Phó chủ tịch kỹ thuật UBER toàn cầu chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp thành công
Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực startup, ông Ganesh Srinivasan - Phó Chủ tịch Kỹ Thuật Uber toàn cầu - đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm về khởi nghiệp cho cộng đồng startup tại Việt Nam trong khuôn khổ của chương trình UberEXCHANGE.
* Phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam đang phát triển, ông có nhận xét gì về phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam và ông có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ?
Việt Nam đang làm nhiều thứ để có thể trở thành một quốc gia khởi nghiệp. Đây là một xuất phát điểm tuyệt vời cho cộng đồng startup tại đây. Chính phủ đã tạo cơ hội cho Uber và rất nhiều công ty nước ngoài khác đến Việt Nam làm việc, đây sẽ là cơ hội để các công ty chia sẻ kinh nghiệm với cộng đồng startup. Đơn cử, khi Uber đưa ra ý tưởng thực hiện chương trình UberEXCHANGE, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đều nhiệt tình hỗ trợ. Theo tôi, người Việt Nam rất tài năng, và họ cần thêm nhiều chương trình như UberEXCHANGE để giao lưu, học hỏi và nuôi dưỡng đam mê. Đây là một trong những chương trình có thể huấn luyện nhiều kỹ năng bao gồm kỹ năng về công nghệ, quản lý, marketing...
Về lời khuyên dành cho các bạn, sau 20 năm trải nghiệm trong cộng đồng startup, tôi có 3 lời khuyên: Hãy bắt đầu với đam mê, đam mê với ngành bạn làm, đam mê thay đổi cuộc sống và đam mê mang đến những điều tốt đẹp nhất cho khách hàng. Đây là điều quan trọng nhất, bởi trong quá trình khởi nghiệp sẽ có những lúc thất bại và thành công, lúc thăng lúc trầm… nếu không giữ được ngọn lửa này thì bạn sẽ rất khó vượt qua.
Bên cạnh đó bạn phải có mục tiêu. Ví dụ, mục tiêu công ty khởi nghiệp của bạn là đóng góp được gì cho cộng đồng hay sản phẩm bạn tạo ra cần thay đổi được điều gì trong cuộc sống...Trả lời được những câu hỏi đó, bạn sẽ xác định được mục đích rõ ràng để hướng tới và kiên trì thực hiện. Và điều cuối cùng là “tạo ra phép màu”. Khởi nghiệp chính là biến những điều không thể thành có thể. Ví như trước khi Uber xuất hiện, mọi người không nghĩ rằng chỉ cần một cú click trên điện thoại cầm tay là có thể yêu cầu xe đến đón. Đó là điều kỳ diệu và nó không phải là cái gì đó quá lớn lao. Đó là cách chúng ta giải quyết một vấn đề trong cuộc sống bằng một phương thức khác biệt, mới mẻ và mang đến những giá trị thực tiễn cho động đồng và xã hội.
* Theo ông, các startup Việt Nam hiện đang có thế mạnh gì?
Việt Nam đang có gần 2000 startup và rất nhiều người trẻ, họ đang khát khao khởi nghiệp và có vô vàn những ý tưởng hay đang nhận được sự hỗ trợ đến từ các cộng đồng như Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (SYS), UPS, TOPICA. Các tổ chức này có nhiều chương trình đa dạng, phong phú và ngân sách để hỗ trợ cho startup, nếu cần.
* Ông cho rằng “Sản phẩm chính là mấu chốt quyết định sự thành bại của một doanh nghiệp”?
Như đã nói, một trong những yếu tố quan trọng nhất để đưa một công ty non trẻ đi đến thành công, đó là mục tiêu. Sau khi có mục tiêu thì các yếu tố về kỹ thuật đối với sản phẩm, từ khâu thiết kế, triển khai thi công cho đến giám sát vận hành… là những vấn đề cốt lõi mà doanh nghiệp cần chú trọng. Ví dụ, cách đây 7 năm, hai người sáng lập ra Uber là Travis Kalanick và Garrett Camp đã đặt ra một câu hỏi làm thế nào chỉ cần một cú click trên chiếc điện thoại cầm tay là có xe đến đón, nhất là khi có mưa tuyết thì gần như rất khó bước ra đường đón xe. Từ mục tiêu đó, sau 7 năm, Uber đã hình thành và hiện đã có mặt trên 73 quốc gia và 450 thành phố. Tuy nhiên, chúng tôi không thể chỉ đưa một sản phẩm toàn cầu áp dụng hoàn toàn cho 73 quốc gia, mà phải “địa phương hóa” sản phẩm sao cho phù hợp với văn hóa, nhu cầu và thói quen người sử dụng tại quốc gia đó. Chẳng hạn, thị trường Việt Nam vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt nên Uber đã mở rộng hình thức thanh toán bằng tiền mặt. Một yếu tố “địa phương” nữa đó là uberMOTO, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên Uber áp dụng dịch vụ vận chuyển bằng xe gắn máy.
* Khả năng thành công của các startup thường rất khó, ông có lời khuyên gì để các công ty nếu chưa thành công vẫn không nản?
Không phải khởi nghiệp nào cũng sẽ thành công. Nếu thất bại thì bạn vẫn tiếp tục cố gắng, không nản chí, tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, giải pháp mà mình đang theo đuổi. Bản thân những tên tuổi lớn như Uber hay Google cũng đã từng thất bại. Ngay cả Travis – người sáng lập kiêm CEO của Uber - cũng phải thất bại một vài lần mới tạo ra được một Uber thành công như hôm nay. Chúng ta phải luôn kiên nhẫn và bền chí thì mới chạm tay được đến thành công.