Phòng chăm sóc đặc biệt: Từ áp lực Thế chiến II, phát triển nhờ bệnh bại liệt cho đến công thần mùa dịch Covid-19
Với sự lây lan của dịch Covid-19, khái niệm phòng chăm sóc đặc biệt (Intensive Care Unit-ICU) đã không còn xa lạ với những bệnh nhân phải dùng máy thở. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng ICU vốn chẳng hề được các bệnh viện quan tâm cho đến tận thập niên 1930 và chúng vốn cũng không phải dùng để chống dịch bệnh.
Áp lực từ Thế chiến II
Bác sĩ Harvey Cushing là một chuyên gia giải phẫu não vô cùng nổi tiếng thập niên 1930. Ông là người có tính cách lạnh lùng, cục cằn, khắt khe nhưng cũng là một trong những bác sĩ thành công nhất ở mảng giải phẫu não.
Tại thời điểm đó, khoảng 80% số bệnh nhân phẫu thuật não sẽ tử vong do thất bại hoặc các biến chứng khác hậu phẫu. Tuy nhiên ở bệnh viện của Cushing, tỷ lệ tử vong chỉ vào khoảng 8%.
"Ông ấy là một tượng đài khai sinh ra ngành giải phẫu thần kinh học", Giáo sư Dennis Spencer của trường đại học Yale nhấn mạnh.
Bác sĩ Harvey Cushing
Trước thập niên 1930, rất nhiều bệnh nhân trải qua phẫu thuật đã tử vong sau đó do không được chăm sóc đúng cách. Nhiều trường hợp việc giải phẫu khá đơn giản những những biến chứng sau đó mới là nguyên nhân chết người khiến nạn nhân tử vong.
Xin được nhắc đây là khoảng thời gian kháng sinh chưa được sản xuất nhiều và có giá vô cùng đắt đỏ. Hợp chất kháng sinh Penicilin mới chỉ được phát hiện vào năm 1928 bởi Alexander Fleming và mỗi liều kháng sinh đều có giá cao hơn cả vàng trong Thế chiến II khi chúng có thể cứu thương binh khỏi nhiễm trùng.
Tương tự, những cuộc phẫu thuật như của bác sĩ Cushing cũng chứa nhiều rủi ro như nhiễm trùng hay các di chứng khác. Hệ quả là bác sĩ Cushing phải áp dụng những tiêu chuẩn vô cùng khắt khe trong phẫu thuật, từ khử trùng thiết bị cho đến mặc đồ bảo hộ. Đặc biệt, chính bác sĩ Cushing là một trong những người đi tiên phong trong sử dụng phòng hồi sức hậu phẫu để giảm tỷ lệ tử vong của bệnh nhân.
"Vào thời kỳ đó, không có nhiều bác sĩ quan tâm đến bệnh nhân sau khi đã phẫu thuật xong", Giáo sư Spencer cho biết.
Bác sĩ Cushing đã thực hiện hàng loạt những biện pháp khắt khe nhằm theo dõi người bệnh hậu phẫu, đồng thời lưu trữ cẩn thận tình hình bệnh nhân sau đó để đảm bảo họ hoàn toàn khỏe mạnh sau quá trình giải phẫu. Mỗi bệnh nhân đều được chăm sóc đặc biệt bởi một đội ngũ y tế và đây cũng là nơi khởi sinh của phong trào ứng dụng rộng rãi việc soi x-quang và kiểm tra huyết áp.
"Có lẽ chính những phòng chăm sóc hậu phẫu đã làm nên điều thần kỳ cho Cushing hơn là tài năng phẫu thuật của ông ấy. Các y tá và nhân viên y tế đều hiểu rằng nếu giường bệnh không được sắp xếp gọn gàng, ga trải giường không sạch hoặc bị bệnh nhân phàn nàn thì họ sẽ gặp rắc rối to với Cushing", Giáo sư Spencer cho biết.
Có thể nói, tiêu chuẩn chăm sóc hậu phẫu làm nên thành công của Cushing là tiền đề cho những phòng chăm sóc đặc biệt ngày nay, nơi các bệnh nhân được bao quanh bởi những máy móc, thiết bị y tế hiện đại.
Tỷ lệ tử vong thấp của Cushing đã khiến ngày càng nhiều bệnh viện quan tâm đến tiêu chuẩn vệ sinh khắt khe và ý tưởng về chăm sóc hậu phẫu. Đến Thế chiến II, nhu cầu hạ thấp tỷ lệ tử vong hậu phẫu cho thương binh đã thúc đẩy ngày càng nhiều bệnh viện áp dụng các tiêu chuẩn vệ sinh và chăm sóc đặc biệt trước áp lực có quá nhiều bệnh nhân từ chiến trường.
Phẫu thuật trước năm 1930 là điều khá nguy hiểm do dễ nhiễm trùng và di chứng
Đến thập niên 1950, hàng loạt những cuộc phẫu thuật tiên phong, ví dụ như cấy ghép tim lần đầu tiên trên thế giới, đã tiếp tục buộc các bệnh viện sử dụng ngày càng nhiều nguồn lực cho phòng chăm sóc đặc biệt.
Tuy nhiên đến tận đây, phòng chăm sóc đặc biệt vẫn chỉ được dùng cho bệnh nhân hậu phẫu mà chưa trở thành công cụ chủ chốt chống các đại dịch trên thế giới. Thêm nữa, những phòng này có rất ít thiết bị do chủ yếu mang tính theo dõi sự hồi phục của các bệnh nhân chứ chưa được hiện đại như ngày nay.
Vai trò của bệnh bại liệt
Trong nửa đầu thế kỷ 20, mỗi năm có tới hàng chục nghìn bệnh nhân trên thế giới nhiễm bệnh bại liệt. Đại dịch này thường bùng nổ vào mùa hè khiến nạn nhân có các triệu chứng như cúm. Đến khi virus tấn công hệ thống thần kinh sẽ khiến nạn nhân bất tỉnh, khó thở và tử vong. Những người may mắn sống sót thường mặc chứng bại liệt một phần cơ thể hoặc mất một phần chức năng của hệ thống hô hấp.
Vào tháng 8/1952, bệnh viện Blegdam Hospital tại thủ đô Copenhagen- Đan Mạch nhận tới hàng trăm trường hợp nhiễm dịch bại liệt và rất nhiều nạn nhân tử vong không lâu sau đó. Do không có phương thuốc chữa trị cũng như Vaccine nên biện pháp duy nhất là áp dụng máy thở vốn còn khá thô sơ với công nghệ thời đó.
Bệnh nhân bại liệt có triệu chứng khó thở sẽ được đặt trong các hòm sắt, bên trong có chứa hệ thống áp lực kéo giãn phổi để hút vào không khí. Một hệ thống nữa cũng được gắn vào ngực bệnh nhân để trợ giúp các cơ phổi hoạt động. Những chiếc máy này là tiền thân của máy trợ thở ngày nay và hồi đó mang biệt danh là "Phổi sắt" (Iron Lung).
Máy "Phổi sắt"
Tuy nhiên vào năm 1952, toàn thủ đô Copenhagen chỉ có 1 chiếc máy như vậy nhưng có tới 316 bệnh nhân cần trợ thở vì dịch bại liệt.
"Cảnh tượng thời kỳ đó thật thảm khốc. Hơn 300 bệnh nhân nằm đó chờ chết", Chuyên gia Fiona Kelly của Bệnh viện Royal United Hospital cho biết.
Ngay lập tức bệnh viện Blegdam phải nhóm họp tìm biện pháp và một trong số đó là dòng dây dẫn thơ vào ngực bệnh nhân thay vì tạo sức ép từ bên ngoài. Đây vốn là biện pháp chỉ được dùng trong phẫu thuật khi bệnh nhân không thể tự thở và rất phức tạp bởi cần gây mê cũng như đưa chúng qua đường miệng vào phổi.
Khi đó, các bác sĩ đã đề nghị một phương án mới là rạch một đường nhỏ trên cổ nạn nhân rồi đưa ống vào phổi. Những ống này sẽ được nối với các túi khí có thể co bóp được bằng tay.
Sau khi phương án này được thực hiện, hàng trăm bác sĩ, y tá, nhân viên y tế và thậm chí là sinh viên y khoa đã được huy động để bóp túi khí trợ thở cho các bệnh nhân hàng ngày.
Sáng kiến cứu hàng trăm mạng người này đã tạo tiền đề thành lập nên ICU với những máy móc trợ thở tối tân ngày nay và phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện Blegdam cũng được coi là ICU hiện đại đầu tiên trên thế giới.
Ngày nay, hàng chục nghìn người trên thế giới được cứu sống nhờ sự tồn tại của ICU. Tại Anh, khoảng ¾ bệnh nhân từng năm ở ICU đã được cứu sống khỏi các ca bệnh khó. Thậm chí trong thời dịch Covid-19, ICU trở thành công cụ gần như duy nhất giữ mạng sống cho những bệnh nhân nặng.
Tuy nhiên Giáo sư Spencer nhận định ICU ngày nay đang dần thay đổi khi có quá nhiều máy móc. Hệ quả là bác sĩ có quá nhiều thông tin về sức khỏe bệnh nhân và họ cần trình độ hoặc công cụ để tổng hợp, phân tích những dữ liệu này. Dẫu vậy cho dù thay đổi thế nào, công lao của những bác sĩ, bệnh viện sáng tạo ra ICU là không thể thay đổi.
"Công lao mà họ tạo ra là không thể đo đếm. Chúng ta nợ những người đi trước rất nhiều thứ", Giáo sư Spencer thừa nhận.