[Phim hay] Khởi hành – Chuyện kể về nghề trang điểm cho người chết

09/04/2013 21:00 PM | Giải trí

Bộ phim Nhật Bản đoạt giải Oscar hạng mục phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất trong lễ trao giải lần thứ 81 của Viện hàn lâm Nghệ thuật điện ảnh và Khoa học Hoa Kỳ.

Thông tin phim:

Tên phim: Okuribito – Departures – Khởi hành

Đạo diễn: Yôjirô Takita

Kịch bản: Kundô Koyama

Diễn viên: Masahiro Motoki, Ryôko Hirosue, Tsutomu Yamazaki 

Năm sản xuất: 2008

Giải thưởng: Oscar phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất, giải bộ phim hay nhất năm của Viện hàn lâm Nhật Bản, cùng một loạt các giải thưởng lớn trong các liên hoan phim trong nước và quốc tế.

Giới thiệu:

Masahiro Motoki trong vai Daigo Kobayashi

Dựa theo cuốn tự truyện của Aoki Shinmon, bộ phim sẽ đưa khán giả tham quan và tìm hiểu về một phần thế giới tâm linh của người Nhật. Đó là sự gửi gắm nốt phần yêu thương của người thân dành cho người đã mất bằng cách chải chuốt làm đẹp cho họ, hy vọng họ sẽ sống một cuộc sống tốt đẹp hơn nơi vĩnh hằng.

Đây là một nét đặc biệt mang đậm chất phương Đông huyền bí mà người Châu Mỹ, người Châu Âu không thể nào hiểu hết cho được.

Tuy không cầu kỳ như kỹ thuật ướp xác của người Ai Cập cổ đại,  nhưng kỹ thuật trang điểm cho người đã khuất của Nhật Bản nói riêng và người Châu Á nói chung cũng đòi hỏi phải tỉ mỉ, tinh tế khéo léo không kém. Đó là lý do vì sao đôi bàn tay như có ma thuật của Daigo Kobayashi lại được ví như đôi tay của một nghệ sĩ.

 Kobayashi trở thành một người thất nghiệp, lao đao vì miếng cơm manh áo khi dàn nhạc anh chơi bị giải tán. Anh đành từ biệt Tokyo, cùng vợ trở về làng quê cũ sống trong ngôi nhà mà người mẹ đã mất để lại. Căn nhà này chứa đựng rất nhiều kí ức buồn về thời thơ ấu của anh, khiến anh luôn sống trong tâm trạng lạc lõng, chán nản.

Kobayashi đến với nghề khâm liệm xác chết qua mẩu quảng cáo tìm thấy trên báo. Vì mưu sinh, anh phải dằn lại cảm xúc ghê sợ khi đụng vào xác chết để hoàn thành công việc nhưng dần dần anh bị cuốn hút vào công việc đó, cảm thấy mình đang làm một việc thiêng liêng và ý nghĩa, cảm nhận được tình yêu thương và sự tôn trọng của người còn sống dành cho người đã mất.

                      Kobayashi thật sự có tình cảm với những người anh đã khâm liệm

Công đoạn làm đẹp trong phim được miêu tả vô cùng tỉ mỉ và đầy đủ, từ việc phải mặc quần áo gì, tư thế ngồi, trình tự các bước như thế nào đều được Kobayashi thực hiện với gương mặt nghiêm túc. Những người đã chết, dù nam hay nữ, dù nghèo khó hay giàu có, dù già hay trẻ, dù xấu hay đẹp khi qua bàn tay của Kobayashi trông đều sinh động như người còn sống. Thậm chí có người còn phải thốt lên rằng trông họ còn đẹp, đáng yêu hơn lúc còn sống!

Đôi bàn tay điêu luyện đó không đem đến vinh quang, thành tích nào cho nghệ sĩ đàn cello Kobayashi, nhưng lại mang đến sự kính trọng, ngưỡng mộ của “đồng nghiệp” và thân nhân người chết đối với thợ khâm niệm Kobayashi. Anh là điển hình của sự việc “người không chọn nghề mà nghề chọn người”.


Kobayashi rất tỉ mỉ và chuyên tâm trong công việc


Nhưng quá trình đến với nghề nghiệp đặc biệt này của anh không bằng phẳng và đơn giản chút nào. Kobayashi bị mọi người ghê sợ tránh xa bởi đôi tay chạm vào xác chết và mùi hương mỹ phẩm kỳ cục trên người.

Vợ anh phản đối kịch liệt sau khi xem cuốn băng khâm liệm mẫu của anh, và bỏ đi khi anh không chịu từ bỏ nghề. Không thể trách Mika được bởi bất kỳ ai trong hoàn cảnh đó đều cảm thấy kinh tởm, làm sao còn dám để đôi tay một người tỉ mỉ xoa nắn, sờ mó, tắm rửa cho xác chết rồi lại chạm vào người mình. 

Ryôko Hirosue trong vai Mika Kobayashi 

Trong phim, đạo diễn chọn những người được Kobayashi trang điểm đều là những mẫu người điển hình trong xã hội hiện đại và hoàn cảnh của họ khác nhau dẫn đến những đám tang cũng không giống nhau. Có nhà thì om sòm, mắng mỏ nhau, có nhà thì khóc lóc đau đớn vì cái chết của người thân. Có cậu con trai khi sống phải mang theo những tủi hờn vì giới tính chỉ đến lúc chết mới thực hiện được ước muốn mặc váy, để tóc dài. Có bà cụ dù làn da đồi mồi nhăn nheo vẫn mong muốn được một lần xinh đẹp như hồi con gái. Kobayashi đã biến những điều mong muốn thầm kín của họ thành hiện thực. Có người lại tức giận vì sự chuyên nghiệp của Kobayashi khi anh biến người thân của họ trở nên đẹp hơn thực tế. Có người lại cảm tạ vì sự chu đáo đó của anh.

Phim rất nhẹ nhàng, giản dị và cảm động. Kịch tính trong phim chủ yếu là những đấu tranh nội tâm, những giằng xé giữa hai quan điểm trái chiều của nhân sinh.

Phim đề cao tình cảm gia đình, tình nghĩa vợ chồng, thậm chí ẩn chứa trong mỗi cái chết là nhân, nghĩa, lễ, hiếu.

Công việc trang điểm, tái tạo lại khuôn mặt đã bị biến dạng, hỗ trợ cho hành trình đi xa là sự xúc phạm hay tôn trọng người chết chỉ có thể dựa theo phong tục tập quán của từng vùng, từng nước trên thế giới như câu nói của Kobayashi với ông chủ kiêm thầy dạy của mình “Các ông kiếm tiền từ người chết?”, giống như Việt Nam có câu nói vui của cánh hát âm “Người ta sống thì mình chết, người ta chết thì mình sống”.

Âm nhạc trong phim cũng da diết réo rắt vô cùng. Cảnh Kobayashi kéo đàn trên cánh đồng xanh mướt, xa xa là ngọn núi phủ tuyết, khuôn mặt nghiêm túc của anh ẩn chứa một chút mặc niệm như để tiễn biệt những người đã khuất.  

Tuy thế bộ phim lại mang một gam màu trong sáng chứ không bí ẩn và u ám nặng nề như ý nghĩ thông thường về cái chết. Diễn biến trong phim rất tự nhiên, gần gũi với cuộc sống chứ không mang theo tư tưởng dị đoan, giả tưởng. 

Thường Ngọc

khanhnt

Cùng chuyên mục
XEM