Phát hiện mắc ung thư, ông bố 2 con bàng hoàng sợ hãi, muốn bỏ tất cả: Kỳ tích đã xảy ra!
Phát hiện ung thư trong một lần khám sức khỏe, ông bố 2 con bàng hoàng, sợ hãi, muốn từ bỏ tất cả để ‘chạy trốn’... Nhưng phép màu và kỳ tích đã xảy ra.
Trong một lần đi khám sức khỏe vào dịp 30/4/2021, anh Giáp Thanh Mạnh (quê Bắc Giang) được bác sĩ báo kết quả mắc ung thư hạch bạch huyết (hay còn gọi là u lympho) giai đoạn 1.
"Lúc ấy tôi đang trên đường về quê, nghe bác sĩ báo kết quả, tay tôi run run không thể lái xe thêm nữa. Dừng lại ven đường, tôi ngẩn người và bắt đầu điên cuồng tìm hiểu về bệnh. Mọi thông tin đều tiêu cực khiến tôi rất sốc. Thời điểm ấy, tôi chẳng có biểu hiện gì ngoài việc ho lâu ngày không khỏi. Ngỡ tưởng do thời tiết, hoặc nặng nhất là mắc COVID-19 nhưng không ngờ, căn bệnh quái ác nó đã ở trong người tôi từ khi nào không hay", anh Mạnh chia sẻ.
Tấp vào lề đường mấy chục phút, anh Mạnh mới đủ tỉnh táo lái xe về quê. Anh quyết định giấu vợ, giấu gia đình, tự ôm nỗi lo và suy nghĩ hoang mang tiêu cực một mình. Trong một tuần, anh Mạnh sút 4kg, người phờ phạc và mất sức sống.
Anh bắt đầu có ý nghĩ chạy trốn, tìm cách bỏ vợ, bỏ quê đi làm ăn xa. Anh còn nghĩ sẽ đến vùng đất mới và sống nốt quãng đời còn lại.
"Thời điểm ấy, tôi tìm hiểu về ung thư thì biết ít ai sống được, nếu điều trị thì lại vô cùng tốn kém. Nên tôi quyết định không điều trị mà buông bỏ, tùy số phận định đoạt. Ban đầu tôi nói dối vợ là ‘thời gian tới anh sẽ đi công tác xa dài ngày, có thể vài năm hoặc lâu hơn thế’", anh Mạnh tìm cớ để có thể ly hôn vợ một cách dễ dàng.
Nhưng mọi việc cũng chẳng như anh mong muốn, người vợ nghi ngờ nên đã theo dõi, phát hiện anh nói dối sau khoảng 1 tháng. Bí mật bại lộ, anh kể hết với vợ một lần. Chị nhà sốc, buồn và khóc vì thương anh, thương con và thương cả chính bản thân chị. Nhưng chị vực dậy tinh thần, động viên anh cố gắng, 2 vợ chồng cùng vượt qua.
"Khi đó, tôi từng nói với vợ 'nếu em tìm được người nào tốt, em dẫn về anh xem mắt nhé. Để lúc anh còn sống, còn biết được người các con anh nương tựa sau này như thế nào'. Mỗi lần tôi nói ra câu ấy, vợ tôi lại bật khóc và động viên tôi. Tôi thì cũng đau, đêm đêm nhìn vợ con ngủ là khóc. Nhưng tôi muốn vợ con có cuộc sống tốt hơn, không phải phiền lụy vì một người bệnh như tôi, buộc lòng tôi phải làm như vậy", anh Mạnh tâm sự.
May mắn gặp những điều tích cực
Mặc dù anh Mạnh được vợ động viên nhưng anh luôn trong trạng thái tiêu cực. Trong một lần vô tình được một người bạn nhắn tin hỏi thăm, anh Mạnh bộc bạch rằng mình sắp chết, sẽ nhanh rời khỏi thế giới, vì bản thân mình mắc ung thư.
Gia đình luôn là chỗ dựa tinh thần cho anh Mạnh vượt qua mọi chuyện.
"Chị bạn tôi đã động viên tôi rằng rất nhiều người đã khỏi ung thư và vẫn khỏe mạnh đến tận bây giờ… Chị dẫn tôi xuống tận nơi để cho tôi chứng kiến người thật, việc thật", anh kể.
Khi được người chị động viên, anh Mạnh vững vàng tâm lý hơn, cảm thấy bản thân 'vớ' được chiếc cọc may mắn để bám vào.
Anh Mạnh bình tĩnh hơn, quyết định xuống viện khám. Thời điểm ấy vào viện khám vô cùng khó khăn vì dịch COVID-19 căng thẳng, bệnh viện K đóng cửa, anh quyết định vào Bệnh viện Ung bướu Hà Nội.
"Vào viện, tôi được bác sĩ khám và kết luận ‘bệnh của em chữa ngon, vô tư nên em không phải lo’, tâm lý của tôi càng vững vàng hơn nữa", anh Mạnh kể.
Sau hơn 1 tháng phát hiện bệnh, anh Mạnh tiến hành hóa trị. Trong quá trình điều trị bệnh, ngoài người nhà bên cạnh, anh Mạnh còn được người chị thân thiết đồng hành cùng.
Anh kết hợp hóa trị cùng việc thải độc cơ thể và cố gắng bổ sung thêm một số chất dinh dưỡng cần thiết. Cùng với đó là việc tìm hiểu sâu và kỹ hơn về ung thư, anh thấy ung thư không đáng sợ như bản thân mình từng nghĩ.
Hóa trị được gần 1 tháng, gan của anh bị ảnh hưởng, anh chuyển sang Bệnh viện Thanh Nhàn điều trị gần 1 tháng sau đó trở về nhà sinh hoạt, làm việc bình thường.
Anh khoe: "Hóa trị được hơn 1 tuần, người bình thường sẽ cảm thấy rất mệt mỏi và không thể làm được gì nhưng tôi lại ngược lại. Mặc dù hơi mệt nhưng tôi vẫn đi làm bình thường như chưa từng có bệnh. Quả thật rất kỳ diệu".
Ba tháng sau tái khám, anh Mạnh được bác sĩ thông báo kết quả vô cùng tốt, khối u tại chỗ sinh thiết từ u ác trở thành lành tính, trong người chẳng có dấu hiệu là đã từng mắc ung thư. Nếu 10 năm nữa, bệnh không tái phát thì sẽ khỏi hẳn.
"Nghe được bác sĩ kết luận, tôi vui chẳng tả nổi. Từ khoảng thời gian như địa ngục ngoi lên, đến bây giờ khi nhận được tin vui, tôi như được sống lại thêm một lần nữa", anh Mạnh chia sẻ.
Mặc dù rất vui mừng nhưng anh Mạnh vẫn được bác sĩ căn dặn cẩn thận trong ăn uống, hạn chế ăn mỡ động vật, uống rượu bia…, ăn lành mạnh và bổ sung nhiều rau vì bệnh rất dễ tái phát.
Cũng từ đó, từ một người chẳng bao giờ từ chối cuộc nhậu nào, anh Mạnh đi làm và về thẳng nhà chăm sóc nhà cửa cùng vợ, rảnh thì chơi cùng con. Anh Mạnh ngẫm lại cuộc sống và cảm thấy an yên hơn.
"Sau hơn 1 năm trải qua khá nhiều thăng trầm, tôi mới nhận ra ung thư không phải con đường cuối cùng. Thực ra việc sống hay chết không quan trọng, ngược lại chúng ta hãy sống thật ý nghĩa. Đồng thời, trong mỗi chúng ta, khi gặp một tình huống nào đó, mình càng bình tĩnh thì cơ hội sống sót ngày càng cao. Càng cuống thì càng rối, càng không có cách giải quyết. Và chúng ta nên sống tích cực, gặp những người tích cực như chị bạn tôi để chúng ta có được những điều tốt đẹp", anh Mạnh chia sẻ.
Theo PGS.TS.BS Yi Hyeon Gyu - Trưởng Đơn nguyên Huyết học và Trị liệu tế bào, Đơn nguyên Huyết học và Trị liệu tế bào, u lympho là một dạng bệnh lý ung thư máu khi tế bào hạch bạch huyết phát triển quá mức kiểm soát. Hạch bạch huyết là một phần thuộc hệ thống miễn dịch. Chúng di chuyển khắp cơ thể ở hệ bạch huyết giúp bạn chống lại sự nhiễm khuẩn.
TS. Vũ Đức Bình, Trưởng khoa Bệnh máu tổng hợp, Viện Huyết học – Truyền máu TW, cho biết khi điều trị u lympho nói riêng cũng như các bệnh lý huyết học nói chung, trong giai đoạn bị bệnh, người bệnh cần hạn chế vận động nặng, ăn uống đủ chất và đảm bảo vệ sinh. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là yếu tố đặc biệt quan trọng trong chăm sóc người bệnh ung thư hạch nói chung và ung thư máu nói riêng.
Theo các chuyên gia, việc sử dụng thêm thực phẩm bổ dưỡng, thuốc nam hoặc thực phẩm chức năng để hỗ trợ sức khỏe cho người bệnh cần được cẩn trọng. Trong giai đoạn hoá trị liệu, chưa có cơ sở để chứng minh các sản phẩm này đóng góp nhiều giá trị trong quá trình điều trị bệnh. Đặc biệt, nếu như không kiểm soát được nguồn gốc thuốc nam hoặc thực phẩm thì còn có thể ảnh hưởng đến quá trình điều trị.