Phó Chủ tịch HĐQT Vingroup: Hậu Covid - 19, doanh nghiệp du lịch thay đổi về chất, tung chính sách "chưa từng có"
Vingroup đề xuất kéo dài thời gian nghỉ của cán bộ, công nhân viên nhưng tổng giờ làm không thay đổi.
Nhìn nhận Covid-19 là cơ hội thay đổi ngành du lịch theo chiều hướng tốt lên, Phó Chủ tịch HĐQT Vingroup Lê Khắc Hiệp cho rằng chúng ta cần tranh thủ cơ hội này để thay đổi "về chất" ngành du lịch, chứ không chỉ đo đếm năm nay tăng trưởng số khách cao hơn bao nhiêu % so với năm ngoái.
Với câu chuyện liên kết các cơ sở cùng làm du lịch, ông Hiệp cho biết Vingroup đã hợp tác rất nhiều với Vietravel, điển hình là "ưu tiên" cho đơn vị du lịch này số phòng mua. Một bên có số phòng cố định, một bên có tour bán, đây là việc hợp tác win-win.
Liên quan đến các kiến nghị chính sách, ông Lê Khắc Hiệp đề xuất kéo dài thời gian nghỉ của cán bộ, công nhân viên, tạo điều kiện cho mọi người di chuyển và du lịch, tốt cho ngành hàng không và tốt cho cả ngành du lịch.
"Quan trọng là giờ làm không thay đổi nhưng giờ đi du lịch có thể thay đổi. Đó là những cách chúng ta có thể bàn đến", Phó Chủ tịch HĐQT Vingroup chia sẻ tại một sự kiện thúc đẩy ngành du lịch mới đây.
Liên quan đến các chính sách đối với học sinh, ông Hiệp cũng đồng tình với các ý kiến cho rằng ngành du lịch phụ thuộc rất nhiều vào các nhóm gia đình, khi các cháu nghỉ học mới đi du lịch được.
"Nếu các cháu cứ học mà không nghỉ ngành du lịch sẽ rất khó khăn", ông Hiệp nhìn nhận.
Ông Hiệp cũng đề xuất Nhà nước cho các công ty du lịch giãn thuế dài hơn, thay vì chỉ 5 tháng như hiện tại. Phó Chủ tịch HĐQT Vingroup nhấn mạnh rằng các công ty không xin miễn thuế, mà chỉ xin giãn thuế để tạo nguồn lực cho đầu tư, chuẩn bị, hoặc các chính sách khuyến mãi đối với du lịch, khi có khách đến, doanh nghiệp sẽ có nguồn thu, Nhà nước cũng sẽ thu được thuế.
Đối với Vinpearl, thời gian vừa qua, ông Hiệp cho biết, doanh nghiệp đã tranh thủ thời gian vắng khách, thậm chí đóng cửa mà đưa ra nhiều chính sách về xây dựng. Theo đó, Vinpearl đã đổi hệ thống Vinpearl Land thành VinWonders – các trung tâm du lịch chủ đề lớn, đặc biệt tại Phú Quốc – cơ sở vừa khai trương 1/6. Tại Nha Trang, VinPearl cũng đầu tư hàng trăm tỷ đồng tổ chức chương trình thực diễn nhằm hút khách du lịch. Doanh nghiệp cũng đầu tư tàu ngầm có thể lặn sâu hàng trăm mét ngắm san hô. Ông Hiệp tin rằng, nếu tăng thêm giá trị cho khách hàng, doanh nghiệp sẽ thu hút được nhiều khách du lịch hơn.
"Chính sách khuyến mãi của chúng tôi cũng rất đặc biệt. Thay vì giảm giá, chúng tôi có chính sách trả lại cho khách hàng số tiền đặt phòng tới 100% để chi tiêu tại khu vực du lịch. Nếu khách hàng chi tiêu hết thì họ lời ra, không hết thì khoản đó mất. Chính sách này sẽ khuyến khích chi tiêu", đại diện Vingroup chia sẻ.
Ông Hiệp cũng bổ sung đối tượng du lịch để kích cầu không chỉ có người Việt Nam, mà còn bao gồm người nước ngoài ở Việt Nam với hàng trăm người Hàn Quốc, Trung Quốc... Trong bối cảnh ngại ra nước ngoài mà nhu cầu nghỉ dưỡng vẫn có, thì du lịch nội địa Việt Nam sẽ là lựa chọn tối ưu.
Nhiều chuyên gia, DN đồng tình với kiến nghị cho học sinh nghỉ hè đến hết tháng 9 để kích cầu du lịch. Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng Giám đốc Vietravel, còn kiến nghị tặng 1 triệu đồng cho mỗi người dân đi du lịch.
Theo lý giải của CEO Vietravel, với kiến nghị này, bản chất là Nhà nước không phải bỏ tiền ra phát cho dân, mà khi khách đến công ty lữ hành mua dịch vụ 4 triệu đồng sẽ được giảm 1 triệu, khách chỉ bỏ thêm khoảng 3 triệu đồng. Khi đó, du lịch có nguồn thu. Cuối năm, doanh nghiệp nộp thuế thì Nhà nước trừ lại số tiền 1 triệu.