Thủ tục giải thể doanh nghiệp: Muốn 'chết' cũng khó lắm thay!

20/08/2013 15:34 PM | Pháp luật

Khi doanh nghiệp lâm vào nghịch cảnh, để hạn chế dàn trải chi phí, việc tính toán lại mức độ ưu tiên khi thực hiện thủ tục giải thể là điều cần thiết.

Mỗi khâu thủ tục cần nhiều giấy tờ và một khoảng thời gian nhất định mới có thể thực hiện được. Để có thể giải thể, doanh nghiệp cần phải chuẩn bị đầy đủ bộ hồ sơ giải thể theo quy định của pháp luật, phải thanh toán các khoản nợ đối với chủ nợ cũng như các khoản nợ về thuế và tiền đóng bảo hiểm xã hội. 

Đồng thời, phải đưa ra chính sách giải quyết quyền lợi cho người lao động, liên hệ cơ quan thuế có thẩm quyền để tiến hành khóa mã số thuế, liên hệ cơ quan công an để tiến hành hủy con dấu doanh nghiệp. 

Điều này dẫn đến, doanh nghiệp đã khó khăn, nay còn gặp khó khăn hơn trong việc tiến hành các thủ tục giải thể doanh nghiệp.

Về hồ sơ

Doanh nghiệp có thể dễ dàng tìm thấy thông tin thành phần hồ sơ trên các trang thông tin đại chúng và tự chuẩn bị theo các danh mục đó. 

Tuy nhiên, ngoài những giấy tờ mà doanh nghiệp đã chuẩn bị thì khi nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan đó sẽ tiến hành xem xét, kiềm tra tính xác thật và tính hợp pháp về hình thức và nội dung của từng hồ sơ. Sau 1 thời gian xác định, cơ quan sẽ thông báo cho doanh nghiệp cần thay thế và bổ sung những giấy tờ cần thiết, khi doanh nghiệp nộp các giấy tờ bổ sung thì cơ quan sẽ tiến hành kiểm tra tính xác thật và tính hợp pháp về hình thức và nội dung, nếu vẫn cần thay thế, bổ sung thì cơ quan sẽ tiếp tục thông báo và doanh nghiệp cứ tiếp tục nộp…

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải nhanh chóng tất toán các khoản nợ đối với chủ nợ, thuế và tiền đóng bảo hiểm xã hội thì mới có thể tiến hành khóa mã số thuế và giải thể công ty được.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải thống kê danh sách người lao động hiện có và quyền lợi của họ đã được giải quyết, đây là phần không thể thiếu trong bộ hổ sơ giải thể.

Khóa mã số thuế

Doanh nghiệp phải liên hệ với cơ quan thuế quản lý của mình để tiến hành thủ tục đề nghị khóa mã số thuế. Trong quá trình giải quyết, cơ quan thuế sẽ yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các giấy tờ cơ bản như quyết định giải thể, quyết toán thuế, tờ khai thuế, hóa đơn …và một số giấy tờ khác tùy theo từng trường hợp giải thể cụ thể của mỗi doanh nghiệp. 

Ngoài ra, trong nhiều tình huống, phía cơ quan thuế còn yêu cầu doanh nghiệp giải trình một số vấn đề liên quan về thuế của doanh nghiệp, nếu trong quá trình kiểm tra, cơ quan thuế phát hiện có sai sót. 

Sau khi kiểm tra xong, nếu xét thấy doanh nghiệp đã thực hiện xong nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, hồ sơ thuế của doanh nghiệp đầy đủ, thì phía cơ quan thuế sẽ xem xét cấp Giấy xác nhận doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục khóa mã số thuế, có Giấy xác nhận này thì doanh nghiệp mới có thể hoàn thành bộ hồ sơ giải thể để nộp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Hủy con dấu

Sau khi xem xét hồ sơ giải thể do doanh nghiệp nộp, nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, phía Sở kế hoạch và Đầu tư sẽ ra thông báo yêu cầu doanh nghiệp liên hệ cơ quan công an có thẩm quyền để tiến hành thủ tục nộp lại con dấu. 

Tiếp đến, doanh nghiệp liên hệ cơ quan công an có thẩm quyền để nộp lại con dấu, Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu. Sau một thời gian kiểm tra và xem xét, cơ quan công an sẽ ra Giấy xác nhận đã hủy con dấu. 

Cuối cùng, doanh nghiệp liên hệ với Sở kế hoạch và Đầu tư nộp lại Giấy xác nhận này để nhận được thông báo về việc giải thể doanh nghiệp.

Nhằm tránh dàn trải chi phí trong thời gian chờ đợi quyết định giải thể, doanh nghiệp có thể tham vấn ý kiến của các chuyên gia để công việc được nhanh chóng và hiệu quả.

Công ty luật PLF

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM