Vỡ nợ 80 tỷ rúng động phố núi Gia Lai
Hàng loạt người dân ảo tưởng đem tiền, nông sản cho bà Hường để lấy lãi. Theo tường trình bà đã vỡ nợ từ năm 2009 khi giá nông sản hạ thấp bất ngờ nhưng vẫn cầm cự được nhờ vay mượn, giỏi xoay sở.
Chân dung bà Hường
Bà Hường trước khi thành lập DN Phúc Vinh, mở nhà hàng Đại Phúc vốn là dân nuôi heo. Đương thời, nhà hàng Đại Phúc là nơi diễn ra gần như hầu hết các tiệc tùng lớn nhỏ của các cơ quan cũng như giới có máu mặt ở phố huyện. "Tiếng lành đồn xa" cộng với cái mác chủ nhà hàng Đại Phúc đang ăn nên làm ra, hàng loạt người dân ảo tưởng đã tự nguyện đem tiền, nông sản đưa cho bà Hường để lấy lãi là điều dễ hiểu.
Để tạo uy tín, ban đầu bà Hường trả lãi tương đối sòng phẳng khiến các nạn nhân "mờ mắt", không chỉ đem tiền của mình cho vay mà nhiều người còn đi huy động tiền của người thân bạn bè, bán hoặc cầm cố tài sản cho ngân hàng lấy tiền đưa cho bà Hường để nhận lãi khủng.
Trường hợp của chị Lê Thị Hoa (42 tuổi), ngụ tại Tổ 2, thị trấn Chư Prông vay hai lần với tổng số tiền 2,21 tỷ đồng là một ví dụ. Hơn một nửa số tiền là của chị Hoa vay mượn người khác, cầm cố tài sản để vay ngân hàng lấy tiền cho bà Hường vay để ăn chênh lệch.
Cơ ngơi hoang vắng của bà Hường
Rồi trường hợp của ba chị em nhà bà Trần Thị Quế (44 tuổi, thôn Hoàng Yên, xã Ia Phìn, Chư Prông). Ba chị em nhà bà Quế bỏ bê công việc chuyển sang huy động vốn từ người thân từ Chư Prông, Đak Lak và cả tận ở quê. Một người em của bà Quế đã bán đứt mảnh rẫy chừng 2 tỷ đồng, cầm cố tài sản cho một ngân hàng 900 triệu và huy động số tiền nhiều tỷ đồng từ người thân, bạn bè...
Chúng tôi đến nhà bà Quế thì nhà không có một ai, cửa nẻo khóa im ỉm, chỉ có con chó trông nhà. Cùng hoàn cảnh tương tự là căn biệt thự bề thế mới xây của bà Bùi Thị Bút trên đường Hùng Vương (thị trấn Chư Prông) cũng đóng cửa đóng then cài.
Tiền đi về đâu?
Theo tường trình của bà Hường, thực tế bà đã bị vỡ nợ từ năm 2009 khi giá nông sản bị hạ thấp một cách bất ngờ, nhờ quan hệ rộng, giỏi xoay xở, vay mượn nên bà cầm cự được đến bây giờ. Thời điểm cuối năm 2012, nhiều lần muốn tuyên bố vỡ nợ, bà Hường lại cố vay mượn để lấy tiền của người sau trả nợ cho người trước và tiền lãi đã đội lên đến con số 76 tỷ như đơn trình báo của các nạn nhân.
Thông tin mới nhất từ công an huyện Chư Prông, bà Hường xác nhận là đã vay nặng lãi số tiền 37 tỷ đồng, mặc dù trước đó bà thừa nhận vay 51 tỷ. Thông tin này khiến nhiều người "đoán non, đoán già" phải chăng đằng sau đó còn có nhiều khuất tất chưa làm rõ.
Những thông tin mà bà Hường cung cấp về số tiền bà vay thật khó để người ta tin được. Phần lớn số tiền vay được dùng để trả nợ cho các đối tượng xã hội đen mà bà đã lỡ vay nặng lãi. Theo bà Hường, chúng đã dọa sẽ giết chồng con nên bà mới nhắm mắt làm liều. Một thông tin mà bà Hường khai chưa được kiểm chứng khác là bà Hường đã hùn vốn với một người tên Tèo (không rõ nhân thân) số tiền hơn 4 tỷ đồng để sang Campuchia kinh doanh và người này đã lặn "mất bóng" cùng với số tiền?!.
Đồ đạc bị siết nợ.
Chồng của bà Hường, ông Vinh, từ quê vào và khai chẳng liên quan gì đến các việc làm của vợ. Sau buổi chiều xiết nợ, nhận thấy hành vi của mình là vi phạm pháp luật, nhiều người dân đã làm đơn xin nộp lại tài sản đã xiết cho cơ quan công an.
Theo nguyện vọng của bà Hường, bà đề nghị chủ nợ thông cảm cho hoàn cảnh của bà, xóa lãi, khoanh nợ để cho bà trả dần. Hiện một số tài sản của bà Hường thế chấp để vay vốn được ngân hàng tiếp nhận; sau khi xử lý nợ cho ngân hàng, phần tiền còn lại sẽ được trả cho các nạn nhân. Bà cũng yêu cầu (bằng miệng) với cơ quan điều tra đưa ra tòa những người đã tiến hành cướp phá tài sản tại nhà hàng Đại Phúc và yêu cầu bồi thường.
Hàng loạt vụ vỡ nợ đã diễn ra gần đây khiến huyện nghèo rúng động, hoảng loạn; trong khi đó, UBND huyện Chư Prông chỉ mới có một công văn gửi công an huyện yêu cầu xác minh tình trạng vỡ nợ và nêu quan điểm chỉ đạo cơ quan công an vào cuộc điều tra, làm rõ. Phương hướng xử lý hậu quả thì vẫn phải chờ sau khi có kết quả của cơ quan điều tra...
Theo Theo Pháp Luật
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!