Phát động chính biến nhưng trong tay chỉ có 3.000 binh sĩ, Tư Mã Ý dựa vào đâu mà có thể dễ dàng lật đổ được Tào Ngụy?
Để lật đổ được Tào Ngụy, không chỉ dựa vào 3.000 binh sĩ, Tư Mã Ý cần phải dựa vào nhiều yếu tố khác nữa. Vậy những yếu tố đó là gì?
Năm Gia Bình nguyên niên (tức năm 249), Tư Mã Ý phát động binh biến lăng Cao Bình.
Trước trận binh biến, Tư Mã Ý đã bị đại tướng quân Tào Sảng bài xích, tước hết thực quyền. Khi ấy Tư Mã Ý chỉ còn là một Thái phó hữu danh vô thực, trên danh nghĩa không hề nắm quyền hành về binh mã.
Ngược lại, Tào Sảng thân là Đại Tướng quân, trong tay nắm hơn vạn cấm quân thành Lạc Dương, quyền khuynh triều dã. Cũng chính vì thế nên Tư Mã Ý phải lúc Tào Sảng không có trong thành mới có thể phát động binh biến.
Trong trận binh biến lăng Cao Bình, Tư Mã Sư đích thân dẫn binh trấn giữ trước phủ Tư Mã, khống chế kinh thành Lạc Dương nhà Ngụy.
Về sau, luận công khen thưởng Tư Mã Sư được phong làm Trường Bình hương hầu, giữ chức Vệ Tướng quân.
Đêm trước ngày binh biến, sau khi Tư Mã Ý đem kế hoạch nói với Tư Mã Chiêu và Tư Mã Sư, Tư Mã Chiêu lo lắng đến mức cả đêm không ngủ, mà Tư Mã Sư lại ngủ ngon như thường.
Rạng sáng ngày hôm sau, lúc hội binh ở Tư Mã phủ, Tư Mã Sư trấn tĩnh, bày binh bố trận kỹ càng. Tư Mã Ý thấy vậy đã phải thốt lên rằng: "Đứa con trai này của ta, không ngờ lại tài giỏi như thế."
Lúc đầu, Tư Mã Sư đã lén nuôi hơn ba nghìn tư binh, vẫn luôn ẩn nấp trong thành, cho đến ngày hôm ấy, ông ta đã phát lệnh gọi về, mọi người đều không rõ việc gì.
Hình ảnh nhân vật Tư Mã Ý trên phim.
Sau khi đại công cáo thành, Tư Mã Sư có công được phong làm Trường Bình hương hầu, thưởng ấp hơn nghìn hộ dân. Không lâu sau đó, Tư Mã Sư được gia phong chức Vệ Tướng Quân.
Cho nên, đối với Tư Mã Ý, hơn 3000 tử sĩ mà Tư Mã Sư âm thầm triệu tập chính là cơ sở quan trọng để phát động cuộc binh biến. Song có một câu hỏi đặt ra là, khi Tư Mã Ý phát động binh biến, trong tay chỉ có hơn ba nghìn quân, tại sao lại có thể thành công?
Có một vài lý do sau:
1. Tư Mã Ý có được sự ủng hộ của Thái Hậu
Trong cuốn "Tấn Thư - Quyển một – Đế kỷ thứ nhất" có ghi chép lại rằng: "Ngày Giáp Ngọ tháng Giêng mùa xuân năm Gia Bình nguyên niên, Thiên tử tế Cao Bình lăng, anh em Sảng theo hộ tống. Cùng ngày, Thái Bạch tập nguyệt. Đế thượng tấu với Thái Hậu Tần Vĩnh Ninh, phế bỏ anh em Sảng." (Đế ở đây là chỉ Tư Mã Ý).
Tháng Giêng năm Gia Bình nguyên niên (tức năm 249), Ngụy Đế Tào Phương rời thành Lạc Dương đến lăng Cao Bình tế bái Ngụy Minh Đế (nay là thôn Công Như Điếm, xã Đại An, huyện Nhữ Dương, Lạc Dương), đi theo hộ tống có Đại Tướng quân Tào Sảng, Trung lĩnh quân Tào Hi, Vũ vệ Tướng quân Tào Huấn.
Tư Mã Ý thừa cơ thượng tấu Quách Thái Hậu, xin phế chức anh em Tào Sảng. Vì lẽ đó, rất rõ ràng là trong trận binh biến lăng Cao Bình, Tư Mã Ý đã nhận được sự ủng hộ của Quách Thái Hậu, việc này giúp Tư Mã Ý tránh được vấn đề vô cớ xuất binh.
Trong lịch sử thời cổ đại, khi Hoàng đế còn nhỏ hoặc bệnh nặng, Thái Hậu có thể thay vua chấp chính quyền hành, cho nên có quyền hạ lệnh.
Ảnh minh họa.
Ví dụ như, vào cuối thời nhà Đông Hán, sau khi Hán Linh Đế băng hà, Hà Thái Hậu là người có quyền lực nhất triều đình. Hay cũng như bạo phát sự biến Đoạt Môn thời nhà Minh, Thạch Hanh, Từ Hữu Trinh cùng Tào Cát Tường cũng vì nhận được sự ủng hộ của Tôn Thái Hậu, mới có thể giúp Chu Kỳ Trấn đoạt được ngai vàng.
Xét từ góc độ ấy, Tư Mã Ý mượn danh nghĩa của Quách Thái Hậu bãi miễn chức vị của anh em Tào Sảng cũng là điều dễ hiểu.
Dù rằng khi ấy Hoàng đế là Tào Phương, nhưng Tào Phương vẫn chưa chính thức chấp chính cho nên mệnh lệnh của Thái Hậu vẫn rất có quyền lực. Giống như trong bộ phim truyền hình "Đại Tần phú", Thái Hậu Triệu Cơ vẫn có quyền ban mệnh lệnh cho đến khi Tần Thủy Hoàng Doanh Chính tự mình chấp chính.
Đương nhiên sẽ có người thắc mắc, Tào Sảng là tông thất nhà Ngụy, tại sao Quách Thái Hậu không giúp Tào Sảng mà lại ủng hộ Tư Mã Ý? Dù sao thì về tình hay về lý, quan hệ giữa Tào Sảng và Quách Thái Hậu cũng gần gũi thân thiết hơn.
Về việc này, có lẽ lý do nằm ở Tào Sảng.
Trong cuốn "Tấn Thư – Chương thứ hai mươi chín – Chí thứ mười chín" có ghi chép rằng: "Lúc ấy, Tào Sảng soán quyền, đưa Thái Hậu vào cung Vĩnh Ninh, khiến cho Thái Hậu và Hoàng đế phải đau khổ chia xa."
Nhà Ngụy năm Chính Thủy thứ 8 (tức năm 247), Đại Tướng quân Tào Sảng nghe theo kế sách của Hà Yến, Đặng Dương và Đinh Mật, giam lỏng Quách Thái Hậu trong Vĩnh Ninh cung, lúc chia tay, Quách Thái hậu cùng Tào Phương còn ôm nhau mà khóc, Tào Sảng từ đó nắm trong tay đại quyền nhà Ngụy.
Đối với vị đại tướng quân Tào Sảng, vì để tiêu diệt tất cả chướng ngại, ông chọn cách giam lỏng Quách Thái Hậu, hành động này đã đắc tội với vị Thái Hậu này, khiến cho Tào Sảng sau này thất bại trước Tư Mã Ý trong binh biến lăng Cao Bình.
Hình ảnh nhân vật Tào Sảng trên phim.
2. Tào Sảng cùng em trai đều ra khỏi thành, Cấm quân như rồng mất đầu
Lúc Tào Phương tại vị, Tào Sảng nghe theo mưu kế của thân tín Đinh Mật, phong Tư Mã Ý làm Thái phó, thừa cơ tước đi binh quyền của Tư Mã Ý. Đồng thời, thăng chức cho thân tín của Tư Mã Ý là Tưởng Tế làm Thái Úy, thừa cơ bãi nhiễm chức vụ Lĩnh quân tướng quân cùng quyền quản lý Cấm quân trong tay Tưởng Tế, phong cho em trai mình là Tào Hi làm Trung lĩnh tướng, lại bãi nhiễm vị trí Hiệu úy hai doanh Trung Lũy và Trung Kiên trong năm doanh của Cấm quân, đưa binh quyền hai doanh ấy giao cho Tào Hi thống lĩnh.
Hơn nữa, Tào Sảng còn phong cho Tào Huấn làm Vũ vệ Tướng quân, thống lĩnh Vũ vệ doanh Cấm quân, Tào Ngạn làm Tản Kỵ Thường Thị, nhờ đó, anh em Tào Sảng hoàn toàn nắm quyền khống chế hơn vạn quân trong thành Lạc Dương.
Tào Sảng cũng từng nhiều lần cùng em trai Tào Hi rời thành du ngoạn, Nông Hoàn Phạm - một Đại Ti cùng quê với Tào Sảng cho rằng hai anh em Tào Sảng đang nắm trong tay quyền lực triều đình cùng với Cấm quân, cho nên không nên cùng lúc rời khỏi thành, tránh để có kẻ thừa cơ đóng cổng thành làm phản, khi ấy cả hai sẽ không thể quay về khống chế thành Lạc Dương.
Nhưng đáng tiếc là, Tào Sảng khi ấy cho rằng không ai có thể uy hiếp quyền lực của mình cho nên không nghe lời khuyên.
Ngày Giáp Ngọ (tức mồng 6) tháng Giêng năm Chính Thủy thứ mười (tức năm 249) (tức ngày 5 tháng 2 Dương lịch), Tào Phương cùng ba anh em Tào Sảng đến lăng Cao Bình tế bái Ngụy Minh Đế. Cho nên, khi sự biến lăng Cao Bình xảy ra, không chỉ Tào Sảng mà anh em của Tào Sảng cũng đều không ở trong thành Lạc Dương.
Hình ảnh nhân vật Tào Phương trên phim.
Điều này khiến cho hơn vạn Cấm quân trong thành Lạc Dương như rồng mất đầu, không thể ngăn chặn nổi sự tấn công của ba nghìn tử sĩ dưới trướng Tư Mã Ý.
Nói cách khác, nếu như một trong ba người Tào Hi, Tào Huấn hoặc Tào Ngạn ở lại thành Lạc Dương, thì khi binh biến lăng Cao Bình xảy ra, có thể tập hợp Cấm quân chống lại Tư Mã Ý. Tào sảng quá mức tự tin, đồng thời lơ là phòng bị nên đã phải trả cái giá đắt cho sai lầm của mình.
3. Tưởng Tế, Tư Mã Sư đều từng giữ chức vụ trong Cấm quân
Tưởng Tế (sinh năm 188 mất ngày 18/ 5/ 249), tự là Tử Thông, là người Bình A thuộc Sở quốc (nay là Khổng Cương, trấn Thường Phần, huyện Hoài Viễn, tỉnh An Huy). Là đại thần nhà Ngụy thời Tam quốc, phục vụ bốn đời vua là Tào Tháo, Tào Phi, Tào Duệ và Tào Phương. Năm Cảnh Sơ, Tưởng Tế từng giữ chức Hộ quân tướng quân, Tản Kỵ Thường Thị…
Sau khi Tào Phương lên ngôi, Tưởng Tế giữ chức Lĩnh quân tướng quân, được phong Xương Lăng đình hầu, lại thay Tư Mã Ý giữ chức Thái úy. Nói đến Tưởng Tế, các vị trí như Hộ quân tướng quân, Lĩnh quân tướng quân đều là những vị trí quản lý Cấm quân. Thậm chí có thể nói, các tướng lĩnh trong Cấm quân nhà Ngụy, có rất nhiều người là thuộc hạ cũ của Tưởng Tế.
Đồng thời, vào năm Cảnh Sơ nhà Ngụy (tức từ năm 237 đến năm 239), Tư Mã Sư giữ chức Tản Kỵ Thường Thị, sau nhiều lần thăng chức lên Trung Hộ quân. Với Tư Mã Sư, vị trí Trung Hộ quân cũng là một trong các thống lĩnh Cấm quân. Do đó, với một người lòng dạ thâm sâu như Tư Mã Sư, rất có khả năng đã sớm đưa tâm phúc của mình cài vào Cấm quân nhà Ngụy.
Theo ghi chép của "Tấn Thư – Tuyên Đế kỷ" có đoạn: "Ngày Giáp Ngọ tháng Giêng năm Gia Bình nguyên niên, Thiên tử tế Cao Bình lăng, anh em Sảng theo hộ tống. Cùng ngày, Thái Bạch tập nguyệt. Đế thượng tấu với Thái Hậu Tần Vĩnh Ninh, phế bỏ anh em Sảng. Lúc ấy, Cảnh Đế vẫn là Trung Hộ quân, dẫn quân trấn giữ phủ Tư Mã.
Nhân vật Tư Mã Ý trên phim.
Đế bày trận trước cửa, dẫn quân đến phủ của Sảng, thuộc hạ dưới trướng Sảng là Nghiêm Thế thấy vậy, lên lầu cầm cung tên định bắn Đế, Tôn Khiêm thấy thế ngăn lại nói: "Việc còn chưa rõ,", ba lần ngắm tên cũng ba lần buông xuống, cuối cùng cũng không bắn."
Lúc xảy ra sự biến lăng Cao Bình, Tư Mã Ý bày trận, đưa quân đến trước của phủ của Tào Sảng, thuộc hạ của Tào Sảng là Nghiêm Thế lên đài cao, lấy cung muốn nhắm bắn Tư Mã Ý, nhưng ngay vào thời khắc quan trọng, Tôn Khiêm kéo tay ông, ngăn lại nói:
"Mọi việc vẫn chưa biết rõ ràng". Ba lần giương cung lên cũng ba lần hạ cung xuống, Tôn Khiêm đều giữ chặt khuỷu tay Nghiêm Thế, không để ông bắn cung. Thế nên, có thể thấy được Tôn Khiêm tuy là thuộc hạ của Tào Sảng như đã phản bội Sảng theo phe Tư Mã Ý.
Việc Tôn Khiêm phản bội Tào Sảng theo phe Tư Mã Ý, nguyên nhân có thể là do Tưởng Tế và Tư Mã Sư đều từng là thống lĩnh Cấm quân, cho nên Tôn Khiêm lựa chọn cùng Tư Mã Ý phát động binh biến. Hơn nữa, uy danh của Tư Mã Ý trong quân đội nhà Ngụy rất cao, điều này khiến cho thuộc hạ dưới trướng Tào Sảng bị đe dọa không ít.
Cho nên, dù chỉ với 3000 nhân mã, Tư Mã Ý vẫn có thể thuận lợi khống chế được đô thành Lạc Dương của nhà Ngụy, ép Tào Sảng phải đầu hàng, từ bỏ phản kháng, chiếm được toàn bộ giang sơn mà Tào Tháo đã dày công gây dựng.