Phong toả để chống dịch nhưng không ngăn sông cấm chợ

30/01/2021 08:16 AM | Xã hội

Tránh trường hợp ngăn sông cấm chợ không cần thiết, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Y tế phải có ngay danh sách vùng nào, địa bàn nào coi như vùng dịch, đưa lên trang thông tin chính thức của Bộ.

Chiều 29-1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh về những công việc đã triển khai để lấy mẫu, khoanh vùng, cách ly, xử lý các ổ dịch tại 2 địa phương này.

Kiến nghị phong tỏa ngay lập tức một số điểm nóng "như Sơn Lôi"

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lương Văn Cầu cho biết địa phương đã hoàn thành việc tìm kiếm, truy vết được toàn bộ công nhân Công ty POYUL, đang tích cực chuẩn bị các cơ sở phục vụ cách ly trên diện rộng; thiết lập 3 cơ sở điều trị cho người nhiễm Covid-19 . TP Chí Linh đã hoàn thành truy vết và yêu cầu toàn bộ công nhân Công ty POYUL có mặt để cách ly tập trung.

 Phong toả để chống dịch nhưng không ngăn sông cấm chợ  - Ảnh 1.

Ảnh: VGP

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương nhấn mạnh đoàn công tác hỗ trợ của Bộ Y tế là vô cùng cần thiết nhất là đối với tốc độ lây nhiễm của biến thể mới và mong muốn tiếp tục được hỗ trợ hoá chất khử trùng, sát khuẩn, trang phục bảo hộ cho nhân viên y tế…

PGS-TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, kiến nghị một số điểm nóng dịch tễ ở TP Chí Linh phải phong toả ngay lập tức, cách ly như Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), "phong toả trong phong toả", làm rất mạnh mẽ, truy từng nhà. Đây là những xã có ca nhiễm là công nhân Công ty POYUL.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh cho biết đã truy vết được 10.000 người, lấy được khoảng 5.000 mẫu để xét nghiệm. Hiện nay cơ bản ổ dịch ở sân bay Vân Đồn đã truy tới F4. Quảng Ninh đã phong toả một số điểm dân cư ở thị xã Đông Triều gần TP Chí Linh. Tiếp tục theo dõi tiếp các mẫu xét nghiệm trong cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng hiện nay các khu cách ly của quân đội thực hiện rất tốt, đảm bảo quy trình nghiêm ngặt, vì vậy các cơ sở cách ly tập trung bên ngoài ở TP Chí Linh nên có sự tham gia của lực lượng quân đội. Đây là điều hết sức cần thiết.

Về công tác điều trị, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị đối với những bệnh nhân đang điều trị ở BV Chí Linh chuyển ra bên ngoài phải được xét nghiệm, có khu cách ly riêng. Các BV dã chiến phải hết sức chú ý trong thiết lập đơn vị hồi sức cấp cứu.

"Tỉnh Hải Dương cần đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu, tăng cường năng lực xét nghiệm tại chỗ. Bộ Y tế sẽ hết sức hỗ trợ tỉnh về chuyên gia, năng lực xét nghiệm, điều trị. Tuy nhiên với phương châm bốn tại chỗ trong chống dịch thì các quyết định tại chỗ, nguồn lực tại chỗ cũng hết sức quan trọng"- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn trao đổi.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, Tổ trưởng Tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng, chống Covid-19, cho rằng trong thời gian tới, Hải Dương tiếp tục tăng cường truy vết F1, F2, F3; lấy mẫu ngẫu nhiên trong cộng đồng, trường học, quán ăn, nhà hàng lớn có tổ chức các sự kiện trong tháng 1-2021.

Đối với ổ dịch sân bay Vân Đồn, Tổ thông tin đã cung cấp danh sách hành khách trên tất cả các chuyến bay từ Vân Đồn từ ngày 15-1 trở lại đây, liên lạc, thông báo với các hành khách, thông báo cho CDC các địa phương để truy vết, lấy mẫu xét nghiệm.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, qua bài học ở Công ty POYUL cho thấy công tác phòng chống dịch bệnh ở cơ sở sản xuất, nhà máy có sự lơ là, chủ quan. Vì vậy, các địa phương phải tiếp tục chấn chỉnh, đôn đốc, kiểm tra phòng chống dịch bệnh trong nhà máy, công xưởng. Các cơ sở này phải ký cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Các doanh nghiệp, khu công nghiệp khác phải lấy trường hợp ổ dịch ở Công ty POYUL làm bài học.

Diễn biến các ổ dịch đúng như dự đoán

 Phong toả để chống dịch nhưng không ngăn sông cấm chợ  - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại buổi họp. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh phải tiếp tục tinh thần tranh thủ từng giờ từng phút, thần tốc. "Từ lúc tôi yêu cầu Hải Dương phải tập trung cao độ, làm sao để trong 10 ngày phải khoanh vùng, dập dịch triệt để đến nay đã qua gần 2 ngày, chúng ta còn 8 ngày phía trước. Toàn bộ lực lượng phải phấn đấu giữ được lời hứa này"- Phó Thủ tướng nói.

Về công tác truy vết, Phó Thủ tướng hoan nghênh Bộ Y tế, tỉnh Hải Dương, đặc biệt là tỉnh Quảng Ninh, đã truy vết rất nhanh với sự hỗ trợ của Tổ thông tin và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã lấy hết mẫu F3, một số nơi đã lấy sang F4. TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương) cũng đã rất khẩn trương, với sự điều phối, giúp đỡ của Bộ Y tế, cơ bản truy vết, lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ nhóm đối tượng có nguy cơ cao với hơn 5.000 mẫu.

Đến nay đã có thêm 47 ca dương tính nữa ở TP Chí Linh. Ở thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh), tiếp giáp TP Chí Linh, có 3 ca lây nhiễm sau khi tiếp xúc với công nhân Công ty POYUL.

"Như vậy, đến nay, cơ bản tình huống diễn biến các ổ dịch đúng như dự đoán ban đầu... Hôm nay ghi nhận thêm 54 ca nhiễm, và những ngày tới có thể có thêm những ca mới ở một số địa phương sau khi chúng ta kích hoạt toàn bộ hệ thống truy vết, nhưng không đáng ngại và không vì thế mà hoang mang, thay đổi. Chúng ta không chủ quan, nhất định phải tiếp tục hành động quyết liệt, thần tốc hơn nữa"- Phó Thủ tướng nói và yêu cầu tỉnh Hải Dương tiếp tục truy vết, đặc biệt với khu vực TP Chí Linh; tập trung vào việc tổ chức cách ly.

Trên địa bàn TP Chí Linh cần xác định những khu nhỏ hơn, có nguy cơ cao hơn để tập trung lực lượng làm kỹ, nghiêm ngặt, chặt chẽ, dứt khoát không để lây lan ra cộng đồng.

"Tất cả người có kết quả xét nghiệm âm tính hôm nay không có nghĩa là an toàn vì có thể bị nhiễm rồi nhưng xét nghiệm chưa đến ngưỡng phát hiện. Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu 3, tận dụng tối đa mọi cơ sở trên địa bàn TP Chí Linh và khu vực lân cận để thiết lập các khu cách ly"- Phó Thủ tướng lưu ý và yêu cầu, không chỉ doanh trại, ở TP Chí Linh có những địa điểm có thể sử dụng làm nơi cách ly như các trường học có ký túc xá, nhưng phải có sự hỗ trợ, chi viện của lực lượng quân đội.

Trong công tác điều trị, Phó Thủ tướng đánh giá cao Bộ Y tế rất tích cực xây dựng các bệnh viện dã chiến, đồng thời lưu ý các bệnh viện này trước mắt phải lên phương án sử dụng ngay để làm khu cách ly tập trung. Vì Hải Dương là địa phương có điều kiện đi lại thuận lợi, thực tiễn 1 năm nay cho thấy, các ca có biểu hiện diễn biến nặng chuyển lên nơi có đủ năng lực cứu chữa.

Không ngăn sông cấm chợ

"Thủ tướng đã ra lệnh phong toả TP Chí Linh nhưng đây là địa phương có nhiều tuyến đường rất quan trọng về giao thương, vì vậy, các địa phương phải quán triệt tinh thần phong toả để chống dịch nhưng không ngăn sông cấm chợ. Các phương tiện vận tải hàng hoá di chuyển trên các tuyến quốc lộ phải thực hiện nghiêm yêu cầu cấm dừng, đỗ, để giải toả hàng hoá, thông thương"- Phó Thủ tướng nói.

Tránh trường hợp ngăn sông cấm chợ không cần thiết, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế phải có ngay danh sách vùng nào, địa bàn nào coi như vùng dịch, đưa lên trang thông tin chính thức của Bộ để các địa phương buộc người dân phải khai báo y tế khi đi qua vùng dịch, không phóng đại lên quá mức cần thiết.

BTN

Cùng chuyên mục
XEM