xuất khẩu than và các sản phẩm hải sản. Than đá chất lượng được dùng cho các nhà máy điện, và điều này cuối cùng lại giúp Triều Tiên thoát khỏi gánh nặng thiếu điện. Ngoài ra, người dẫn cũng được hưởng nguồn cung hải sản tốt với giá rẻ," một chuyên gia đánh giá.
Không giống như những người tiền nhiệm, ông Kim Jong Un ngày hôm nay đã đề cao và chăm lo đời sống người dân, khẳng định sự no đủ của dân chúng quan trọng ngang với tiềm lực và sức mạnh quân sự.