Phó chủ tịch tập đoàn công nghệ nổi tiếng gây phẫn nộ với phát ngôn: Tôi cần nhân viên bỏ qua cuộc sống cá nhân, đi công tác liên tục 50 ngày, ai chống đối có thể thất nghiệp mãi mãi
Vị lãnh đạo này hiện đã từ chức trước làn sóng chỉ trích mạnh mẽ.
Phó chủ tịch Baidu Qu Jing vừa tạo ra một cuộc khủng hoảng PR cho riêng mình sau khi đăng một số video hạ nhục nhân viên lên mạng xã hội. Đây được coi là một trong ví dụ điển hình mới nhất về tình trạng chèn ép có phần tàn bạo tại các công ty công nghệ lớn của đại lục.
“Tôi có thể khiến bạn thất nghiệp trong ngành này”, Phó chủ tịch Baidu Qu Jing nói trong một video và nhấn mạnh bà cần những nhân viên đủ tận tâm để đi công tác liên tục trong 50 ngày mà không quan tâm xem liệu điều đó có ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân hay không. “Tôi không phải là mẹ của bạn. Tôi chỉ quan tâm đến kết quả”.
Trong đoạn clip, bà Qu cũng cho biết mình tâm huyết với Baidu đến nỗi không hề biết năm học của con trai mình ở trường. Nội dung bài chia sẻ nhằm mục đích lấy ví dụ minh họa cho việc sử dụng mạng xã hội để quảng bá hình ảnh cho Baidu, song lời lẽ có phần thiếu suy nghĩ kể trên khiến người xem không khỏi bất bình.
“Nhân viên không bao giờ cảm thấy như ở nhà tại một công ty không có một chút ấm áp tình thương nào”, một người dùng viết trên nền tảng truyền thông xã hội weibo. Tính đến thứ Năm, cuộc thảo luận đã thu hút 150 triệu lượt xem.
Nhà báo công nghệ độc lập Wang Qingrui cho biết: “Bà ấy muốn tạo hình ảnh ‘người phụ nữ sắt’ nhưng tình hình đã thay đổi. Mọi người không đồng tình với logic người nắm quyền. Những gì bà ấy làm không chỉ thể hiện tính cách mà còn là văn hóa và giá trị của Baidu. Điều này làm sâu sắc thêm các vấn đề xoay quanh hình ảnh của Baidu”.
Đoạn clip của bà Qu hiện đang dấy lên nhiều mối lo ngại về tình trạng nhân viên làm việc quá sức tại các tập đoàn công nghệ. Văn hóa 996 tiếp tục bị lên án bởi nhân viên phải làm việc cật lực từ 9 giờ sáng, tan làm lúc 9 giờ tối và cống hiến 6 ngày/tuần.
“Làm việc quá giờ hiện tại là điều bình thường”, một blogger chia sẻ trên Weibo. “Điều còn đáng sợ hơn là mọi người đã quen với việc đó và không dám phản đối bởi họ biết rằng làm vậy cũng vô ích”.
Mặc dù đã có một số cải thiện sau khi Bắc Kinh trấn áp các gã khổng lồ công nghệ vào năm 2021, song Qu cho biết bà vẫn yêu cầu nhân viên của mình làm việc nhiều giờ. Trong một video, bà nhấn mạnh nhân viên PR cần phải có mặt 24 giờ/ngày và không bao giờ được phép đi nghỉ mát.
Ngay sau khi phát ngôn tạo ra làn sóng chỉ trích trên mạng xã hội, bà Qu đã xóa các video khỏi tài khoản Douyin và lên tiếng xin lỗi, đồng thời nộp đơn từ chức. “Tôi chân thành xin lỗi vì video của tôi đã gây ra những hiểu lầm về giá trị và văn hóa của Baidu”.
Giữa cuộc tranh cãi, một video khác tiếp tục lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy cách bà Qu xử lý một bài báo tiêu cực trên tờ South China Morning Post.
Làn sóng phẫn nộ với văn hóa “996” bùng lên vào tháng 12/2019, khi một nhân viên 22 tuổi của công ty thương mại điện tử Pinduoduo ngất xỉu và tử vong trên phố ở thành phố Urumqi, Tân Cương sau khi rời công sở lúc 1h30 sáng. Phong trào này thu hút sự ủng hộ từ các nhà chức trách, những người quan tâm đến việc thúc đẩy các giá trị xã hội chủ nghĩa và quyền của người lao động khi tiến hành cải cách trên phạm vi rộng.
“Theo pháp luật, người lao động có quyền được hưởng mức lương tương ứng và có thời gian nghỉ hoặc kỳ nghỉ”, thông cáo ngày 28/8 của Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc nhấn mạnh. “Người sử dụng lao động có nghĩa vụ tuân thủ cơ chế về giờ làm việc toàn quốc”.
“Lối làm việc này rất có hại cho cơ thể con người. Chúng ta đã nghe rất nhiều tin tức về những trường hợp tử vong do làm việc quá sức vài năm gần đây, nhưng hệ thống làm thêm giờ biến tướng vẫn rất phổ biến. Liệu có đáng đánh đổi cuộc sống lấy tiền không?”, một người dùng mạng Trung Quốc chia sẻ.
Một thập kỷ trước, Baidu, công ty vận hành công cụ tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc, từng là trung tâm Internet của cả nước. Cùng với Alibaba và Tencent, đây chính là ‘bộ ba bất khả xâm phạm’ trong bối cảnh các công cụ tìm kiếm nước ngoài bị cấm hoặc kiểm duyệt rất gắt gao.
Baidu chưa bao giờ đánh mất sự thống trị của mình và hiện vẫn chiếm tới 90% lưu lượng tìm kiếm của Trung Quốc. Tuy nhiên, những thay đổi trong lĩnh vực công nghệ khiến công ty khó có thể vượt qua cái bóng của chính mình.
Hầu hết người dùng Internet Trung Quốc hiện truy cập web thông qua các siêu ứng dụng như WeChat của Tencent. Dòng tiền quảng cáo đã chuyển dịch sang Douyin - người anh em của TikTok; trong khi Meituan và Pinduoduo đã vượt qua mức định giá của Baidu. Để cạnh tranh, công ty đã tung ra nhiều các giải pháp giao hàng, mua sắm, dịch vụ thanh toán và mạng xã hội, song gần như đều thất bại.
Theo FT, Baidu đang phải vật lộn xây dựng lại hình ảnh của chính mình trong bối cảnh hoạt động kinh doanh quảng cáo tìm kiếm đình trệ. Nhóm gần đây đã tập trung toàn lực vào AI để tìm lại ánh hào quang của mình.
Robin Li, giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập của Baidu khẳng định nỗ lực triển khai AI là một “sự thay đổi lớn về mô hình”. Nhiều năm đầu tư đã biến Baidu trở thành một trong những công ty trí tuệ nhân tạo phức tạp nhất Trung Quốc, sở hữu hệ thống bao gồm thiết kế chip, mô hình và các ứng dụng độc quyền. Công ty đã bắt đầu xây dựng chatbot Ernie Bot từ năm 2019 và trở thành một trong những công ty sớm thử nghiệm AI sáng tạo nhất.
Theo: Financial Times, The Economist