Phó Giám đốc đầu tư VCBF: Tiêu dùng trong nước sẽ tăng trưởng khả quan hơn trong hai quý cuối năm

27/08/2024 15:33 PM | Kinh doanh

Ông Nguyễn Triệu Vinh cho rằng mặt bằng lãi suất trong nước còn ở mức thấp, Chính phủ đã cho thấy quyết tâm duy trì chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng để hỗ trợ nền kinh tế và người dân sẽ lạc quan hơn về triển vọng việc làm và thu nhập của họ, từ đó sẽ tự tin hơn trong các quyết định chi tiêu.

Phó Giám đốc đầu tư VCBF: Tiêu dùng trong nước sẽ tăng trưởng khả quan hơn trong hai quý cuối năm- Ảnh 1.

Tại Talkshow Phố Tài chính trên VTV8, ông Nguyễn Triệu Vinh, CFA, Phó Giám đốc đầu tư Công ty QLQ Vietcombank (VCBF) đã có những nhận định về tình hình kinh tế trong nước cũng như thế giới, đồng thời đưa ra những phân tích về thị trường chứng khoán.

BTV Mùi Khánh Ly: Như ông đã thấy, các nền kinh tế toàn cầu cũng đang dần đi qua giai đoạn xấu nhất và phục hồi dần, nhiều quốc gia bắt đầu thực hiện nới lỏng tiền tệ, dự kiến Fed cũng tuyên bố đã đến lúc cắt giảm lãi suất… Ông đánh giá như thế nào về bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay?

Ông Nguyễn Triệu Vinh, CFA, Phó Giám đốc đầu tư Công ty QLQ Vietcombank (VCBF): Theo tôi, nền kinh tế toàn cầu, hay mang tính đại diện là nền kinh tế lớn nhất là Mỹ, đang diễn biến như kỳ vọng của chúng tôi. Chính sách thắt chặt tiền tệ ở Mỹ đã phát huy tác dụng trong việc kìm hãm lạm phát khi chỉ số chi tiêu cá nhân PCE tiếp tục hạ nhiệt trong tháng 6/2024 vừa qua với mức tăng 2,5% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 2,6% trong tháng 5 và 2,7% trong tháng 4.

Nhưng ở mức độ nào đó, chính sách thắt chặt tiền tệ ở Mỹ đã tác động không mấy tích cực đến nền kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã tăng lên mức 4,3% trong tháng 7, cao hơn nhiều so với mức 3,7% ở thời điểm cuối năm trước. Nhiều tổ chức tài chính dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm lại trong năm nay và năm sau. Thị trường cũng lo ngại về khả năng nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái nếu Fed không cắt giảm lãi suất kịp thời.

Tổng hợp lại, tôi cho rằng Fed nên bắt đầu giảm lãi suất trong tháng 9. Sau đó Fed có tiếp tục cắt giảm lãi suất hay không và ở mức độ bao nhiêu sẽ còn tùy vào diễn biến của lạm phát và thị trường lao động ở Mỹ.

Còn ở trong nước, kinh tế cũng đang tăng trưởng tích cực với GDP Quý II tăng ấn tượng. Theo ông trong quý III và IV này thì nền kinh tế sẽ giữ đà tăng trưởng ra sao?

Ngay từ đầu năm nay chúng tôi đã dự báo kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục khả quan. Chúng tôi duy trì quan điểm này cho giai đoạn cuối năm 2024 và kỳ vọng kinh tế sẽ quay lại quỹ đạo tăng trưởng cao trong năm sau.

Mặc dù kinh tế Việt Nam tăng trưởng khả quan trong nửa đầu năm nay, đặc biệt là trong quý II khi GDP tăng hơn 6,9% nhưng chủ yếu là đến từ sự hồi phục của khu vực sản xuất do xuất khẩu tăng trưởng mạnh trở lại và từ khu vực dịch vụ khi ngành du lịch tiếp tục hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch Covid. Trong khi tiêu dùng trong nước vẫn còn khá yếu, doanh số bán lẻ hàng hóa theo giá cố định chỉ tăng 5,7% trong nửa đầu năm nay, thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ các năm trước. Các doanh nghiệp lớn trong ngành hàng tiêu dùng đều nhận định rằng tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm có hồi phục nhưng chưa mấy khả quan.

Nhưng chúng tôi cho rằng tiêu dùng trong nước sẽ tăng trưởng khả quan hơn trong hai quý còn lại của năm 2024 và đóng góp tích cực hơn vào tăng trưởng chung của nền kinh tế vì một số lý do. Đầu tiên là mặt bằng lãi suất trong nước còn ở mức thấp. Bên cạnh đó, Chính phủ đã cho thấy quyết tâm duy trì chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng để hỗ trợ nền kinh tế. Cụ thể như quyết định kéo dài thời gian giảm thuế VAT cho đến hết năm nay và đề xuất giảm 50% thuế trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước trong 3 tháng cuối năm nay. Một lý do khác nữa là chúng tôi tin rằng sau khi khu vực sản xuất và dịch vụ hồi phục, người dân sẽ lạc quan hơn về triển vọng việc làm và thu nhập của họ và từ đó sẽ tự tin hơn trong các quyết định chi tiêu.

Phó Giám đốc đầu tư VCBF: Tiêu dùng trong nước sẽ tăng trưởng khả quan hơn trong hai quý cuối năm- Ảnh 2.

Trước đó, thị trường chứng khoán toàn cầu cũng mới trải qua một đợt giảm điểm mạnh và hiện phục hồi trở lại. Ở trong nước, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã xuất hiện những phiên xanh điểm trở lại, dấy lên kỳ vọng về việc thị trường có thể vươn lên những ngưỡng mới? Còn ý kiến của ông thì sao?

Chúng tôi không cố gắng dự đoán điểm số của thị trường trong ngắn hạn nhưng xin chia sẻ một số nhận định như sau. Trước hết tôi cho rằng môi trường vĩ mô hiện nay phù hợp cho việc phân bổ tài sản vào các tài sản rủi ro bao gồm cổ phiếu. Trong ngắn hạn, thị trường có thể đón nhận nhiều tin tích cực khác như việc Fed sớm giảm lãi suất và triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025.

Vậy theo dự báo của ông, nhóm ngành nào sẽ vươn lên dẫn dắt thị trường trong thời gian tới?

Chúng tôi nhận thấy triển vọng của nhiều cổ phiếu trong ngành tài chính, ngành lớn nhất trong chỉ số VN Index, vẫn rất khả quan. Chúng tôi tin rằng sự hồi phục của nền kinh tế sẽ thúc đẩy nhu cầu tín dụng trong thời gian tới và giúp ngân hàng cải thiện chất lượng tài sản. Định giá nhiều cổ phiếu ngân hàng vẫn ở vũng hấp dẫn, bình quân chỉ khoảng 1,1 lần giá trị sổ sách năm 2024, thấp hơn mức bình quân trung vị trong 10 năm là khoảng 1,5 lần. Chúng tôi cũng thấy cơ hội ở một số cổ phiếu trong ngành chứng khoán, đặc biệt là các công ty có thị phần lớn trong giao dịch của khối ngoại vì các công ty này sẽ được hưởng lợi khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng.

Ngoài ngành tài chính, chúng tôi cho rằng cơ hội đầu tư vào các công ty tốt ở thời điểm hiện nay là khá chọn lọc. Mặc dù chỉ số VN Index tăng gần 14% từ đầu năm nhưng nhiều cổ phiếu tốt trong các ngành như ngành CNTT, hàng Tiêu dùng không thiết yếu đã tăng nhiều. Do đó, tôi cho rằng giá cổ phiếu hiện nay đã phản ảnh phần lớn triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp trong ngắn hạn và vì vậy cần thời gian tích lũy. Đây vẫn là hai nhóm ngành chúng tôi ưa thích trong dài hạn vì chúng tôi tin rằng các doanh nghiệp tốt trong hai ngành này sẽ được hưởng lợi từ xu hướng áp dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh và xu hướng gia tăng thu nhập và chi tiêu ở Việt Nam. Cũng với tầm nhìn dài hạn, chúng tôi tin rằng xu hướng gia tăng sản xuất ở Việt Nam sẽ tiếp diễn và các công ty đầu ngành trong các lĩnh vực dịch vụ tiện ích và kho vận sẽ có tiềm năng tăng trưởng cao và chúng tôi tiếp tục nắm giữ các công ty này trong danh mục.

Thực tế sau những lần giảm điểm mạnh vừa qua, các nhà đầu tư hiện đã quan tâm hơn nhưng vẫn đang tỏ ra khá thận trọng khi thanh khoản tăng nhưng không quá mạnh mẽ. Theo ông nhà đầu tư nên có chiến lược như thế nào vào thời điểm này?

Việc thị trường tăng giảm điểm trong ngắn hạn là điều hết sức bình thường. Khi đầu tư cổ phiếu, tôi cho rằng hai điều quan trọng nhất nhà đầu tư cần quan tâm là chất lượng và triển vọng của doanh nghiệp mình đầu tư vào và thứ hai là định giá. Sự kiên nhẫn là một yếu tố quan trọng khác đơn giản là vì doanh nghiệp cần thời gian để thực hiện các kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh hoặc là các chương trình tái cơ cấu.

Do đó, lời khuyên của tôi là các nhà đầu tư nên dành thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng các doanh nghiệp và nếu tin rằng giá cổ phiếu hiện nay là rẻ so với lợi nhuận trong tương lai của các doanh nghiệp này thì nên kiên trì nắm giữ. Nếu định giá chưa phù hợp thì có thể đợi những lúc thị trường điều chỉnh để mua vào. Đây cũng là chiến lược mà chúng tôi áp dụng và hiệu suất đầu tư vượt trội của các quỹ mở của VCBF là minh chứng cho sự hiệu quả của chiến lược này. Chúng tôi tận dụng cơ hội thị trường điều chỉnh mạnh trong giai đoạn vừa qua để mua vào các cổ phiếu tốt mà chúng tôi đã phân tích và định giá. Hiện nay chúng tôi tiếp tục nắm giữ một danh mục cổ phiếu đa dạng bao gồm cổ phiếu của các doanh nghiệp tốt, có lợi thế cạnh trạnh vững mạnh ở các mức định giá hấp dẫn hoặc phù hợp với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp trong 3 đến 5 năm tới.

Hà My

Từ khóa:  phố tài chính
Cùng chuyên mục
XEM