Phát hiện 10 ca mắc Covid-19 trong 2 ngày, Hà Nội khuyến cáo người dân chỉ ra đường khi thật cần thiết

06/07/2021 13:55 PM | Xã hội

Trước tình hình diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội ngày càng phức tạp, BCĐ khuyến cáo người dân ra đường, chỉ khi có việc thật sự cần thiết.

Tại cuộc họp BCĐ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, sau 8 ngày (kể từ 26/6) không có ca mắc ngoài cộng đồng, thì tới ngày 5/7, đã xuất hiện 10 ca mắc mới. Phó Chủ tịch cũng nhận định, nguy bùng phát dịch tại Hà Nội vẫn cao do diễn dịch khó lường tại các tỉnh, thành phố; di biến động người từ các tỉnh thành về Hà Nội đông; biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh…

Theo Phó Chủ tịch, từ 0h ngày 26/6, thành phố cho phép nới lỏng một số hoạt động, đã xuất hiện tâm lý lơ là chủ quan của một số người dân. Qua công tác kiểm tra thực tế các cơ sở kinh doanh, các Trung tâm thương mại vào 2 ngày vừa qua, theo Phó Chủ tịch đánh giá, một số cơ sở kinh doanh ăn uống chưa thực hiện đúng quy định đóng cửa sau 21 giờ.

Riêng các Trung tâm thương mại, vẫn còn tình trạng người đến đông, chưa đảm bảo giãn cách… Từ đó, Phó Chủ tịch đề nghị các địa phương phải siết chặt công tác quản lý và chấn chỉnh kịp thời.

Từ đó, Phó Chủ tịch UBND TP nêu rõ các đầu việc quan trọng là: nhanh chóng khoanh vùng dập dịch, kiểm tra xử lý nghiêm vi phạm phòng chống dịch khi thành phố đã nới lỏng một số loại hình kinh doanh và đặc biệt là đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Giao Sở Công Thương và các địa phương phải rà soát, chấn chỉnh ngay các biện pháp phòng dịch ở các trung tâm thương mại khi người rất đông, không thực hiện khai báo y tế. Có các văn bản, hướng dẫn TP đã có đầy đủ, các địa phương phải thực hiện nghiêm túc. Nhìn vào nguy cơ căng thẳng ở các tỉnh phía Nam. Hà Nội phải thực sự nghiêm túc thực hiện các giải pháp không để dịch bệnh lây lan".

 Phát hiện 10 ca mắc Covid-19 trong 2 ngày, Hà Nội khuyến cáo người dân chỉ ra đường khi thật cần thiết - Ảnh 1.

Hà Nội ghi nhận 10 ca mắc trong 2 ngày 5-6/7.

Phó Chủ tịch UBND TP phân tích cứ sau 7-10 ngày nỗ lực không có ca mới, thành phố lại phát sinh ca mắc mới. Các kết quả phòng dịch mới là bước đầu. Thành phố cũng nới lỏng các biện pháp phòng dịch với mong muốn đời sống người dân tốt hơn. "Người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, chỉ ra khỏi nhà khi có việc thực sự cần thiết; khai báo y tế đầy đủ khi đi về từ vùng có nguy cơ…", Phó Chủ tịch thành phố nhấn mạnh.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND thành phố giao Chủ tịch UBND các quận huyện, thị xã, BCĐ các địa phương phải tập trung cao nhất; phải trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng dịch, hoạt động của các tổ Covid cộng đồng trong việc giám sát di biến động người dân bởi đây là thời điểm rất quan trọng khi diễn biến dịch bệnh khó lường, "phải nhìn tỉnh bạn mà lo lắng cho chúng ta".

Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu tiếp tục rà soát các khu cách ly tập trung, đảm bảo con số 40.000 chỗ với phương châm "4 tại chỗ", các quận nội thành có khó khăn thì phối hợp với các đơn vị ngoại thành để xây dựng các khu cách ly tập trung. "Phải sẵn sàng, khi TP có yêu cầu, 24h phải thực hiện ngay. Đơn vị nào không triển khai phải chịu trách nhiệm".

Các đơn vị phải thường trực 24/24/7, sẵn sàng bao vây, khoanh vùng, khi có ca mắc mới phải khẩn trương truy vết đến cùng. "Như huyện Mỹ Đức, các trường hợp F1 phải đưa đi cách ly từ đêm qua, chứ không phải sáng nay vẫn còn đề xuất. Phải khẩn trương nhất có thể. Việc lấy mẫu, trả kết quả phải thực hiện đúng theo công thức 4-6. 10h phải có kết quả", Phó Chủ tịch UBND TP dẫn chứng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Mỹ Đức, Đông Anh, Hoàng Mai nhanh chóng khoanh vùng, truy vết các trường hợp liên quan, phối hợp thông tin chặt chẽ với các địa phương có liên quan không để dịch bệnh tiếp tục lây lan.

Đối với việc đảm bảo an toàn tuyệt đối kỳ thi tốt nghiệp THPT, Hà Nội đã chuẩn bị kỹ càng, diễn tập các phương án. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị Sở GD&ĐT tổ chức đoàn công tác đến kiểm tra thực tế các điểm thi ở 2 nơi có ổ dịch mới ở Mỹ Đức, Đông Anh.

Với các trường hợp ho, sốt khi dự thi, các cán bộ y tế ở điểm thi phải xử lý bài bản, không gây căng thẳng, không làm mất thời gian, ảnh hưởng đến kết quả thi của thí sinh. Việc thông tin phải chính xác, chặt chẽ, có người chịu trách nhiệm rõ ràng, không để dư luận hoang mang.Sở GD&ĐT phải sớm có báo cáo chính xác về số thi sinh F0, F1, F2.

Với một số trường thuộc các đại học có tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng, chủ tịch UBND các quận huyện chịu trách nhiệm phối hợp, lên phương án, phê duyệt phương án đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên tinh thần: "tạo điều kiện tối đa, nhưng phải tuyệt đối an toàn vì theo sơ bộ thống kê có trường có thí sinh đến từ 43 tỉnh thành khác dự thi".

"Theo dự báo thời tiết, 2 ngày tới Hà Nội có thể có mưa. Phải sẵn sàng phương án phục vụ thí sinh. Ở một số điểm thi, thí sinh di chuyển khá xa, các nhà trường, điểm thi rà soát có phương án đảm bảo phục vụ thí sinh tốt nhất", Phó Chủ tịch UBND thành phố cho hay.

Lê Liên

Cùng chuyên mục
XEM