Phát tiền, phát séc hay một gói kích cầu ‘khủng’ có phù hợp với Việt Nam?
Đánh giá về đề xuất gói kích cầu quy mô lớn đang rất được quan tâm, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam nhận định: “Quan trọng nhất là phải xem hiện trạng nền kinh tế Việt Nam đang thế nào, khả năng hấp thụ và hiệu quả ra sao. Đó mới là những vấn đề có ý nghĩa nhất, hơn là quy mô của gói kích thích”.
Mới đây, một gói kích cầu lên tới 10% GDP đang được đề xuất. Theo ông, quy mô lớn như vậy có phù hợp trong bối cảnh hiện tại?
Việc thực hiện các gói kích cầu cho nền kinh tế rất cần thiết, nhưng liều lượng bao nhiêu thì mỗi người lại có một quan điểm khác nhau.
Chúng ta không nên cho rằng các quốc gia khác chi tiêu bao nhiêu phần trăm GDP để phục hồi hay kích thích nền kinh tế của họ, thì Việt Nam cũng nên chi tiêu bấy nhiêu để phục hồi và kích thích nền kinh tế. Con số của các quốc gia khác là con số tham chiếu quan trọng, nhưng không thể là cơ sở hay là sức ép để quyết định quy mô gói phục hồi hay kích cầu kinh tế của Việt Nam.
Điều quan trọng là phải xem hiện trạng nền kinh tế Việt Nam đang thế nào, những dư địa nào chúng ta vẫn còn chưa sử dụng đến hay chưa sử dụng hết, khả năng hấp thụ các gói kích cầu, hay truyền tải vốn của chúng ta ra sao, năng lực giải ngân thế nào, gói đó dùng cho đối tượng, dự án nào và hiệu quả kinh tế, xã hội sẽ ra sao. Năng lực của chúng ta có thể quản lý, giải ngân, thực hiện hiệu quả một gói kích thích đến đâu? Đó mới là những vấn đề có ý nghĩa quan trọng nhất, hơn là quy mô của gói kích thích.
Ảnh: Việt Hùng
Bên cạnh đó, chúng ta còn rất nhiều dư địa chưa sử dụng hết. Nên sử dụng hết các dư địa này trước khi tìm kiếm nguồn lực mới. Ví dụ, sau 10 tháng, giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt hơn 50%. Hay giải ngân nguồn vốn ODA tính tới thời điểm hiện tại rất thấp, mới chỉ đạt hơn 25%. Như vậy nguồn lực hiện vẫn còn và năng lực giải ngân chưa được chứng minh là hiệu quả thì việc tìm kiếm nguồn lực mới đặc biệt là qua vay nợ và vay nợ nước ngoài dường như chưa thực sự có tính thuyết phục.
Ngoài ra các dư địa khác cũng còn nhiều. Ví dụ như SCIC cho biết tổng công ty này có tới hơn 30 ngàn tỷ sẵn sàng có thể đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng. Quá trình cổ phần hóa vẫn diễn ra chậm chạp. Nếu đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa thì cũng có thêm nhiều nguồn vốn để tái đầu tư vào nền kinh tế, đặc biệt là các cơ sở hạ tầng thiết yếu quan trọng mà chưa cần dùng tới giải pháp vay nợ hay nâng trần nợ công.
Gói kích cầu do vậy sẽ phải tính toán đến các yếu tố trên, đặc biệt là hiệu quả của nó và khả năng thực hiện và giải ngân. Một gói kích cầu đó phải gắn với các dự án cụ thể và giải quyết các vấn đề cấp bách, có tác động lan tỏa lớn, có khả năng tạo không gian mới cho phát triển kinh tế, giúp giải quyết những điểm nghẽn của nền kinh tế, hay các vấn đề cấp bách về an sinh, xã hội mà chưa nằm trong kế hoạch ngân sách hiện tại hay trong kỳ đầu tư trung hạn sắp tới.
Ngoài vấn đề thực thi, cũng có những ý kiến lo ngại về sự bất ổn định kinh tế vĩ mô hay thâm hụt ngân sách hoặc mất kiểm soát nợ nước ngoài khi tung ra gói hỗ trợ với quy mô lớn. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Mặc dù các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện nay đã tốt hơn rất nhiều so với cách đây mười năm, nhưng không thể không tính đến những rủi ro về kinh tế vĩ mô mà một gói kích thích lên tới 10% GDP có thể mang lại.
Để tài trợ cho gói hỗ trợ với quy mô lớn như thế này, không thể không tăng vay nợ và tăng nợ công. Hiện mức trần nợ công mới ở mức 44 - 46% GDP và nhiều ý kiến cho rằng hoàn toàn có thể đưa nợ công lên mức 50 - 52% GDP. Mức này vẫn dưới trần nợ công đang được quy định là 60%. Nhưng tăng nợ công lên 51% GDP sẽ khiến dư nợ công đến năm 2025 tăng lên gấp đôi so với năm 2020.
Nguồn: Shutterstock
Bên cạnh đó cũng phải tính đến việc trả nợ. Theo dự toán NSNN năm 2021, số dùng trả nợ trực tiếp là hơn 368.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 27% thu ngân sách. Như vậy, cứ mỗi 100 đồng thu ngân sách thì phải dùng 27 đồng để trả nợ. Vay nợ tăng thêm sẽ khiến tỷ lệ phải chi cho trả nợ gốc và lãi sẽ tăng theo, từ đó thu hẹp dư địa cho tăng chi đầu tư phát triển trong trong tương lai.
Thực tế này cho thấy, gói kích thích quy mô lớn và đươc tài trợ bằng nợ công sẽ tiếp tục tăng thêm rủi ro đáng kể cho an ninh tài chính quốc gia. Hơn nữa, chúng ta không nên luôn đẩy mình vào thế sát chân tường khi luôn ở mức sát với trần nợ công cho phép. Chúng ta cần một khoảng lùi khi cần thiết.
Hơn nữa, với tư duy về một gói kích thích ở mức độ vừa phải hơn, bắt buộc chúng ta sẽ phải tuân theo nguyên tắc sử dụng nguồn lực khan hiếm hơn một cách hiệu quả hơn. Một gói kích thích nhỏ hơn dường như cùng phù hợp hơn với khả năng quản lý và giải ngân nguồn vốn của chúng ta hiện nay.
Chúng ta cần làm gì để tránh rủi ro ngân sách nếu như thực hiện gói kích cầu lớn này?
Có nhiều cầu hỏi khác cần được trả lời về gói kích cầu như hiệu quả sử dụng vốn thế nào, nguồn lực lấy từ đâu, và sẽ hoàn trả khoản vay như thế nào trong tương lai. Các cơ quan tham mưu về gói kích thích cần phải trả lời đồng thời những câu hỏi đó cùng với các câu hỏi về quy mô và liều lượng.
Chính phủ nhiều lúc cũng giống như doanh nghiệp, phải đi vay và sử dụng đòn bẩy tài chính để kích thích kinh tế. Nhưng cũng giống với doanh nghiệp và nhà đầu tư, khi sử dụng đòn bẩy tài chính thì Nhà nước cũng luôn phải tính đến lợi ích thu được là như thế nào, và sẽ hoàn trả lại khoản vay đó ra sao.
Đối với một quốc gia, lợi ích của việc sử dụng đòn bẩy tài chính không phải lúc nào cũng là các lợi ích về kinh tế, mà còn có thể là các lợi ích khác về an sinh xã hội, môi trường, lợi ích cho người lao động hay cho nhóm yếu thế. Nhưng dù thế nào, các lợi ích đó cũng phải được định lượng để giải trình là lợi ích tương xứng với chi phí của gói kích thích đó.
Ảnh: Việt Hùng
Đặc biệt, để giảm bớt các rủi ro về ngân sách và tối đa hóa các lợi ích về kinh tế, xã hội, cũng như hiệu quả, gói kích thích cần được gắn với các dự án hay công trình cụ thể. Ví dụ như, xử lý dứt điểm những đoạn tuyến còn lại chưa xác định được vốn của tuyến cao tốc Bắc – Nam, các dự án đường sắt kết nối với các cảng Hải Phòng, Cái Mép – Thị Vải và các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng để giải quyết những điểm nghẽn, tạo năng lực vượt trội, khác biệt về cơ sở hạ tầng và logistics cho đất nước trong một vài năm tới. Hoặc nó cũng phải gắn vào các dự án cụ thể để giải quyết những hạn chế mà đại dịch đã giúp chúng ta nhìn thấy rõ hơn, như nâng cấp hệ thống y tế, nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động nhập cư.
Lựa chọn các dự án tốt, gắn gói kích cầu với các dự án đó sẽ giúp cho nguồn vốn kích cầu được sử dụng hiệu quả và dễ dàng cho sự giám sát đối với hiệu quả của nguồn vốn kích cầu, về cả phương diện thiết kế, huy động, giải ngân và sử dụng. Các dự án từ gói kích cầu phải mang lại lợi ích trực tiếp kinh tế và xã hội để giải trình cho sự cần thiết của gói kích cầu đó. Điều này cũng giúp giảm thiểu các rủi ro về ngân sách trong tương lai.
Nguồn: businesstimes
Nếu đi vào thực hiện, cần lưu ý điều gì để gói kích cầu này thực sự hiệu quả?
Chúng ta hãy trả lời câu hỏi là sử dụng nguồn lực của gói hỗ trợ đó vào mục đích gì, và tác động đến nền kinh tế ra sao. Giống như khi vay vốn, trước tiên chúng ta phải có định hướng rõ ràng là sẽ đầu tư vào cái gì, và lợi ích mang lại là gì.
Đối với nền kinh tế, khi gói hỗ trợ được đưa ra, phải xác định mục tiêu của gói hỗ trợ đó sẽ giải quyết vấn đề gì. Mục tiêu của gói hỗ trợ không thể chung chung là hồi phục kinh tế, cần đi sâu vào cụ thể. Ví dụ, gói hỗ trợ cho mục đích an sinh, thì phải xác định rõ nguồn lực để thực hiện gói an sinh này đến từ đâu, hướng tới nhóm đối tượng nào, người dân, người lao động, hay người dễ tổn thương trong xã hội…
Để từ đó, chúng ta xác định chính xác người dân sẽ nhận được những lợi ích nào, cụ thể là thu nhập sẽ tăng bao nhiêu, giúp họ đảm bảo được cuộc sống trong vòng bao nhiêu tháng nếu triển khai gói hỗ trợ.
Bên cạnh các gói hỗ trợ cho người lao động, gói hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng phải có mục tiêu rõ ràng. Ví dụ, khi cho doanh nghiệp vay, cần tính toán tổng số tiền cho doanh nghiệp vay là bao nhiêu, và giúp cho doanh nghiệp hồi phục sản xuất như thế nào, nâng cao khả năng tạo lợi nhuận của doanh nghiệp ra sao.
Tất cả những điều này cần được tính toán trước khi đưa ra mục tiêu của gói hỗ trợ. Phải bắt đầu bằng những câu hỏi trên, thì sau đó chúng ta mới quay trở lại tính đến quy mô của gói hỗ trợ được.
Ngoài ra, từ những câu hỏi trên, chúng ta cũng sẽ xác định được dư địa thực tế trên thị trường đang ở mức nào, khả năng tự phục hồi của doanh nghiệp ra sao.
Chúng ta mới chủ yếu thảo luận về quy mô, con số của gói hỗ trợ, chứ ít khi thảo luận việc sử dụng nguồn tiền đó hiệu quả cho nền kinh tế như thế nào, kể cả về mặt lợi ích kinh tế và lợi ích an sinh xã hội.
Chúng ta nên thực tiễn khi thiết kế và đề xuất ra quy mô của gói kích thích. Như vậy sẽ phù hợp hơn là việc cứ đưa ra một con số rất lớn song không phù hợp với khả năng quản lý, thực hiện và giải ngân. Những con số lớn, choáng ngợp có thể có thể làm sao nhãng yêu cầu và ưu tiên phải sử dụng hiệu quả những nguồn lực, dư địa hiện có hiện nay.
Cảm ơn ông!