Phó Thống đốc: Lợi nhuận của Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank phải giảm ít nhất 40% cho việc hạ lãi suất

14/04/2020 10:25 AM | Kinh doanh

Phó Thống đốc đề cập các ngân hàng có vốn Nhà nước phải giảm tối thiểu 40% lợi nhuận để đóng góp vào việc hạ lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân trong dịch Covid-19.

Tại cuộc họp giữa Thủ tướng với lãnh đạo các bộ và cộng đồng doanh nghiệp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết lợi nhuận tất cả ngân hàng có vốn Nhà nước năm nay phải giảm tối thiểu là 40% để đóng góp vào việc giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, nguồn từ VTV. “Ví dụ Vietcombank năm trước lãi 22.000 tỷ đồng thì năm nay phải giảm 30-40% của cái lãi. Ít nhất đóng góp khoảng 8.000 tỷ đồng cho vấn đề hạ lãi suất”, Phó Thống đốc đề cập.

Phó Thống đốc: Lợi nhuận của Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank phải giảm ít nhất 40% cho việc hạ lãi suất - Ảnh 1.

Các ngân hàng có vốn Nhà nước phải tích cực trong việc giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh minh hoạ: Thanh Niên. 

Trước đó, Thủ tướng đã chỉ đạo NHNN tiếp tục yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, thông qua mở rộng gói chính sách tiền tệ từ 185.000 tỷ đồng lên 300.000 tỷ đồng.

Thời gian qua, các NHTM đã triển khai nhiều biện pháp theo chỉ thị của NHNN nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong đó có cơ cấu nợ giãn nợ, giảm lãi suất phổ biến 2-2,5%.

Trước đó theo báo cáo của Thống đốc tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ, tổng gói tín dụng mà ngành ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân là hơn 300.000 tỷ đồng. Trong đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) bước đầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng với số tiền gần 18.000 tỷ đồng, miễn, giảm lãi cho gần 6.500 khách hàng với dư nợ gần 126.000 tỷ đồng và cho vay mới 65.208 tỷ đồng với  354.286 khách hàng.

Với Vietcombank, Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành cho biết ngân hàng này sẽ có gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm 2-2,5% so với mặt bằng hiện nay. Các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thiết yếu sẽ được giảm tới 2,5% một năm và được hưởng mức lãi suất chỉ 4,5 - 5%/năm. Ngân hàng cũng tiếp tục kéo dài chính sách giảm lãi suất 1-1,5% đối với dư nợ hiện hữu (từ hạn 30/4 chuyển sang đến 30/9). Lợi nhuận của Vietcombank ước tính giảm 300 tỷ đồng vì chính sách này.

Agribank dành 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, để phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. Chương trình áp dụng cho các khoản vay giải ngân từ 1/4 đến thời điểm sau 3 tháng từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch Covid-19 hoặc đến khi giải ngân hết gói tín dụng. Lãi suất cho vay thấp hơn 1% (đối với đồng Việt Nam) và thấp hơn 0,5% (đối với ngoại tệ) so với lãi suất cho vay cùng loại.

VietinBank cũng công bố chương trình tín dụng quy mô 60.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm 2%/năm. Trước đó, ngân hàng này giảm từ 0,5% đến 1,5% lãi suất tùy theo khách hàng và tùy từng mục đích vay vốn cho gần 3.000 khách hàng với số tiền giải ngân khoảng 60.000 tỷ đồng, trong giai đoạn dịch Covid-19. Ngân hàng đã cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ khoảng 350 khách hàng với dư nợ khoảng 18.000 tỷ đồng, chiếm 2% dư nợ.

BIDV công bố gói tín dụng 20.000 tỷ đồng nhằm đáp ứng nhu cầu mua nhà, ôtô hay sản xuất kinh doanh của khách hàng cá nhân, có lãi suất từ 7,3%/năm. Trước đó, cuối tháng 3, ngân hàng này cũng tung gói tín dụng quy mô 30.000 tỷ đồng áp dụng từ 31/3 đến 31/7 hoặc khi hết gói nhằm hỗ trợ khách cá nhân tiếp tục sản xuất kinh doanh trong thời kỳ khó khăn bởi dịch Covid-19. Một gói khác cũng của BIDV quy mô 7.000 tỷ đồng triển khai từ ngày 19/3 và kết thúc trước hạn vào ngày 31/3. BIDV cho biết từ đầu năm đã giải ngân hơn 17.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi từ 6,5%/năm cho khách hàng cá nhân sản xuất, kinh doanh. Năm nay, BIDV lên kế hoạch lãi trước thuế 12.500 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước, trong điều kiện dịch Covid-19 sớm được kiểm soát.

Theo Lê Hải

Cùng chuyên mục
XEM