Số tiền phạt chậm nộp thuế phát sinh trước 1/7/2013 của doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn khách quan và đã nộp khoản nợ thuế gốc trước 31/12/2014 thì sẽ được xem xét xóa nợ.
Đây là một trong các giải pháp về thuế được áp dụng để hỗ trợ cho các DN trong cả nước theo nội dung của
Nghị quyết 63/NQ-CP năm 2014.
Chính phủ sẽ quy định cụ thể phạm vi đối tượng DN được xóa nợ này.
Bên cạnh việc xóa nợ, DN còn có thể được áp dụng một số giải pháp, chính sách hỗ trợ sau:
- DN được tính vào chi phí được trừ đối với khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động mà có hóa đơn, chứng từ; tổng số chi không quá 1 tháng lương bình quân thực tế.
- Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 04 năm và được giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; trường hợp đầu tư mở rộng sản xuất sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển quy định tại Khoản này nếu đáp ứng một trong ba tiêu chí về đầu tư mở rộng quy định tại Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 32/2013/QH13 thì được lựa chọn hưởng ưu đãi thuế (cả thuế suất và thời gian miễn, giảm) theo dự án đang hoạt động cho thời gian còn lại (nếu có) hoặc được miễn thuế 04 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng.
Chính phủ quy định Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển.
- Miễn thuế, giảm thuế hoặc không thu thuế đối với phần thu nhập của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở nước ngoài khi chuyển về nước. Giao Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể.
- Dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12.000 tỷ đồng (mười hai nghìn tỷ đồng), thực hiện giải ngân không quá 5 năm kể từ khi được cấp phép đầu tư được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất (trừ dự án sản xuất mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, dự án khai thác khoáng sản). Trường hợp cần đặc biệt thu hút đầu tư thì được xem xét kéo dài thêm thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi 10% nhưng tối đa không quá 15 năm.
- Áp dụng thuế suất 20% trong năm 2014 và 2015 đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sử dụng thường xuyên trên 300 lao động và thực hiện bao tiêu sản phẩm thu hoạch cho người lao động không thuộc địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Từ ngày 1/1/2016, thu nhập của doanh nghiệp trên được áp dụng thuế suất 17%.
Nghị quyết này được đưa ra trên cơ sở Báo cáo của Bộ Tài chính (Tờ trình số 95/TTr-BTC ngày 28 tháng 7 năm 2014), thảo luận của các thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp thường kỳ, tổ chức ngày 30, 31 tháng 7 năm 2014,
Tình trạng nợ đọng thuế từ năm 2011 đến nay có xu hướng gia tăng tại nhiều địa phương trên cả nước. Cụ thể, tỉ trọng nợ thuế trên tổng số thuế thực thu của năm 2011 là 6,3% nhưng năm 2012 tỉ trọng này đã tăng lên 8,1%. Tính đến cuối năm 2013, tiền phạt chậm nộp tiền thuế phát sinh trước nửa đầu năm 2013 là 9.746 tỉ đồng, chiếm 15% tổng số nợ thuế. Riêng số tiền phạt chậm nộp từ nợ khó thu là 1.134 tỉ đồng, nợ dưới 90 ngày là 1.770 tỉ đồng, nợ trên 90 ngày là 6.537 tỉ đồng, chiếm 67% tổng số nợ phạt chậm nộp. Các địa phương có số tiền phạt chậm nộp nợ đọng lớn như Hà Nội 3.006 tỉ đồng, TP.HCM 3.147 tỉ đồng. Ngoài ra, Bộ Tài chính cho biết từ năm 2009 đến nay, số tiền phạt chậm nộp liên tục tăng lên, bình quân mỗi năm tăng 2.000 tỉ đồng. Theo Tuổi trẻ |
Bạch Dương
kyanh