Phát hiện một hành tinh bí ẩn bị văng ra khỏi hệ Mặt Trời, nghi là 'Hành tinh thứ 9"

10/11/2020 11:00 AM | Khoa học

Theo nghiên cứu vừa được công bố bởi các nhà khoa học tại Viện khoa học (Mỹ), một hành tinh nằm giữa Sao Thổ và Sao Thiên Vương có thể đã bị văng ra khỏi hệ Mặt Trời vào thời điểm cách đây hàng tỷ năm.

Trong giai đoạn sơ khai cách đây hàng tỷ năm, Mặt Trời được bao quanh bởi một đĩa bồi tụ gồm bụi và khí gas. Thông qua vô số vụ va chạm, các hành tinh bắt đầu hình thành, quay quanh ngôi sao của chúng ta ở một khoảng cách tương đối gần. Bản thân quỹ đạo của các hành tinh trong giai đoạn này cũng nằm rất gần nhau. Sau đó, các hành tinh có khối lượng lớn hơn đã tạo một loạt các tương tác hấp dẫn, khiến vị trí của các hành tinh trong hệ Mặt Trời liên tục biến đổi, trước khi đạt được quỹ đạo ổn định như hiện tại.

Để có một bức tranh rõ ràng hơn về quỹ đạo của các hành tinh vào thời điểm sơ khai của hệ Mặt Trời, nhóm nghiên cứu tại Viện khoa học Carnegie (Mỹ) đã tiến hành khoảng 6.000 mô phỏng trên siêu máy tính.

"Chúng ta hiện đã biết về sự tồn tại của hàng nghìn hệ hành tinh trong Dải Ngân hà", chuyên gia Matt Clement, tác giả nghiên cứu cho biết.

"Nhưng hóa ra sự sắp xếp của các hành tinh trong Hệ Mặt trời của chúng ta rất bất thường, vì vậy chúng tôi đang sử dụng các mô hình để mô phỏng và tái tạo quá trình hình thành của các hành tinh. Điều này giống như việc bạn cố gắng tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra trong một vụ tai nạn ô tô, bao gồm tốc độ chạy của xe, hướng chạy .v.v"

Phát hiện một hành tinh bí ẩn bị văng ra khỏi hệ Mặt Trời, nghi là Hành tinh thứ 9 - Ảnh 1.

Khi hệ Mặt Trời mới hình thành, các hành tinh có quỹ đạo nằm rất gần nhau

Sau khi xem xét kĩ lưỡng các mô phỏng được tạo ra bởi máy tính, nhóm nghiên cứu phát hiện quỹ đạo của Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương, hai hành tinh ở rìa ngoài của hệ Mặt Trời, được xác định bởi vành đai Kuiper – một khu vực gồm những mảnh vỡ, giống với vành đai các tiểu hành tinh, nhưng được tạo thành chủ yếu từ băng và rộng lớn hơn.

Đáng chú ý, các nhà khoa học cũng phát hiện một hành tinh băng khổng lồ có quỹ đạo nằm giữa sao Thổ và Sao Thiên Vương có thể đã bị văng ra khỏi hệ Mặt Trời dưới tác động của tương tác hấp dẫn vào thời điểm cách đây hàng tỷ năm. Điều này có nghĩa, hệ Mặt Trời vào giai đoạn sơ khai đã có tới 9 hành tinh cùng tồn tại, thay vì 8 như hiện tại.

Theo Futurism, các nhà khoa học vẫn chưa tìm kiếm được ‘tung tích’ của hành tinh thứ 9 bí ẩn này. Không loại trừ khả năng, hành tinh băng đang trong quá trình hình thành này hiện đã lưu lạc trong không gian sâu thẳm, trở thành một hành tinh du mục (hay hành tinh lang thang).

Một nghiên cứu được thực hiện gần đây đã chỉ ra có tới hơn một trăm tỷ hành tinh lang thang đang tồn tại trong dải Ngân Hà.  Khác với các hành tinh bình thường vốn quay xung quanh một ngôi sao chủ, các hành tinh du mục không bị ràng buộc với bất kỳ ngôi sao nào. Giống như những bóng ma, chúng trôi dạt vô định trong không gian trống rỗng, không thuộc về thứ gì ngoại trừ bóng tối.

Anh Việt

Cùng chuyên mục
XEM