M&A - Có nên mua bản báo cáo tài chính 'đẹp'
Thẩm định chi tiết là hoạt động chủ chốt làm nên sự thành công cho các thương vụ M&A. Việc nhận được một bản báo cáo tài chính quá hấp dẫn là lúc bên mua cần đặt ra những dấu chấm hỏi.
Báo cáo tài chính là bản mô tả vị thế tài chính của doanh nghiệp tại một thời điểm và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đó trong một khoảng thời gian nhất định, thường bao gồm 4 bảng: Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả kinh doanh, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ và Bản thuyết minh báo cáo tài chính.
Trong giao dịch M&A, vấn đề tài chính luôn là một trong những quan tâm hàng đầu của bên mua, thẩm định tài chính chính xác sẽ giúp bên mua có cái nhìn toàn diện, đánh giá, dự đoán được các giá trị cúa thương vụ, giá trị cộng hưởng, giá trị tài chính sau thương vụ… và đi đến quyết định cuối cùng.
Để tạo sự tin tưởng ở bên mua, bên bán có thể có sử dụng những thủ thuật kế toán khiến bên mua hiểu sai về khả năng sinh lợi của mình. Mặc dù những con số trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán, nhưng khi phân tích báo cáo tài chính cần lưu ý những vấn đề cơ bản sau:
Đầu tiên là các ước tính kế toán. Trong quá trình lập báo cáo tài chính, các doanh nghiệp thường sử dụng rất nhiều ước tính kế toán và không có một tiêu chuẩn chính xác nào về giá trị các ước tính này.
Để tăng giá trị lợi nhuận, có thể sử dụng các thủ thuật kế toán như giảm mức khấu hao, giảm mức dự phòng, giảm giá hàng tồn kho, giảm dự phòng nợ khó đói, không ghi nhận chi phí khi tài sản bị giảm giá xuống dưới giá trị thuần, vốn hoá các khoản chi phí không đủ điều kiện...
Kế đến, các giao dịch thực của doanh nghiệp cũng là một công cụ hữu hiệu để doanh nghiệp tăng lợi nhuận của năm hiện hành, thủ thuật này nhằm chuyển lợi nhuận của kỳ sau sang kỳ hiện hành và sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh lợi của doanh nghiệp về lâu dài.
Mục đích tăng lợi nhuận có thể đạt được thông qua những giao dịch như: thực hiện chính sách giá và tín dụng, cắt giảm chi phí hữu ích, trì hoãn thanh lý tài sản không có nhu cầu sử dụng và các khoản đầu tư không hiệu quả, bán các khoản đầu tư hiệu quả, sản xuất vượt mức công suất tối ưu,…
Ngoài ra, tùy vào đặc điểm ngành và hoạt động kinh doanh mà doanh nghiệp còn có thể sử dụng một số một số thủ thuật kế toán khác để tăng lợi nhuận như: thực hiện giao dịch với khách hàng vào thời điểm cuối kỳ mà không buộc khách hàng thanh toán ngay, ghi nhận trước doanh thu và lợi nhuận đối với các hoạt động kinh doanh có thời gian dài,…