Phổi tổn thương nặng sau khi nhiễm Covid-19, người vợ thoi thóp đợi từng bình oxy của chồng: "Bà ơi, đừng bỏ tui lại một mình…"
Trong tiếng thở gấp gáp, lời thì thầm của chú Tùng khiến cô Hương bật khóc. Covid-19 đã cướp đi chuỗi ngày bình yên, hạnh phúc nhất của hai vợ chồng, thay vào đó là nỗi sợ lạc mất nhau…
Hai phổi tổn thương nặng sau khi nhiễm Covid-19
Ông ơi, nước, lấy cho tôi miếng nước…", nghe tiếng nói đứt đoạn của vợ vang lên trong căn trọ ọp ẹp, chú Tùng vội vàng bỏ bình oxy xuống đất, luýnh quýnh vào nhà, người nhễ nhại mồ hôi.
Trong căn trọ chưa đầy 15m2 ở số 584/1 đường Hồ Học Lãm (phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân), chú Nguyễn Thanh Tùng (52 tuổi) cố đỡ vợ ngồi dậy rồi cặm cụi lau người, động viên cô Hương: "Bà ơi, bà ráng lên nha, đừng bỏ tui lại một mình…".
Đưa tay quệt nước mắt, chú Tùng cho biết hơn 2 tháng qua, cuộc sống của vợ chồng chú như chìm vào bế tắc khi bệnh tình của cô Phạm Thị Thu Hương (52 tuổi) không có dấu hiệu thuyên giảm.
Dù đã khỏi Covid-19 và được cho xuất viện từ 13/11 nhưng đến nay, những di chứng hậu Covid-19 gây ra cho cô Hương vẫn rất nặng nề. Trải qua 2 BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp và BV Quân y 175, với chẩn đoán viêm phổi diện rộng, suy hô hấp, tăng huyết áp…, sự sống của cô Hương hoàn toàn phụ thuộc vào máy móc, oxy.
"Chú cứ nghĩ rằng cô đã khỏi Covid-19 rồi thì điều trị vài hôm sẽ khỏe lại như cũ. Mà qua bên đó cô cũng phải thở oxy, được mười mấy ngày thì tiền nhiều quá, chú chịu không nổi, nghe mọi người giới thiệu chuyển qua bệnh viện khác tiền thở oxy, giường bệnh sẽ nhẹ hơn. Nhưng rồi chú không đủ tiền, lo không nổi mới xin cho cô về nhà" nói đến đây, chú Tùng bật khóc.
Chú Tùng òa khóc khi nhắc đến bệnh tình của vợ, không tiền - không bạc, chú chẳng biết làm cách nào để cứu vợ mình
"Nằm viện mấy chục ngày bả vẫn không bớt, phải thở oxy, mà chú hết khả năng rồi, phải đưa về nhà chứ không làm khác được. Chú sợ lắm, sợ bả chịu không nổi mà bỏ mình đi, nhưng biết làm sao bây giờ…".
Theo chú Tùng, sau khi cả 2 phát hiện nhiễm Covid-19 hôm 1/10, cô chú được đưa vào BV Dã chiến số 13 để điều trị. Do sức khỏe yếu, 4 ngày sau khi nhập viện, cô Hương đã phải thở máy, HFNC. Sau khi khỏi Covid-19, chú Tùng xin ở lại bệnh viện để chăm sóc cho vợ, giúp cô Hương vượt qua nỗi sợ, cùng nhau chiến đấu để quay trở về nhà.
Ngày 13/11, sau hơn 40 ngày nằm viện, cô Hương đã âm tính với SARS-CoV-2 và được chỉ định chuyển sang BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp (quận 8, TP.HCM) để điều trị hậu Covid-19.
"Chú cứ nghĩ rằng cô đã khỏi Covid-19 rồi thì điều trị vài hôm sẽ khỏe lại như cũ. Mà qua bên đó cô cũng phải thở oxy, được mười mấy ngày thì tiền nhiều quá, chú chịu không nổi, nghe mọi người giới thiệu chuyển qua bệnh viện khác tiền thở oxy, giường bệnh sẽ nhẹ hơn. Nhưng rồi chú không đủ tiền, lo không nổi mới xin cho cô về nhà", chú Tùng nghẹn lời.
Chú Tùng không quản ngại khó khăn, lúc nào cũng túc trực bên cạnh động viên cô Hương
Vì cô Hương mất CMND, không có thẻ BHYT nên sau khi vào 2 bệnh viện để điều trị hậu Covid-19, chưa đầy 1 tháng, viện phí đã lên đến 50 triệu khiến chú Tùng bất lực, đau đớn đưa vợ về nhà "chờ chết".
"Giờ nằm viện 1 ngày lên đến gần 2 triệu, chú đâu có kham nổi, tiền không có nên chú mới xin bác sĩ cho về nhà, bác sĩ bảo về phải có oxy để thở, chứ cô không tự thở được", chú Tùng nói.
"Bà ơi, đừng bỏ tui lại một mình…"
Sau khi trở về nhà hôm 10/12, nhờ có sự hỗ trợ của Trạm Oxy 0 đồng, mỗi ngày chú Tùng đều đi chở 4-6 bình oxy lớn để duy trì sự sống cho cô Hương.
Mỗi ngày, chú Tùng phải chở 4-6 bình oxy để giúp vợ nuôi hi vọng sống tiếp
Nằm một góc trong căn trọ ọp ẹp, cô Hương đưa đôi tay vuốt ngực, cố gắng thở oxy qua mặt nạ, vẻ mệt mỏi. Dù đã khỏi Covid-19 hơn 1 tháng rưỡi nhưng cho đến nay, tình hình sức khỏe của cô Hương vẫn trong tình trạng yếu, không có tiến triển khi phổi còn tổn thương nặng, ho nhiều, huyết áp cao.
"Cô mệt lắm, không biết sao lại bệnh nặng như vậy, khó thở, ho, cô sợ, sợ mình chết đi…", cô Hương ứa nước mắt.
Tại 2 bệnh viện điều trị hậu Covid-19, cô Hương được cho thở oxy, dùng kháng sinh, long đàm, kháng viêm, kháng đông, nâng đỡ tổng trạng phục hồi chức năng. Sau khi về nhà vì hết khả năng chi trả, cô Hương chỉ biết nằm một chỗ, sự sống hoàn toàn phụ thuộc vào từng bình oxy miễn phí mà chú Tùng mang về.
Ngồi cạnh vợ, chú Tùng cho biết tuy không đăng ký kết hôn nhưng 2 vợ chồng đã sống với nhau hơn 10 năm. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, vợ chồng nấu chuối luộc rồi đi bán ở ngoài đường, trước cổng công ty. Dù không có con cái nhưng cả 2 đều quý mến, trân trọng nhau nên cuộc sống lúc nào cũng hạnh phúc.
Từ ngày cô Hương nhiễm Covid-19 và diễn tiến nặng, chú Tùng không ngại khó, không ngại khổ, lúc nào cũng túc trực bên vợ để lo ăn uống, thay tã, vệ sinh. Riêng khoản tiền 50 triệu viện phí điều trị cho cô Hương, chú Tùng phải vay mượn khắp nơi, vẫn chưa biết đến khi nào mới có để trả lại.
"Chú thương cô lắm, cứ sáng lo ăn uống, vệ sinh đồ cho cô xong thì chú chở bình oxy đi đổi. Mỗi bình oxy lớn (40 lít), cô chỉ thở được trong vòng 6 tiếng, giờ chú cũng chỉ biết duy trì vậy thôi chứ không có sự lựa chọn nào khác. Chỉ mong sao vợ mình hết bệnh, đừng có bỏ chú mà đi…", chú Tùng xúc động.
Chú không dám nghĩ cô sẽ được quay lại bệnh viện chữa trị đâu, giờ cô được ngày nào, chú hay ngày đó…",câu nói của chú Tùng khiến chúng tôi chết lặng.
Hơn ai hết, chú Tùng hiểu được hoàn cảnh của mình hiện tại. Ngoài nỗi lo cơm ngày ba bữa, chú Tùng chẳng thể nào kiếm được một khoản tiền lớn để giúp cô Hương quay lại bệnh viện. Bình oxy từ thiện, những lời động viên từ bà con xóm giềng là tất cả những gì hai vợ chồng chú Tùng có được để tiếp tục nuôi hi vọng, tiếp tục chiến đấu với những di chứng nặng nề mà Covid-19 để lại trên cơ thể cô Hương.