Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội: Nhiều trường hợp F1 lây trong ô tô qua đường không khí đã trở thành F0

02/02/2021 07:35 AM | Xã hội

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, tình hình dịch Covid-19 rất nghiêm trọng và theo tính toán của cơ quan chuyên môn, nếu để lọt 1 ca F0 từ nay đến 7/2 sẽ có trên 300 ca F0.

Ông Hoàng Đức Hạnh.
Ông Hoàng Đức Hạnh.

"Truy vết càng nhanh, "túm" được F0 thì sẽ không lây, nếu chậm sẽ khó khăn"

Chiều 1/2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội đã giao ban dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Hà Nội Chử Xuân Dũng, Trưởng ban chỉ đạo.

Báo cáo về tình hình dịch trên địa bàn, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết, đến chiều nay (1/2), Hà Nội đã có kết quả xét nghiệm 10.500 mẫu người có yếu tố dịch tễ liên quan đến TP Chí Linh (Hải Dương) và sân bay Vân Đồn, trong đó có 4 trường hợp dương tính.

Ông Hạnh cũng nhận định, dịch lây lan rất nhanh, chỉ trong 4 ngày mà số ca dương tính lên 19 trường hợp.

Trong số hơn 400 trường hợp F1, có đến 19 ca dương tính, chiếm tỷ lệ khoảng 5%. Thời gian từ khi tiếp xúc đến khi khởi phát bệnh cũng rất nhanh, chỉ 2- 3 ngày. Rõ ràng, hệ số lây nhiễm rất cao.

Ông Hạnh dẫn theo tính toán của cơ quan chuyên môn cho rằng, nếu để lọt 1 ca F0 từ nay đến 7/2 sẽ có trên 300 ca F0.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng chỉ rõ một điểm đáng chú ý, trong lần dịch này là, rất nhiều trường hợp F1 lây trong ô tô qua đường không khí đã trở thành F0 (người nhiễm bệnh).

Ông Hạnh lấy ví dụ cụ thể, trường hợp người mẹ ở Nam Từ Liêm có con học tại Đại học FPT đi về quê Hải Dương cùng chồng trong ô tô đã bị lây cả 3 người; Hay trường hợp bệnh nhân1694 ở Xuân Phương (Nam Từ Liêm) đến nay đã lây cho 8 người khác, trong đó có những thành viên trong gia đình đi cùng xe ôtô.

"Tình hình lây nhiễm lần này rất nhanh và không giống như ở Đà Nẵng, lấy 75.000 - 80.000 mẫu, chỉ có 2 - 3 trường hợp dương tính, còn Hà Nội làm 14.000 mẫu đã có tới 5 trường hợp dương tính.

Tình hình lây nhiễm lần này khác hẳn, có thể nói là rất nghiêm trọng và lây nhanh, trong khi các bệnh nhân lại đi lại phức tạp...", ông Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng ý thức phòng, chống dịch phải cao hơn nữa và phải làm tốt việc truy vết, vì đây là việc hết sức quan trọng.

"Truy vết càng nhanh, "túm" được F0 thì sẽ không lây, nếu chậm sẽ khó khăn", ông Hạnh nói và cho biết "thời gian qua, việc truy vết chưa đáp ứng được yêu cầu, vẫn còn chậm".

Bên cạnh đó, cũng theo khuyến cáo của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, tỷ lệ F1 và F2 dương tính hiện nay khá cao, nên bây giờ phải tăng cường giám sát F2.

Trước đó, tại buổi làm việc với TP Hà Nội vào chiều 1/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng phân tích một điểm đặc biệt về đợt dịch lần này, đó là trước đây, virus SARS-CoV-2 lây từ người này qua người khác, nhưng hiện nay, virus lây theo đường không khí.

"Thực tế, chỉ trên một xe, 10/11 người lây nhiễm", hệ số lây nhiễm rất cao, trước đây chuyên gia tính toán là 4-5 (nghĩa là 1 người có thể lây cho 4-5 người) nhưng giờ là hơn 10.

"Quá trình phân tích dịch tễ cho thấy, nhiều nguy cơ dịch lây lan nên phải hành động vừa nhanh vừa quyết liệt, vì nếu không thì "tốc độ lây nhiễm của vi rút nhanh hơn hành động của chúng ta", ông Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Hà Nội khó khăn về khu cách ly tập trung

Cũng tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội, lãnh đạo nhiều quận, huyện nêu khó khăn trong việc đưa các trường hợp F1 đi cách ly tập trung. Bởi hiện Hà Nội thiếu hẳn khu cách ly dân sự để cách ly các trường hợp F1 (chỉ có BV Công an TP có 88 chỗ, nhưng đã đầy).

Tình trạng này khiến các quận, huyện lúng túng, đặc biệt trong thời điểm hệ số lây nhiễm và tốc độ lây lan của virus cao hơn hẳn trước đây.

Ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, Sở Y tế sẽ phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô cố gắng mở thêm khu cách ly, để giải toả bức xúc của các địa phương.

Ngoài ra, việc xét nghiệm cũng khá bức xúc, khi nhiều quận, huyện kêu về việc kết quả xét nghiệm được trả chậm, khiến cả lãnh đạo địa phương lẫn người được xét nghiệm lo lắng, ăn ngủ không yên.

Theo ông Hạnh, hiện nay việc xét nghiệm phải tăng cường, nhưng hiện công suất xét nghiệm của CDC và các đơn vị của Hà Nội còn hạn chế (CDC khoảng 3.000 mẫu/ngày, các bệnh viện 2.200 mẫu/ngày), nên chưa đáp ứng được yêu cầu.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh, sẽ phải nâng công suất xét nghiệm của các bệnh viện và phải mua sắm test kit phục vụ xét nghiệm, dù hiện nay vẫn vướng mắc về giá (giá được thanh toán là 734.000 đồng/test, thấp hơn chi phí thực phải bỏ ra).

Tạị cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cũng yêu cầu từ 0 giờ đêm nay, toàn bộ các cửa hàng game, internet phải ngừng hoạt động để nâng cao hiệu quả chống dịch.

Hoàng Đan

Cùng chuyên mục
XEM