Phó Chủ tịch Ericsson Việt Nam: Điểm khó nhất của Việt Nam là biến sáng tạo thành văn hoá

25/08/2018 14:38 PM | Kinh doanh

Tập thói quen cho nhân viên biết đặt câu hỏi là một trong những phương cách để Ericsson duy trì tính sáng tạo của công ty.

Văn hoá sáng tạo được phát huy rất mạnh từ những người đứng đầu tập đoàn tới nhân viên ở cấp bậc thấp nhất trong nhiều khía cạnh khác nhau, ông Phan Hà Trung, Phó Chủ tịch phụ trách kinh doanh của Ericsson Việt Nam cho biết.

Theo ông, văn hoá sáng tạo có thể xem là căn tính của người Thuỵ Điển, sau đó, đi theo những tập đoàn, doanh nghiệp Thuỵ Điển ra nước ngoài làm ăn, văn hoá này trở thành điểm tích cực được ghi nhận và học tập.

 Phó Chủ tịch Ericsson Việt Nam: Điểm khó nhất của Việt Nam là biến sáng tạo thành văn hoá  - Ảnh 1.

Ông Phan Hà Trung

"Tại công ty của chúng tôi, trong các công việc hàng ngày cho đến triển khai các dự án lớn đều có dấu ấn của đổi mới sáng tạo, cho dù là rất nhỏ", ông Trung nói. Những điều này được tích luỹ cũng như sự nhắc lại từ các cấp dần dần tạo thành một thứ văn hoá xuyên suốt của tập đoàn.

Để phát huy tính sáng tạo, ngay từ lúc đầu vào, công ty đã chú trọng lựa chọn những ứng viên có sự linh hoạt, có sự khác biệt.

"Khả năng sáng tạo của một sinh viên hay một nhân viên thể hiện ở nhiều mặt nhưng quan trọng nhất là khả năng nghĩ khác đi và biết đặt câu hỏi", Phó Chủ tịch Ericsson nói. Ông giải thích với kỹ năng đặt câu hỏi, nhân viên sẽ có cách nhìn nhận một vấn đề đa chiều cũng như tìm ra được nhiều giải pháp cho một sự việc.

Đôi khi lãnh đạo trong công ty sẽ gợi ý cho nhân viên, ông Trung cho biết, cũng dưới dạng những câu hỏi.

"Trong nhiều trường hợp, các nhân viên rơi vào trạng thái quá tải, họ tập trung vào một vấn đề theo một chiều hướng. Do vậy, chỉ cần hỏi họ xem, gợi ý chung, cũng là giúp họ có cái nhìn bao quát hơn", ông nói.

Sáng tạo là điều cần thiết để phát triển, nếu nhìn vào bất cứ một doanh nghiệp nào trên thế giới, không riêng gì Ericsson. Tuy nhiên, ông Trung cho rằng điều khó khăn nhất ở Việt Nam là tính sáng tạo dù có, nhưng chưa trở thành một thứ văn hoá.

"Văn hoá phải được xây dựng hàng ngày, hàng giờ với sự tham gia của từ cấp lãnh đạo đến nhân viên", ông nói. Đơn cử như để tập cho nhân viên tự mình suy nghĩ, tự đặt ra các hướng đi, ông Trung cho biết luôn không trả lời các câu hỏi cho nhân viên mà chỉ giúp họ đặt câu hỏi. Sau nhiều lần, hành động này buộc nhân viên dưới quyền tập thói quen trước khi báo cáo phải suy nghĩ cặn kẽ. "Văn hoá theo đó sẽ được hình thành dần dần", Phó Chủ tịch Ericsson nhận xét.

Theo Vũ Hoà

Từ khóa:  việt nam
Cùng chuyên mục
XEM