Phía sau cảnh "xếp dép giữ chỗ" trước BV Ung Bướu Sài Gòn: Gã giang hồ hoàn lương, 6 năm phát cơm miễn phí cho người nghèo
Hơn 6 năm qua người ta vẫn nhìn thấy anh Cường cùng bạn bè, người thân của mình phát cơm miễn phí cho bệnh nhân ở bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, nhưng ít ai biết rằng anh từng có một quá khứ "dữ dội".
Đều đặn các ngày thứ Hai đến thứ Năm hàng tuần, bệnh nhân ở bệnh viện Ung Bướu TP.HCM lại xếp hàng ngay ngắn để đợi đến lượt nhận cơm từ một quán cơm vô cùng đặc biệt - quán cơm trên vỉa hè, chỉ diễn ra trong vòng 1 giờ đồng hồ và người ăn cơm không cần trả tiền mà còn được... nhận thêm tiền.
"Tiệm cơm" đặc biệt ở Sài Gòn.
"Tiệm cơm miễn phí" của gã giang hồ hoàn lương
Nghe kể về quán cơm thấy có vẽ ngồ ngộ, nhưng ở Sài Gòn thì lắm cái ngộ, đâu có ai lạ gì mảnh đất và con người ở đây nữa. Hơn 6 năm qua, anh Nguyễn Thanh Cường (49 tuổi) và bạn bè, người thân của anh vẫn dành nhiều thời gian để chăm lo cho bữa ăn của những bệnh nhân ở bệnh viện Ung bướu.
Anh Cường vốn là chủ của một tiệm cơm nằm trên đường Nơ Trang Long, ban đầu việc tổ chức làm thiện nguyện khởi duyên từ một lời hứa của anh đối với người bạn đã mất vì căn bệnh ung thư quái ác. Anh Cường tâm nguyện sẽ dành 49 ngày làm thiện nguyện để giúp đỡ bà con bệnh nhân như một lời cầu phúc cho người bạn quá cố. Thế nhưng sau khi 49 ngày kết thúc, vẫn còn nhiều bệnh nhân trông đợi được giúp đỡ, cảm thông trước khó khăn của người bệnh xa nhà nên anh Cường đã tiếp tục hoạt động phát cơm miễn phí đến bây giờ.
Anh Cường (áo trắng) ổn định trật tự mọi người trong buổi phát cơm.
Bệnh nhân đã quen với hình ảnh xông xáo, nhiệt tình của anh Cường vào những buổi phát cơm nhưng ít ai biết rằng anh từng có một quá khứ bất hảo. Vào những năm cuối thập niên 80, cái tên Cường Ba Cu từng khiến giới giang hồ Sài Gòn dè chừng.
Ra tù vào tội không ít lần, cũng vì sa ngã trước những cám dỗ của vật chất. Nhưng điều kỳ diệu là sau khi lập gia đình vào năm 2000, anh Cường bắt đầu có biến chuyển trong suy nghĩ. Sau khi cha mất, anh quyết tâm làm lại cuộc đời, tìm một công việc ổn định và làm một người tốt.
"Lúc cha tôi hấp hối, ông có dặn là ráng làm người tốt. Tôi khóc rất nhiều và quyết định làm lại" - anh Cường chia sẻ.
Tập thói quen xếp hàng ngay ngắn
Mỗi ngày anh Cường phát khoảng 500 suất cơm miễn phí, ngoài ra anh còn tặng thêm cho mỗi người một số tiền nhỏ để chi tiêu thêm trong ngày. Anh cho biết ban đầu anh cùng bạn bè phát cơm chay cho người bệnh, nhưng nhận thấy mọi người đều ốm yếu và thiếu chất nên anh quyết định chuyển qua tặng cơm có thịt, có cá, đầy đủ chất hơn.
Chuyện làm từ thiện trước nay không phải dễ, nhất là phát đồ miễn phí nơi công cộng. Bản thân anh Cường trước đây cũng gặp không ít khó khăn trong việc ổn định trật tự khi phát cơm, nhiều kẻ xấu lợi dụng lúc đông đúc để giành giật, móc túi...Chính vì vậy anh Cường và những người thực hiện chương trình cố gắng tập cho bệnh nhân thói quen xếp hàng và trật tự khi nhận cơm.
Bệnh nhân xếp hàng ngay ngắn thành thói quen.
Nhiều người giữ chỗ trước bằng cách thủ công.
Đối với những bệnh nhân ở tỉnh lên thành phố chữa bệnh, điều kiện kinh tế eo hẹp, lại không rành đường xá, thì việc làm của anh Cường thật sự giúp ích rất nhiều cho họ. Bà Nguyễn Thị Hiếu (Trà Vinh) chia sẻ: "Tôi rất quý những hộp cơm này, nó giúp tôi tiết kiệm được một ít chi phí, các con cũng đỡ phải lo lắng. Tôi vào đây chữa trị cũng đã 3 tháng rồi, cũng nhờ những ân nhân giúp đỡ mà tôi đỡ chật vật hơn".
Bà Hiền cảm kích trước lòng tốt của anh Cường.
Không chỉ bà Hiếu, mà còn rất nhiều những nụ cười của những bệnh nhân khác đã làm góc vỉa hè nhỏ này bừng sáng. Trong gian khó của cuộc đời, người ta nhận ra con người vẫn nhớ đến nhau, vẫn đủ yêu thương để giúp nhau dù là điều nhỏ nhặt nhất.
Một miếng khi đói, bằng một gói khi no.