Phó Thống đốc NHNN: Chuyển đổi thẻ chip là xu hướng tất yếu
Cơ hội mở ra cho thị trường thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam khi triển khai thành công chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip là rất lớn.
Chuyển đổi thẻ thanh toán nội địa từ thẻ từ sang thẻ chip là một trong những giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020 (Quyết định 2545/QĐ-TTg).
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, ngày 5-10-2018, Thống đốc NHNN đã ký Quyết định số 1927/QĐ-NHNN công bố Bộ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa. Trong đó quy định chi tiết về các yêu cầu kỹ thuật thẻ thanh toán nội địa tại Việt Nam theo công nghệ chip tiếp xúc và không tiếp xúc, tương thích với chuẩn EMV của quốc tế.
Tiếp đó, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 41/2018/TT-NHNN ngày 28-12-2018 quy định về lộ trình chuyển đổi thẻ ngân hàng sang thẻ tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa. Theo đó, lộ trình chuyển đổi đối với tổ chức thanh toán thẻ là đến ngày 31-12-2020 và đối với tổ chức phát hành thẻ là ngày 31-12-2021.
Phát biểu tại sự kiện công bố ra mắt sản phẩm thẻ chip nội địa của các ngân hàng ngày 28-5-2019 tại Hà Nội mới đây, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh: "Chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip là giải pháp trọng tâm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt”.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh : "Chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip là giải pháp trọng tâm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt”.
Được biết, thẻ chip nội địa đáp ứng đầy đủ các yếu tố kỹ thuật về an toàn, bảo mật theo Tiêu chuẩn quốc tế EMV, hạn chế các rủi ro về gian lận giả mạo trong thanh toán thẻ, đảm bảo an ninh an toàn thanh toán cho khách hàng; làm nền tảng quan trọng để tích hợp, ứng dụng cho các dịch vụ cũng như phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt cho các dịch vụ như y tế, giáo dục, giao thông, bảo hiểm và các dịch công.
Việc sử dụng thanh toán bằng thẻ chip nội địa với công nghệ không tiếp xúc cho các giao dịch giá trị nhỏ sẽ mang lại trải nghiệm mới cho khách hàng khi chỉ cần thực hiện 1 thao tác chạm thẻ vào máy POS là có thể hoàn thành giao dịch. Các ngân hàng phát hành sẽ quy định ngưỡng giá trị thanh toán không cần xác thực khách hàng dành cho các giao dịch giá trị nhỏ.
“Việc chuyển đổi thẻ chip nội địa là xu thế tất yếu của các nước trong khu vực và quốc tế trước tình trạng tội phạm công nghệ cao ngày càng gia tăng, cũng như tập trung vào các thị trường chưa thực hiện chuyển đổi công nghệ chip. Đây cũng một trong những giải pháp trọng tâm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của ngành ngân hàng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”- ông Kim Anh nói.
Hiện, Việt Nam có 48 ngân hàng phát hành thẻ nội địa với số lượng khoảng 76 triệu thẻ, hơn 261.000 máy POS và 18.600 máy ATM; trong đó phần lớn POS đã tuân theo Tiêu chuẩn EMV nên việc triển khai thẻ chip nội địa trên các thiết bị chấp nhận thẻ sẽ không quá phức tạp.
Theo kế hoạch đặt ra, đến 31-12-2019, các ngân hàng thương mại thực hiện chuyển đổi ít nhất 30% số lượng thẻ từ nội địa, 35% số lượng ATM và 50% số lượng POS hiện có sang công nghệ chip tiếp xúc và không tiếp xúc. Toàn bộ máy ATM và POS trên thị trường đảm bảo tuân thủ Tiêu chuẩn VCCS vào 31-12-2020. Chậm nhất vào 31-12-2021, toàn bộ thẻ từ nội địa đang lưu hành của tổ chức phát hành thẻ tuân thủ TCCS về thẻ chip nội.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, ngày 5-10-2018, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1927/QĐ-NHNN công bố Bộ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ Chip nội địa, phù hợp với tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.
Trải nghiệm thẻ chip tại sự kiện công bố ra mắt sản phẩm thẻ chip nội địa của các ngân hàng ngày 28-5-2019, Hà Nội.
Theo các chuyên gia trong ngành, việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip nội địa sẽ không ảnh hưởng tới giao dịch của khách hàng. Tuy nhiên, phát sinh chi phí chuyển đổi cũng là một vấn đề với các ngân hàng, đặc biệt đối với các ngân hàng có số lượng thẻ lớn nhưng các ngân hàng về cơ bản sẽ miễn phí chuyển đổi cho các chủ thẻ hiện tại, xem xét việc thu phí phát hành thẻ mới theo từng giai đoạn. Các ngân hàng sẽ thông báo cho khách hàng thời gian phát hành thẻ mới, quy trình và thủ tục đăng ký phát hành thẻ mới cũng như các chính sách liên quan (nếu có) theo quy định pháp luật.
Có thể nói, cơ hội mở ra cho thị trường thanh toán không dùng tiền mặt Việt Nam khi triển khai thành công chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip là rất lớn. Cơ hội để thẻ nội địa tham gia hội nhập quốc tế khi đã đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn, bảo mật khắt khe của các tổ chức quốc tế cũng rất lớn. Với hạ tầng thanh toán không tiếp xúc của thẻ chip nội địa, cộng với việc ứng dụng công nghệ để số hoá thông tin thẻ lên thiết bị di động, tương lai thị trường sẽ đón nhận trào lưu thanh toán “chạm” ngày càng phổ biến.