Phó tổng biên tập Báo Văn nghệ bị tố cưỡng hiếp đồng nghiệp: Người trong cuộc nói gì?
Đêm 6/4, MXH lan truyền bức thư ngỏ từ trang Facebook Dạ Thảo Phương tố cáo PTBT Báo Văn nghệ Lương Ngọc An đã cưỡng dâm và vu khống chị 22 năm trước.
Sáng 7/4, trả lời phóng viên Infonet qua điện thoại, ông Lương Ngọc An, PTBT Báo Văn nghệ, người bị tố cáo cho biết, đã biết việc có thư ngỏ tố cáo mình.
Trả lời câu hỏi "trước những cáo buộc này, ông có phản hồi gì không", PTBT Lương Ngọc An cho biết "tôi không có ý kiến gì, vì cũng chưa biết việc này sẽ đi đến đâu và làm như thế nào".
"Do đó, cho nên tôi không có ý kiến gì cả", ông Lương Ngọc An nói nhưng vị này cũng cho biết "theo quan điểm cá nhân thì những lời viết này không phải đúng hoàn toàn đâu" nhưng "như thế nào thì chưa nói vội".
PV Infonet liên hệ với ông Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông Thiều nhắn lại "Hội sẽ sớm có ý kiến".
Đêm 6/4, MXH lan truyền thư ngỏ trên trang Facebook Dạ Thảo Phương (tên thật là Thanh Thúy) tố cáo PTBT Báo Văn nghệ Lương Ngọc An đã cưỡng dâm và vu khống chị 22 năm trước.
Ngay sau khi thông tin được lan truyền, phóng viên đã liên lạc với chị Thanh Thuý, chị xác nhận lá đơn do mình viết.
Lý do chị lên tiếng bởi vì cách đây ít lâu, chị theo dõi những vụ nạn nhân bị quấy rối tình dục đứng lên tố giác như các nạn nhân của Ngô Hoàng Anh, hay hoa khôi tố trưởng khoa Đại học Luật, chủ tịch bệnh viện...
"Đọc lời tâm sự của cô gái trẻ ấy, tôi kinh hoàng. Hơn 20 năm đã trôi qua. Những cô gái này dù đều là du học sinh ở nhiều nước tiên tiến, bản thân họ cũng như gia đình, xã hội có nhiều điều kiện tiếp cận thông tin, văn minh tiến bộ hơn hoàn cảnh tôi thời đó. Thế nhưng, họ vẫn phải vật lộn trong sợ hãi, hoang mang, cô độc", Dạ Thảo Phương nói.
Bản tường trình sự việc xảy ra cách đây 22 năm được chị Thanh Thuý (Dạ Thảo Phương) cung cấp
Người phụ nữ có bút danh Dạ Thảo Phương (tên thật là Thanh Thúy) chia sẻ, từ năm 1996 đến năm 2003, bà là phóng viên, biên tập viên công tác tại ban Văn nghệ Trẻ, thuộc Báo Văn nghệ, trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam.
Mở đầu bức thư ngỏ chị cam kết "nếu cho là tôi nói sai sự thật, Lương Ngọc An hãy kiện tôi ra tòa".
Câu chuyện bị cưỡng bức hơn 20 năm trước được chị Dạ Thảo Phương thuật lại:
Cụ thể, trưa ngày 14/4/2000, chị ở một mình trong phòng biên tập Văn nghệ Trẻ, thì bị người tên Lương Ngọc An xông vào cưỡng hiếp. Trong lúc chống cự hoảng loạn, chị kêu cứu, nhiều đồng nghiệp đã chạy tới và bắt quả tang Lương Ngọc An đang nằm đè lên, bóp cổ chị. Nhờ sự can thiệp của các đồng nghiệp, hành vi cưỡng hiếp hắn chưa kịp thành công.
Sự việc này đã được các nhân chứng thuật lại trong bản tường trình gửi báo Văn nghệ vào ngày 20/4/2000.
"Trước đó, từ tháng 7/1999 đến tháng 4/2000, Lương Ngọc An đã nhiều lần thao túng, khống chế, bạo hành, cưỡng bức tôi như một nô lệ tình dục.
… Sau sự kiện ngày 14/4/2000 đã nhắc ở trên, vì có nhiều người làm chứng nên tôi mới dám viết đơn tố cáo Lương Ngọc An. Tuy nhiên, anh ta không những không sợ hãi, ăn năn mà còn quay ngược lại trắng trợn vu khống tôi. Lương Ngọc An đã bịa ra một câu chuyện, trong đó nói anh ta và tôi có quan hệ tình cảm, anh ta muốn bỏ tôi nên tôi gây căng thẳng. Vụ việc ngày hôm đó đã bị anh ta thay đổi bản chất từ sự thật là cưỡng dâm thành "xô xát", chị Thanh Thúy chia sẻ câu chuyện!
Chị cho biết, kể lại câu chuyện của mình với tư cách nạn nhân bị cưỡng bức tình dục là một việc rất khó khăn và nhiều thương tổn.
Lường trước việc đứng ra "tố cáo sự thật này",chị "biết mình đang đặt cuộc sống ổn định của bản thân và gia đình trước những nguy cơ tổn thương, thậm chí nguy hiểm nhưng tôi không có lựa chọn khác".
Chị nhấn mạnh "tôi cần được nói ra trước công luận, vì tôi cần phải được xác nhận với chính bản thân mình rằng tôi đang được sống trong một cộng đồng vẫn còn những người coi sự thật và phẩm giá là có giá trị.
Tôi cần phải cất khỏi lòng mình nỗi sợ hãi về thế giới mà đứa con trai 14 tuổi và đứa con gái 6 tuổi của tôi đang bước những bước hân hoan tham dự.
Đưa việc này ra ánh sáng, tôi hy vọng sự thật không một lần nữa bị đàn áp bởi quyền lực và sự thờ ơ, tôi hy vọng được nghe tiếng đáp lại đầy lành mạnh, khoẻ khoắn từ sự chính trực của mỗi người trong các bạn.
Điều này rất có ý nghĩa với tôi cũng như nhiều nạn nhân bị xâm hại tình dục khác còn phải chịu đựng âm thầm trong bóng tối. Biết đâu, nó có thể giúp cho một nạn nhân nào đó để họ không phải như tôi, mất 23 năm quý giá của cuộc đời vật lộn với bóng tối của trầm cảm, tìm lại quyền lên tiếng vì sự thật của bản thân mình", chị Thanh Thúy viết.
Chị Thanh Thúy cũng chia sẻ, "tôi hy vọng sự thật này sẽ được lắng nghe và đáp lại bằng những hành động thiết thực của các quý vị để cộng đồng chúng ta ngày càng trong sạch, văn minh hơn.
Điều này rất có ý nghĩa với tôi cũng như nhiều nạn nhân bị xâm hại tình dục khác còn phải chịu đựng âm thầm trong bóng tối.
Tôi hy vọng ai đó cũng là nạn nhân của bạo lực tình dục sẽ thấy họ không còn hoàn toàn đơn độc và sợ hãi khi muốn lên tiếng, không còn phải mất đến hơn hai mươi năm quý giá của cuộc đời để âm thầm cố gắng vá víu tổn thương như tôi".