Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Thanh toán khống thẻ tín dụng là hành vi bị cấm
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, đối với hoạt động thẻ ngân hàng được quy định tại Thông tư 19/2016/TT-NHNN trong đó có quy định rõ, hành động thanh toán khống thẻ tín dụng là hành vi bị cấm, nếu phát hiện được sẽ xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 1/8/2019, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc hiện nay có hiện tượng nhiều chủ thẻ tín dụng thông đồng với các điểm chấp nhận thể để rút khống tiền mặt, tức là tạo ra các giao dịch giả để rút tiền mặt ra. Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, đối với hoạt động thẻ ngân hàng được quy định tại Thông tư 19/2016/TT-NHNN trong đó có quy định rõ, hành động thanh toán khống thẻ tín dụng là hành vi bị cấm, nếu phát hiện được sẽ xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
Tình trạng rút tiền mặt từ thẻ tín dụng đã được chính nhân viên các ngân hàng tiếp thị cho khách. Gần đây nhiều chủ thẻ tín dụng được nhân viên ngân hàng gọi điện tư vấn cho vay tiêu dùng với lãi suất 1,69%/tháng (20,28%/năm). Tiền vay được chuyển từ thẻ tín dụng sang tài khoản thông thường nên khách hàng dễ dàng rút ra tiêu dùng mà không mất phí.
Đây là chiêu né lãi cao và phí rút tiền, chủ thẻ sẽ không phải chịu lãi suất và phí cao ngất ngưởng khi rút tiền từ máy ATM (rút tiền từ thẻ tín dụng phải chịu lãi suất 47,88%/năm cộng với phí 4,4%). Theo đó, chủ thẻ chỉ cần liên hệ với tổng đài của ngân hàng yêu cầu chuyển tiền từ thẻ tín dụng đến tài khoản cá nhân đứng tên mình hoặc tài khoản mở tại ngân hàng khác, rồi rút tiền mặt để tiêu dùng. Khi đó, chủ thẻ có thể đăng ký trả góp vốn và lãi theo các kỳ hạn 12, 15, 18, 21 và 24 tháng, lãi suất 1,69%/tháng (gần 20,3%/năm), thấp hơn nhiều so với vay nóng bên ngoài hoặc từ các công ty tài chính tiêu dùng.
Hiện nay có khá nhiều ngân hàng thương mại trong nước và ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cũng đã triển khai chương trình vay tiền từ thẻ tín dụng với mức lãi suất dao động trên dưới 2%/tháng.
Thẻ tín dụng là một trong những loại hình cho vay tiêu dùng. Ngân hàng thường cấp cho chủ thẻ hạn mức cho vay từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng nhưng chủ thẻ không được chuyển tiền từ thẻ tín dụng đến bất kỳ tài khoản nào khác. Khi khách hàng mua hàng hóa, dịch vụ bằng thẻ tín dụng tức là ngân hàng đã cho chủ thẻ vay tiền, đồng thời người vay đã thể hiện được mục đích sử dụng vốn. Các ngân hàng không khuyến khích khách hàng dùng thẻ để rút tiền mặt nên áp dụng mức phí đến 4%, là mức rất cao.
Việc một số ngân hàng tăng lãi suất và phí rút tiền mặt từ thẻ tín dụng lên cao, rồi tư vấn giải ngân khoản vay từ thẻ tín dụng vào tài khoản cá nhân với những chủ thẻ cần gấp tiền mặt. Bằng cách này, chủ thẻ tín dụng vẫn rút được tiền mặt nhưng không bị tính phí như rút ở ATM, đồng thời không bị áp lực trả nợ trong 45 ngày vì số tiền vay được phân bổ trong nhiều tháng. Còn ngân hàng phát hành thẻ thì giải ngân được một khoản vay tiêu dùng với lãi suất khá cao (trên 20%/năm).