Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Người Việt Nam đa phần có nghề tay trái trở thành yếu tố tích cực với tương lai việc làm thời 4.0

13/09/2018 14:03 PM | Xã hội

Việt Nam đã đứng vững trong khủng hoảng kinh tế năm 1997 nhờ đặc thù này và nó cũng có thể là một yếu tố giúp đất nước 90 triệu dân vượt qua những thách thức tương lai việc làm do tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

"Tôi có hai đứa con một trai một gái và tôi đang chuẩn bị tương lai cho chúng", Warren Fermandez, Tổng biên tập tờ Straits Times Singapore nói tại phiên thảo luận "Tương lai việc làm ở ASEAN", trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về ASEAN, sáng 13/9.

Việc làm cho người dân là một chủ đề quan trọng được lãnh đạo các quốc gia, tập đoàn đặc biệt quan tâm trong bối cảnh cách mạng 4.0 đang làm thay đổi mọi thứ. Công việc mới dù liên tục được tạo ra nhưng không thể xem nhẹ thách thức từ tương lai.

Học tập là kỹ năng suốt đời

1/3 kỹ năng của thời điểm hiện tại sẽ không cần thiết trong tương lai, Warren Fermandez dẫn nghiên cứu của WEF. Cũng theo khảo sát của WEF, trong khi giới trẻ Singapore không mấy lạc quan về tương lai việc làm, thì tại Việt Nam, số liệu cho thấy cái nhìn tích cực hơn.

Dân số Việt Nam tương đối trẻ, là nước có thị trường Internet năng động nhất trên thế giới, hẳn nhiên, sự lạc quan là có thể hiểu được. Nhưng ở góc độ của những người hoạch định chính sách, vấn đề luôn có hai mặt.

"Nhà hoạch định không chỉ lạc quan mà thực sự phải nghĩ nhiều hơn đến thách thức", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Theo ông, cách mạng 4.0 mang lại nhiều nghề mới nhưng cũng nhiều ngành nghề bị thay thế, đặc biệt là những nghề nghiệp có tỷ trọng lớn ở Việt Nam như dệt may, da giày, xây dựng. Thậm chí, như người phiên dịch của cho các diễn giả trong sự kiện hôm nay, cũng có thể được thay bằng máy móc.

Hơn thế, Việt Nam cũng có đặc thù là 38% người dân làm trong lĩnh vực nông nghiệp. Do vậy, Chính phủ không chỉ quan tâm việc giải quyết việc làm cho người lao động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ mà còn phải bận rộn cho những chính sách chuyển dịch cơ cấu nghề.

Như vậy, bên cạnh bức tranh việc làm chung qua các thời kỳ, Phó Thủ tướng Việt Nam đề cập đến việc phải giúp 38% lao động này không chỉ chuyển dịch mà còn phải tự tạo thêm được việc làm mới, trong nông nghiệp.

Những vấn đề được nêu ra chỉ có thể được giải quyết bằng việc học tập suốt đời. Học, theo Phó Thủ tướng Đam, không dừng lại ở phổ tuổi 25 – 40 như quan niệm thông thường mà còn phải phổ cập đến những người từ 60 trở lên, đặc biệt trong bối cảnh tuổi thọ loài người đang kéo dài.

"Cách mạng 4.0 đang mang lại cơ hội cho tất cả mọi người", ông nói.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng nói đến việc Việc Nam đang thay đổi giáo dục cho trẻ em. Theo đó, khác với văn hoá "vâng lời" trước đó, trẻ được dạy nghĩ khác đi, chủ động đặt câu hỏi, phản biện vấn đề.

Không có quả cầu tiên tri cho tương lai việc làm

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Người Việt Nam đa phần có nghề tay trái trở thành yếu tố tích cực với tương lai việc làm thời 4.0 - Ảnh 1.

Bà Vivian Lau, Chủ tịch của tổ chức JA Asia Pacific (Hong Kong, Trung Quốc): "Không có phương thuốc nào chữa bách bệnh, do vậy, cần một nền tảng và quá trình để tiến hoá theo thời gian". Ảnh: Nam Khánh

"10 năm trước không ai tưởng tượng được công việc của hiện tại", ông Ian Lee, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Tập đoàn Adecco, nói.

Do vậy, phụ huynh trong quá trình chuẩn bị cho con cái của mình, cần phải có tư duy mới, không dựa vào kinh nghiệm sống của bản thân.

Nhìn rộng ra khu vực, ông Ian nhận xét khu vực ASEAN có mặt bằng không đồng đều, ví dụ Việt Nam là dân số trẻ, trong khi nhiều nước khác dân số già hoá, do vậy, cần phải có những thích ứng tương xứng.

Bà Vivian Lau, Chủ tịch của tổ chức JA Asia Pacific (Hong Kong, Trung Quốc) tỏ ra đồng tình với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Bà nhận xét bản chất của cuộc cách mạng 4.0 là giáo dục. Những quan ngại của các Chính phủ cho tương lai sẽ phải được chuẩn bị cho các thế hệ từ hôm nay, thông qua giáo dục.

"Không có phương thuốc nào chữa bách bệnh, do vậy, cần một nền tảng và quá trình để tiến hoá theo thời gian", bà Vivian nói.

Bên cạnh đó, bà Vivian cũng đề cập đến vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong thách thức của nghề nghiệp. Theo đó, bà mô tả những tổ chức này sẽ khoả lấp những khoảng trống mà Chính phủ và doanh nghiệp có thể không tiếp cận được.

Mô hình sáng đi – tối về đúng giờ sẽ bị thay thế

Francessa Chia, Giám đốc điều hành GoGet (Malaysia) nhấn mạnh đến tính linh hoạt. Cô gọi đây là yếu tố có thể giúp cho người lao động dễ dàng tiếp cận với các công việc mới trong tương lai khi mà nhờ vào công nghệ, nhiều giới hạn bị phá vỡ.

"Nhiều người có kỹ năng tốt nhưng công việc của họ không còn phù hợp nữa. Việc chuyển đổi là cần thiết để họ vươn lên trong bậc thang giá trị. Do vậy, cần đảm bảo tính linh hoạt", cô nói.

Tính linh hoạt này cũng được thể hiện khá rõ ở Việt Nam qua lời chia sẻ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Phần lớn người Việt Nam có 2 nghề, hơn 10 năm trước, thậm chí kể cả công chức cũng có nghề phụ, ông Vũ Đức Đam nói và cho biết nhờ đặc thù riêng này, đất nước đã đứng vững trong khủng hoảng năm 1997.

Nếu như trước đây, việc có thêm nghề tay trái chỉ phục vụ cho mục đích là kiếm sống thì nay, nó có thể trở thành yếu tố hỗ trợ cho việc chuyển đổi, trong đó, hướng đến các công việc thiên về cảm xúc, chăm sóc tương lai trước làn sóng công nghệ.

Nhưng cũng chính tính linh hoạt luôn diễn ra trong bối cảnh 4.0 khiến đại diện của Việt Nam đặt ngược lại về một thách thức, đó là sự di chuyển lao động trong khu vực nói riêng và toàn cầu nói chung.

"Việt Nam cần nỗ lực hơn các nước khác", Phó Thủ tướng nhấn mạnh và chia sẻ với các diễn giả quốc tế rằng Chính phủ Việt Nam đang có nhiều chính sách, và chương trình riêng để vượt qua thách thức này. Đồng thời, ông cũng đề xuất những hợp tác chung như công nhận giá trị bằng cấp trong toàn khu vực cũng như chia sẻ nguồn dữ liệu.

Theo Nam Dương

Cùng chuyên mục
XEM