Sẽ đưa 'doanh nghiệp xã hội' vào Luật Doanh nghiệp

18/12/2012 14:43 PM | Pháp luật

Theo khảo sát của Hội đồng Anh, hiện Việt Nam có 211 doanh nghiệp xã hội hoạt động, chưa kể có khoảng 165.000 các tổ chức khác có một số đặc tính hoạt động như doanh nghiệp xã hội.

Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đang nghiên cứu đề xuất bổ sung vào Luật Doanh nghiệp sửa đổi một số nội dung thừa nhận vai trò pháp lý của mô hình doanh nghiệp xã hội (social enterprises) để họ được hưởng các chính sách ưu đãi tương tự như các đối tượng doanh nghiệp khác.

Thông tin trên được ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng CIEM cho biết qua trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 16-12 tại một buổi hội thảo về phát triển doanh nghiệp xã hội tại tỉnh Nam Định.

Định nghĩa về doanh nghiệp xã hội, ông Cung cho biết thường doanh nghiệp xã hội xuất phát từ nhu cầu giải quyết các vấn đề xã hội, thiết kế ra sản phẩm, dịch vụ để giải quyết vấn đề xã hội, tìm kiếm lợi nhuận để giải quyết những vấn đề xã hội.

Theo ông Cung, CIEM sẽ lồng ghép hai nội dung quan trọng vào Luật Doanh nghiệp sửa đổi sắp tới, gồm doanh nghiệp xã hội được nhận tài trợ từ các bên liên quan để tạo nguồn vốn đầu tư phát triển, và sẽ được pháp lý thừa nhận, được hưởng những ưu đãi từ các chính sách như thuế, đất đai... như những loại hình doanh nghiệp khác tại Việt Nam.

Ông Cung cho biết hiện CIEM đang được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Theo lộ trình, hy vọng từ nay đến năm 2015 sẽ trình Quốc hội thông qua.

Theo ông Cung, hiện Việt Nam có hàng ngàn doanh nghiệp xã hội đang hoạt động chờ được tháo gỡ những hạn chế về mặt pháp lý, mặc dù đã được xã hội thừa nhận.

“Khi tư vấn sửa đổi Luật Doanh nghiệp, chúng tôi sẽ đưa những khái niệm về doanh nghiệp xã hội với những quyền và nghĩa vụ riêng có của nó. Sẽ định vị vai trò pháp lý, tạo chính sách cho doanh nghiệp xã hội phát triển như đã từng thừa nhận đối với doanh nghiệp tư nhân trước đây. Hy vọng đưa tinh thần sáng tạo xã hội thấm vào được các nhà hoạch định chính sách để tạo ra chính sách khuyến khích tinh thần này, không gò bó, kích thích tinh thần kinh doanh xã hội, lúc đó doanh nghiệp xã hội mới ‘bừng nở’ được”, ông Cung nói.

Theo khảo sát của Hội đồng Anh, hiện Việt Nam có 211 doanh nghiệp xã hội hoạt động, chưa kể có khoảng 165.000 các tổ chức khác có một số đặc tính hoạt động như doanh nghiệp xã hội.

Theo Văn Nam
TBKTSG

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM