Nhân viên lãnh sự Mỹ ở TP.HCM bị bắt vì "bán" thị thực thu lợi hàng triệu đô
Một nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã “nhận hàng triệu USD hối lộ” từ người Việt Nam muốn xin cấp thị thực, theo hồ sơ tòa án mới được công bố.
Trong cáo trạng hình sự, cựu nhân viên ngoại giao Michael T. Sestak đối mặt với các cáo buộc về tội gian lận thị thực và nhận hối lộ trong một âm mưu diễn ra ở nhiều nước.
Trong một số vụ, các nhà điều tra cho biết có người Việt Nam đã trả đến 70.000 USD để được cấp thị thực hợp lệ vào nước Mỹ, theo tờ News Observer hôm 23.5.
Những người đồng mưu đã quảng cáo cần phải nộp từ 50.000 USD đến 70.000 USD để lấy thị thực song có lúc họ lấy ít hơn, theo điều tra viên Bộ Ngoại giao Mỹ Simon Dinits trong bản khai.
“Họ cũng khuyến khích những người dắt mối tăng giá tiền và giữ lại tiền dôi ra như là hoa hồng”, bản khai viết.
Các nhà điều tra nói âm mưu bắt đầu từ khi Sestak được giao phụ trách xử lý thị thực không di dân tại Tòa Tổng lãnh sự Mỹ ở TP.HCM.
Sestak làm việc tại tòa tổng lãnh sự Mỹ ở TP.HCM đến tháng 9 năm ngoái, khi ông ta rời đi để chuẩn bị phục vụ trong hải quân. Vào lúc đó, một nguồn tin đã báo cho các nhà điều tra về âm mưu bán thị thực.
Luật sư của ông Seatak không bình luận về vụ án này hôm 23.5, theo tờ News Observer.
Ông Sestak, 42 tuổi, bị bắt một cách lặng lẽ tại Nam California cách đây khoảng một tuần. Lấy lý do bị can có nguy cơ bỏ trốn, nhà chức trách đã xin tòa án cấp lệnh giam giữ Sestak mà không cho tại ngoại cho đến khi chuyển ông ta đến Washington để truy tố.
Dù hồ sơ đã được công khai, người phát ngôn của Văn phòng Chưởng lý Mỹ ở Washington đã từ chối bình luận về vụ án cho đến khi Sestak được chuyển đến đây.
Ông Dinits, đặc vụ thuộc Cục An ninh Ngoại giao của Bộ Ngoại giao Mỹ, tường trình các cáo buộc chống lại Sestak và 5 kẻ đồng mưu giấu tên trong một bản khai 28 trang gửi kèm cáo trạng.
Cáo trạng mô tả chi tiết cách Sestak chuyển số tiền bất chính qua biên giới.
“Ông ta rốt cuộc đã chuyển số tiền ra khỏi Việt Nam bằng cách sử dụng những kẻ rửa tiền trong các ngân hàng nước ngoài, chủ yếu ở Trung Quốc, đến một tài khoản ngân hàng ở Thái Lan mà ông ta mở hồi tháng 5.2012. Sau đó, ông ta sử dụng số tiền để mua bất động sản ở Phuket và Bangkok, Thái Lan”, ông Dinits viết.
Sestak bắt đầu làm việc tại Tòa Tổng lãnh sự Mỹ ở TP.HCM vào tháng 8.2010 và đứng đầu văn phòng cấp thị thực không di dân. Đây là một văn phòng nhộn nhịp và Sestak tỏ ra dễ dãi khác thường trong việc cấp thị thực, theo ông Dinits.
Từ ngày 1.5.2012 đến ngày 6.9.2012, tòa lãnh sự nhận 31.386 hồ sơ xin cấp thị thực và từ chối 35,1% trong số đó. Trong cùng thời gian, Sestak xử lý 5.489 hồ sơ và chỉ từ chối 8,2% số đó, theo các nhà điều tra.
Tỷ lệ từ chối thị thực của Seatak giảm xuống còn 3,8% trong tháng 8, không lâu trước khi ông rời khỏi tòa lãnh sự.
Theo ông Dinits, một trong những kẻ đồng mưu với Sestak là “tổng giám đốc văn phòng tại Việt Nam của một công ty đa quốc gia”. Bốn người còn lại là bạn bè hoặc bà con của người này. Tất cả đều sống ở Việt Nam.
Ông Dinits nói một kẻ đồng mưu đã tiếp cận những người ở Việt Nam và ở Mỹ, quảng cáo rằng mình có thể bảo đảm xin cấp thị thực Mỹ, kể cả những người có ít cơ hội. Những người khác giúp chuẩn bị hồ sơ và Sestak sẽ xem xét hồ sơ đó, theo ông Dinits.
Vào tháng 7 năm ngoái, một nguồn tin đã báo với các quan chức tòa lãnh sự Mỹ rằng có từ 50 đến 70 người từ một ngôi làng ở Việt Nam đã trả tiền mua thị thực. Tin tức này giúp các nhà điều tra lần ra dấu vết việc các hồ sơ xin cấp thị thực trên mạng thông qua địa chỉ IP.
Theo Sơn Duân
Theo Thanh niên
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!