"Phát triển bền vững là không làm biến đổi tự nhiên" - Doanh nhân Thái Hương

11/11/2017 10:00 AM | Kinh doanh

Đó là phát biểu rất tâm huyết của bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH milk tại Hội nghị Thượng đỉnh CEO Summit - APEC 2017, ngày 10/11.

Trong bài phát biểu mang tên "Phát Phát triển bền vững và an ninh lương thực từ góc nhìn của TH true MILK", một lần nữa, người đứng đầu Tập đoàn TH đã gọi tên Mẹ Thiên Nhiên và kêu gọi các doanh nghiệp cùng chung sức đồng lòng vì một nền nông nghiệp sạch để phát triển bền vững. Chúng tôi xin lược trích lại bài phát biểu này.

"Không thể chậm trễ hơn nữa"

Trong tâm trí tôi, phát triển bền vững luôn gắn với mẹ thiên nhiên, thuận theo tự nhiên. Vì thế, thông điệp tôi muốn chia sẻ hôm nay là: “Hãy trân quý Mẹ thiên nhiên, người sẽ cho mình tất thảy”

Tới năm 2017, APEC đã quy tụ 21 nền kinh tế thành viên, chiếm 39% dân số thế giới, 57% GDP toàn cầu, khẳng định vị thế là diễn đàn hợp tác kinh tế quy mô hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương.

Trong một thế giới phẳng và rộng lớn như vậy, tôi nhìn thấy Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực chịu nhiều thảm họa thiên nhiên đến từ biển như nước biển dâng, sóng thần, bão lụt... Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế xã hội châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (ESCAP), chỉ tính riêng năm 2011, thiệt hại về kinh tế do thảm họa thiên nhiên gây ra ở châu Á - Thái Bình Dương vào khoảng 294 tỉ USD chiếm 80% tổng số 366 tỉ USD thiệt hại của toàn thế giới và bằng 80% tổng thiệt hại giai đoạn 2000-2009. Tại châu Á - Thái Bình Dương, hàng năm có khoảng 80% dân cư bị ảnh hưởng và hơn 3.000 người bị chết do thảm họa thiên nhiên.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) ước tính, hiện nay trên thế giới vẫn còn khoảng 800 triệu người thiếu đói, trong đó ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có số người thiếu đói lớn nhất, khoảng 500 triệu người.

Trong đó riêng Việt Nam, theo số liệu của Bộ LĐTBXH tới cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn khoảng 8,58 - 8,38%, tương đương với khoảng 1,7 triệu hộ nghèo (trong đó tỷ lệ hộ nghèo ở một số tỉnh vùng núi lên tới 46,43%)

Phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực để chống đói nghèo là điểm mấu chốt cần đặt ra để giải quyết thực tế trên.

Với tâm niệm làm cho người Việt Nam tự hào về đất nước Việt Nam, tôi đã vạch lộ trình kiến tạo hệ sinh thái thực phẩm sạch, hữu cơ với con đường phát triển bền vững. Khởi đầu là Dự án sữa tươi sạch TH true MILK

Khi bắt tay vào triển khai dự án năm 2008, tôi chưa có kiến thức nào về sữa nhưng với sự định vị sản phẩm và trong hoàn cảnh lúc đó Việt Nam 92% nhập khẩu sữa bột về pha lại với nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm, trẻ em thiếu nguồn sữa tươi lành của đồng đất quê hương, tôi thấy “Không thể chậm trễ hơn nữa” và hệ thống trang trại của Dự án có quy mô lên tới 1,2 tỷ USD nơi miền quê xứ Nghệ ra đời.

7 tháng sau đàn bò đã cho dòng sữa tươi sạch đầu tiên. Và 14 tháng kể từ ngày khởi công xây dựng, ngày 26/12/2010 - sản phẩm sữa TH true MILK đến với người tiêu dùng. Tới giờ, chúng tôi đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 là 500triệu USD với đàn bò sữa quy mô 45.000 con trên diện tích 8.100ha đất- xác lập kỷ lục Trang trại chăn nuôi tập trung lớn nhất Châu Á.

Sau sữa là các sản phẩm thực phẩm khác được sản xuất hoàn toàn từ thiên nhiên. Chúng tôi có các trang trại dược liệu, rau củ quả sạch tại Nghệ An; đang bắt tay kiến tạo Dự án gạo sạch, rau sạch ở Thái Bình, các trang trại dược liệu ở những vùng khó khăn nhất của Việt Nam như Hà Giang, Sơn La, Điện Biên…

"Không đi theo hướng biến đổi gen"

Để phát triển bền vững, tôi không đi theo hướng áp dụng công nghệ biến đổi gen, sử dụng hóa chất để “ép” cây, “ép” đất cung cấp thực phẩm cho con người. Cách làm của tôi là phát huy tối đa các giá trị giống cây bản địa, giữ nguyên những gì sáng tạo của Mẹ thiên nhiên, tôn trọng những quy luật tự nhiên chứ không cưỡng chế tự nhiên, không biến đổi tự nhiên (như cách thức biến đổi gen) bởi với tôi, bảo vệ thiên nhiên chính là bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng không biên giới.

Tôi luôn tâm niệm, nông nghiệp phải góp phần cho cây trồng, vật nuôi được sinh tồn ở môi trường tốt. Chúng ta phải bảo vệ những nguồn gen quý của cây lương thực, thảo dược và cây ăn quả để để nhân giống ra các vùng có điều kiện tự nhiên tương thích, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Chúng ta có thể dùng công nghệ cao và khoa học quản trị để hỗ trợ cho cây trồng phát triển tự nhiên, cho năng suất ổn định, bảo vệ mùa màng…

Thực tế nông nghiệp xưa nay đã chứng minh, các loại giống bản địa luôn có cách để tồn tại và phát triển. Chúng ta chỉ cần thuận theo sự thích ứng đó để tạo nguồn thực phẩm tươi sạch, hữu cơ cho con người. Chân lý đúng thì chỉ có 1 con đường, đó chính là tôn trọng quy luật tự nhiên thì cây trái, rau quả sẽ tươi tốt, lương thực sẽ dồi dào. Sau đó, bằng khoa học, chúng ta sẽ chiết xuất những dưỡng chất/vi lượng quý phục vụ con người.

Trong nền kinh tế của 21 nước thành viên APEC, câu chuyện này sẽ được hiểu rộng ra. Nói đến an ninh lương thực là nói đến ngũ cốc, gạo thóc, bột mỳ, sữa… chúng ta phải liên kết với nhau có thể phát triển những vùng sản xuất lương thực phù hợp.

Tại các trang trại của TH, tôi đinh hướng sử dụng các giải pháp hữu cơ để cải tạo đất và tăng chất lượng sản phẩm chứ không dùng chất vô cơ. Khi sản xuất hữu cơ, chúng ta tạo ra một hệ sinh thái hoàn toàn sạch, dẫn đến môi trường sạch… Với định hướng này, chúng tôi đầu tư tại Việt Nam, tại Liên bang Nga để tạo ra một vựa lương thực tươi, sạch cho khu vực Châu Á Thái Bình Dương và sẽ sớm hoàn thành tâm niệm đó.

A.D

Cùng chuyên mục
XEM